Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đó là những điểm mới đáng chú ý của dự thảo thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ vừa được Bộ GD-ĐT công bố.
Tính cả giảng viên thỉnh giảng
Theo dự thảo thông tư này, ngoài giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng cũng sẽ được tính quy đổi xác định chỉ tiêu (trừ các ngành đào tạo giáo viên).
Số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khối ngành như sau: ngành khoa học giáo dục tối đa bằng 5% tổng số giảng viên cơ hữu quy đổi.
Ví dụ: giảng viên cơ hữu sau khi đã quy đổi là 100 người, thì giảng viên thỉnh giảng chỉ được tính để xác định chỉ tiêu tối đa là 5 người.
Tỉ lệ 5% này cũng được áp dụng cho hầu hết các khối ngành còn lại, riêng khối ngành nghệ thuật tỉ lệ này là 30%.
Cũng theo dự thảo thông tư, chỉ còn giữ hai tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh: số sinh viên chính quy/1 giảng viên, và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo/1 sinh viên chính quy...
Dự thảo đã bỏ quy định căn cứ xác định chỉ tiêu hiện nay là phải đảm bảo quy mô tối đa của trường không vượt quá 15.000 sinh viên ĐH chính quy (8.000 đối với nhóm ngành sức khỏe và 5.000 đối với nhóm ngành nghệ thuật).
Bên cạnh đó, dự thảo lần này đưa thêm tiêu chí kiểm định chất lượng để kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh. Với các trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định, thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).
Thay đổi hợp lý, nhưng lo việc "mượn" giảng viên
Nhận xét về dự thảo thông tư này, TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng: "Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh các quy định hợp lý hơn. Thứ nhất, dự thảo đã bỏ tiêu chí quy mô tối đa của trường không vượt quá 15.000 sinh viên ĐH chính quy.
Thứ hai, việc giảng viên thỉnh giảng được tính vào quy đổi xác định chỉ tiêu cũng phù hợp, vì hầu như trường ĐH nào cũng mời giảng viên thỉnh giảng. Tỉ lệ tính quy đổi giảng viên cơ hữu như dự thảo là 5% rất hợp lý".
ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cũng cho rằng những quy định trong dự thảo được tổng hợp từ ý kiến của các trường.
"Việc khống chế quy mô đào tạo sinh viên chính quy ở các trường hiện nay hoàn toàn không phù hợp, nên cần phải bỏ quy định này. Thực tế ở hầu hết các trường có đến 20% giảng viên thỉnh giảng nhằm trao đổi học thuật với nhau. Vì thế, cần tính đến đội ngũ này khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, có hạn chế ở tỉ lệ nhất định là phù hợp" - ông Đương nói.
Tương tự, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng hiện nay việc mời giảng viên thỉnh giảng ở các trường ĐH công lập không hẳn do thiếu giảng viên, mà nhà trường muốn trao đổi giảng viên, hợp tác với những người có chuyên môn từ các viện nghiên cứu, doanh nghiệp... Vì vậy, cần phải tính số giảng viên thỉnh giảng này khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo TS Lâm Thành Hiển - phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), bên cạnh những ưu điểm, quy định trên cũng có nhược điểm là khó kiểm soát đội ngũ giảng viên thỉnh giảng ở các trường.
Đối với giảng viên cơ hữu có thể kiểm soát dựa trên hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội... trong khi giảng viên thỉnh giảng lại không có những cơ sở này, thậm chí có thể làm "hợp đồng ma". Vì vậy, cần có thêm quy định rõ hơn về giảng viên thỉnh giảng - đó là những người có hợp đồng thỉnh giảng dài hạn, chứ không phải thỉnh giảng thời vụ.
"Dự thảo lần này đã đưa thêm tiêu chí kiểm định chất lượng để kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh, là điều rất hợp lý. Khi các trường xây dựng được văn hóa kiểm định sẽ hoạt động tốt hơn. Các trường đã đạt chuẩn rồi, không dại gì sai phạm" - ông Hiển nhận định.
Trong khi đó PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng băn khoăn về tình trạng một giảng viên đứng tên nhiều trường, thậm chí có trường "mượn" cả giảng viên cơ hữu để nâng chỉ tiêu tuyển sinh.
"Bộ GD-ĐT cần có cách kiểm soát việc này. Đồng thời yêu cầu các trường phải công khai danh sách toàn bộ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, để xã hội giám sát" - ông Hùng đề nghị.
Quy định thêm cho trường tự chủ tài chính PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng trường ĐH công lập tự chủ tài chính thực chất giống trường tư thục, vì không còn nhận kinh phí của Nhà nước. Hoạt động của các trường này dựa vào học phí, nên khi thông tư nêu chỉ có một loại trường công lập là không hợp lý. "Nên bổ sung thêm định nghĩa giảng viên cơ hữu cho các trường ĐH công lập tự chủ tài chính, bao gồm cả giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức. Đồng thời quy định thêm giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm, hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do nhà trường trả lương và chi trả các khoản khác" - ông Dũng đề xuất. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.