Các cán bộ, chiến sĩ của Phòng CSGT Đà Nẵng đã được tập huấn về xử lý nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Tại Đà Nẵng, đại tá Phan Ngọc Truyền - trưởng Phòng CSGT - cho biết từ ngày 3-3, đoàn của Cục CSGT (Bộ Công an) phối hợp cùng đơn vị đã tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các cán bộ, chiến sĩ của phòng. Theo đại tá Truyền, việc tập huấn được thực hiện ở cấp phòng, các trạm CSGT thuộc phòng và chưa thực hiện cấp quận, huyện.
Thiếu tá Thái Anh Tuấn - đội trưởng đội tuyên truyền, xử lý Phòng CSGT Đà Nẵng - cho biết phòng đã được cục trang bị hệ thống máy vi tính, hệ thống đường truyền. Qua tập huấn, các cán bộ, chiến sĩ đã cơ bản nắm được thao tác thực hiện liên quan đến phần mềm này.
Thượng tá Hồ Thanh Bình - phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận - cho biết đơn vị đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị và sẵn sàng cho việc thí điểm này. "Chúng tôi đã phân công lực lượng phụ trách, kết nối hạ tầng, nhập liệu với hệ thống. Khi được kích hoạt, mọi việc sẽ triển khai ngay tức thì" - ông Bình nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 6-3, thượng tá Bùi Trung Thành - phó giám đốc Công an TP Hải Phòng - cho biết hiện địa phương đang được các cán bộ của Cục CSGT (Bộ Công an) triển khai lắp đặt, hoàn thiện hệ thống phần mềm kỹ thuật.
Dự kiến việc hướng dẫn nghiệp vụ, tập huấn cho lực lượng CSGT sẽ được tổ chức trong ít ngày tới để đảm bảo có thể triển khai thực hiện thí điểm ngay khi đưa các dịch vụ này lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Theo thượng tá Thành, đây là vấn đề mới đối với người tham gia giao thông và cả lực lượng CSGT trên địa bàn cũng đang chờ hướng dẫn, tập huấn cụ thể từ Cục CSGT để triển khai theo đúng kế hoạch thí điểm.
Trong khi đó, một cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM cho biết các đội, trạm của phòng đã được cục cài đặt phần mềm và tập huấn để áp dụng cho người vi phạm đóng phạt qua mạng. Tuy cách làm này có nhiều thuận tiện, nhưng vẫn còn một số trường hợp khó áp dụng như địa chỉ của người vi phạm thiếu chính xác (do thay đổi...) hoặc người vi phạm không chấp hành ký biên bản vi phạm, không nhận biên bản vi phạm...
Giao xe cho người vi phạm bảo quản
Theo nghị định "về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính" vừa được Chính phủ ban hành, từ ngày 1-5, người vi phạm có thể được... tự giữ xe tại nhà.
Theo đó, xe vi phạm thuộc trường hợp bị tạm giữ, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có một trong các điều kiện dưới đây thì có thể được giao giữ, bảo quản xe của mình, cụ thể:
Cá nhân vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn, hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan đang công tác; tổ chức vi phạm có địa chỉ hoạt động cụ thể. Tổ chức, cá nhân có đặt tiền bảo lãnh sẽ được xem xét giao giữ, bảo quản xe vi phạm.
Trong thời gian được giao giữ, bảo quản xe nếu để xảy ra mất, đánh tráo, bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp, hư hỏng... thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Người ủng hộ, người băn khoăn
Anh Phạm Minh Toàn (31 tuổi, trú tại Dương Kinh, TP Hải Phòng) cho rằng triển khai việc này là rất thiết thực, phù hợp với tình hình hiện nay bởi không chỉ hỗ trợ người vi phạm giao thông tiết kiệm thời gian, công sức trong quá trình nộp phạt mà còn đảm bảo sự tiện lợi, công khai. "Hiện nay lượng người đăng ký tài khoản ngân hàng, giao dịch online ngày càng nhiều nên việc triển khai dịch vụ công cho phép người vi phạm giao thông nộp phạt online là phù hợp với xu hướng xã hội" - anh Toàn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn (58 tuổi, tài xế xe khách tuyến Thái Bình - Hải Phòng) cho biết hiện vẫn chưa nắm được cụ thể việc này nên cũng không rõ tính hiệu quả, tiết kiệm như thế nào. "Tôi nghĩ cái này phù hợp hơn với người trẻ, chứ chúng tôi hiện nay chạy xe vẫn nhận lương tiền mặt nên không biết tài khoản ngân hàng là gì, cũng như thanh toán online ra sao nên không phù hợp lắm" - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Hà Văn Trường - cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng - cho rằng điều dễ nhận thấy nếu việc này triển khai rộng rãi sẽ giúp người vi phạm cũng như cơ quan chức năng hạn chế việc phải tiếp xúc trực tiếp với nhau, tiết kiệm thời gian, giảm việc sử dụng tiền mặt và tăng cường sự minh bạch trong xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nếu phối hợp thiếu nhịp nhàng, hệ thống phần mềm vận hành gặp trục trặc... sẽ khiến các bên thêm áp lực.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.