Thiệt hại do thiên tai tập trung ở châu Phi và Đông Nam Á, nơi dân số đô thị ngày càng tăng. Ảnh: Reuters. |
Ngân hàng Thế giới hôm 19/6 nói do biến đổi khí hậu, nguy cơ xuất hiện lũ lụt, bão và các thiên tai khác ngày càng cao, gây thiệt hại cho các nước nghèo hàng trăm tỷ USD mỗi năm do cơ sở hạ tầng kém, theo AFP.
WB nói tình trạng mất điện, nước, gián đoạn giao thông xảy ra do thời tiết khắc nghiệt và ngày càng trở nên tồi tệ hơn do yếu kém trong quản lý, bảo trì cầu, đường và lưới điện, đã gây thiệt hại cho các nước thu nhập thấp và trung bình 390 tỷ USD mỗi năm.
Theo dự báo, hai phần ba nhân loại sẽ sống tại các thành phố vào năm 2050, tăng từ mức 55% hiện nay.
Với phần lớn hệ thống cấp thoát nước, điện và cơ sở y tế cần thiết cho cuộc sống của họ vẫn chưa được xây dựng, nhiều nhà đầu tư đang ngày càng ưu tiên các dự án sẽ chứng minh khả năng chống chọi với những "cú sốc" khí hậu trong tương lai.
WB cho biết đầu tư vào cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn sẽ giúp các nước đang phát triển "bỏ túi" tới 4,2 nghìn tỷ USD trong dài hạn.
"Chúng tôi không đo lường được nỗi đau và sự khổ sở vì thiên tai hủy hoại cuộc sống và sinh kế của người dân", bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, nói với AFP.
"Chúng tôi đang xem xét chi phí của giải pháp. Cần gì để có cơ sở hạ tầng... được xây dựng tốt hơn và có độ bền cao".
"Các quốc gia sẽ tiết kiệm được rất nhiều trong tương lai nếu họ hành động có trách nhiệm ngày hôm nay", bà nói thêm.
WB cho biết việc mất điện và gián đoạn mạng lưới giao thông vì thời tiết đã khiến các nước đang phát triển mất khoảng 18 tỷ USD mỗi năm.
Thiệt hại tập trung ở châu Phi và Đông Nam Á, nơi dân số đô thị ngày càng tăng và khí hậu nóng ẩm đặt ra thách thức với cơ sở hạ tầng.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, 64 triệu người phụ thuộc vào các nhà máy xử lý nước thải có nguy cơ bị động đất và sạt lở đất, và 200 triệu người phụ thuộc vào các nhà máy xử lý "sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt do biến đổi khí hậu".
Các doanh nghiệp ở Tanzania mất trung bình 668 triệu USD mỗi năm - tương đương 1,8% GDP - do việc mất điện, nước và gián đoạn giao thông.
Và tại Kampala, thủ đô của Uganda, thậm chí lụt không lớn cũng có thể khiến hơn một phần ba trong 1,5 triệu người của thành phố không thể đến bệnh viện trong trường hợp khẩn cấp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.