Cách nào gỡ “tắc” đường vào cảng biển TP. Hồ Chí Minh?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao

Cảng biển là đầu mối quan trọng trong chuỗi logistics, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của cả quy trình này.


Cảng biển là đầu mối quan trọng trong chuỗi logistics, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của cả quy trình này. Mục tiêu của dịch vụ cảng biển logistics chính là tập trung xây dựng các hệ thống dịch vụ khai thác cảng nhằm phát triển kinh tế, thế nhưng hiện nay TP. Hồ Chí Minh lại đang đối mặt với sự quá tải hệ thống giao thông kết nối vào cảng. Chính vì vậy, một số cảng biển có tiềm năng và lợi thế nhưng không thể khai thác tối ưu hiệu quả và mất ưu thế cạnh tranh hơn so với các cảng đối thủ khác trong khu vực.

Đường vào cảng Cát Lái luôn ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Mỹ Lệ

Đường vào cảng Cát Lái luôn ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Mỹ Lệ

Vốn vẫn "tắc" trên đường đến cảng

Từ ngày 01/4/2022, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển. Mỗi ngày, hệ thống này thu vào khoảng 7,7 tỷ đồng và tính đến nay tổng số tiền thu được khoảng 3.000 tỷ đồng. Việc tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển ngay từ đầu được xác định là để đầu tư các tuyến đường vào cảng biển hiện đang ùn tắc. Thế nhưng, việc triển khai đầu tư cho hệ thống giao thông vào các cảng vẫn gặp khó. Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh thông tin, việc đầu tư các đường vào cảng không phải muốn là làm được ngay mà phải giải ngân theo tiến độ, sắp xếp chủ trương đầu tư, ưu tiên thế nào. Số tiền phí thu được đảm bảo không ngoài mục tiêu đầu tư vào hạ tầng cảng biển. Tuy nhiên, hiện nay Thành phố mới thu được 3.000 tỷ đồng và mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới là 15.000 tỷ đồng, con số này cũng chỉ mới đáp ứng 14 - 16% nhu cầu hiện hữu.

Theo ông An, tổng nhu cầu vốn đến năm 2025 cần tới 103.347 tỷ đồng và nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển chỉ bù đắp một phần so với tổng nhu cầu vốn để tập trung hoàn thiện các tuyến đường vào cảng biển. Hiện nay, có 14 dự án hạ tầng cảng biển chuẩn bị đầu tư, cụ thể là đường Nguyễn Thị Định mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Dự án hoàn chỉnh vòng xoay Mỹ Thủy với các hạng mục còn lại như cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ; xây cầu Kỳ Hà 4... Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30 m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6 km, rộng 30 m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng... và một số dự án khác.

Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua TP. Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (dài 3,5 km) và từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8 km) với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành sẽ tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ. Ngoài tăng năng lực khai thác hàng hóa cho các cảng, trục đường này giúp phân luồng, giảm ùn tắc cho nội đô. Bên cạnh đó, trong nhóm 14 dự án hạ tầng cảng biển đang có kế hoạch đầu tư, Thành phố ưu tiên đầu tư thêm 2 dự án gồm: nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên QL.13 và nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên QL.1.

Ưu tiên kết nối hệ thống đường cao tốc

Trước đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã có kiến nghị UBND Thành phố bổ sung quy hoạch tuyến đường nối khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

Thời gian qua, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp UBND TP. Thủ Đức, doanh nghiệp cảng dọc tuyến đường và các đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát các đồ án quy hoạch liên quan, thông tin các dự án, công trình bị ảnh hưởng bởi tuyến đường liên cảng. Các đơn vị thống nhất phương án tuyến với điểm đầu là đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối là nút giao đường Vành đai 3 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Chiều dài tuyến khoảng 6 km, mặt cắt ngang rộng 60 m.

Hiện khu vực này có 3 tuyến đường đang và sẽ tổ chức thu phí theo hình thức hợp đồng BOT. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu theo hình thức BOT sẽ gặp nhiều khó khăn về tính khả thi thu phí hoàn vốn và dễ gặp phản ứng của các doanh nghiệp vận tải về việc "phí chồng phí".

Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh giao Ủy ban TP. Thủ Đức chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương tổ chức bổ sung quy hoạch tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan và cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Các chuyên gia nhận định, cảng Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Sản lượng hàng container của cảng này hiện chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Nhưng trên thực tế, tình trạng giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu hiện rất khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc .

Do đó, khi xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh…, đồng thời kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung các khu vực dịch vụ logistics lân cận cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu. Bên cạnh đó, hiện cảng Sài Gòn đang thực hiện việc quy hoạch di dời ra khu vực Cần Giờ, tương lai kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giải tỏa ùn tắc nội đô cho TP. Hồ Chí Minh.

Theo TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế đánh giá, việc di dời cảng Sài Gòn và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là phù hợp với chiến lược phát triển dịch vụ logistics và hình thành trung tâm tài chính quốc tế của TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là với kế hoạch di dời các cảng ra khỏi nội đô. Theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị (NQ-TW 30/12/2022), Nghị quyết 12 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia đã có chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg, TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu đầu tư cảng nước sâu phục vụ công tác di dời các cảng khu vực Quận 7 và cảng trung chuyển hàng container, cảng tàu khách quốc tế.

Đây là dự án quyết định đến sự phát triển của cảng Sài Gòn sau khi thực hiện di dời toàn bộ khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội và Tân Thuận. Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn chia sẻ: "Cảng Sài Gòn kiến nghị việc di dời Cảng Tân Thuận được thực hiện đồng bộ với việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Đơn vị sẽ hoàn tất di dời cảng Tân Thuận cùng thời điểm với việc triển khai cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng đề xuất phát triển tại khu vực cảng Tân Thuận theo quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh và Quận 7, góp phần vào sự phát triển của Thành phố".

Như vậy, trong tương lai, hệ thống cảng tại khu vực phía Đông và phía Tây sẽ có sự dịch chuyển, kéo theo việc đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông ra vào các cảng mới được "giải tỏa". Các doanh nghiệp vận tải vẫn phải chia sẻ với các tuyến đường hiện hữu đang "ùn tắc" từng ngày, do đó cần đẩy nhanh, sắp xếp nguồn vốn ưu tiên cho các dự án kết nối ra vào cảng.