Cách nào “hút” vốn tư nhân đầu tư các dự án đường cao tốc?

Tác giả: Đỗ Thi

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 04/02/2022 05:38

Đầu tư làm đường cao tốc vẫn sẽ là hướng đi chính của giao thông đường bộ nước ta trong những năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh và ngân sách khó khăn như hiện nay, lấy nguồn lực đầu tư đường cao tốc từ tư nhân đang được cấp thiết đặt ra.

 

Cao toc Bac Nam doan Mai Son - QL45

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Gặp khó về vốn

Ngày 01/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, từ nay đến năm 2030 dự kiến hoàn thành đầu tư trên 5.000 km đường cao tốc, với số vốn ước tính trên 29 tỷ USD. Quy hoạch cũng xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư, chủ yếu theo phương thức đối tác công - tư (PPP), ngân sách nhà nước tham gia vào dự án đóng vai trò vốn mồi.

Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường cao tốc trong bối cảnh hiện nay là câu chuyện không đơn giản, nhất là đối với nước ta. Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, tính đến tháng 12/2021, tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc nước ta đã được đưa vào vận hành khai thác là trên 1.163 km, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng trên cả nước khoảng 911 km. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì mục tiêu đặt ra là có được 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030. Như vậy, để đạt được con số này sẽ phải xây thêm khoảng 2.926 km đường cao tốc trong vòng 9 năm tới. Đây là con số không đơn giản. Ngân sách nhà nước vẫn đang gặp khó khăn trong khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành trong suốt gần 2 năm qua đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực xã hội.

Hiện nay, ngành GTVT đang tập trung xây dựng cao tốc Bắc - Nam theo mô hình vốn vừa là đối tác công - tư (PPP), vừa sử dụng vốn đầu tư công. Mặc dù mô hình đầu tư PPP còn nhiều bất cập như: đa số các nhà đầu tư là nhà thầu nên năng lực còn hạn chế, nhất là khả năng tài chính, dẫn tới việc huy động vốn không dễ. Mặt khác, vốn huy động của các nhà đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng thương mại, chưa khơi thông được vốn tín dụng quốc tế, nên chi phí lãi vay cao... nhưng vẫn phải thúc đẩy mô hình PPP để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân, vốn xã hội hóa.

Trong 8 dự án cao tốc Bắc - Nam kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong năm 2020 thì 5 dự án không có nhà đầu tư tham gia vì không có ngân hàng nào nhận cung cấp tín dụng. 3 dự án đã chọn được nhà đầu tư và đã ký hợp đồng dự án nhưng hiện nay 2/3 dự án vẫn chưa đàm phán xong hợp đồng tín dụng và có nguy cơ hủy hợp đồng nếu không tìm được thỏa thuận trong những thời gian tới.

Cách nào huy động vốn tư nhân

Đề cao vai trò chủ đạo của Nhà nước, các chuyên gia giao thông cho rằng, đầu tư phát triển đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay cần thiết phải huy động vốn xã hội hóa, nhằm phát huy thế mạnh của nguồn vốn tư nhân, vì nhu cầu vốn đầu tư 5 năm tới (2021 - 2025) cần khoảng 900.000 tỷ đồng, trong khi Nhà nước chỉ cân đối được khoảng 304.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, để đầu tư làm các tuyến đường cao tốc, việc huy động vốn rất quan trọng. Bộ GTVT tính toán và thấy rằng, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 30 - 40% nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Còn lại là nguồn vốn khác; giai đoạn 2026 - 2030 cần huy động nguồn vốn ngoài ngân sách lớn hơn nhiều.

Qua tìm hiểu, Luật PPP đã và đang mở ra cơ chế mới cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ, thông qua các kênh khác để đa dạng nguồn vốn huy động. Đầu tư dự án bằng hình thức PPP đắt hơn so với đầu tư công, vì phải chi phí lãi vay kéo dài, nhưng hình thức này mới thu hút được doanh nghiệp tư nhân vào cuộc, huy động vốn nhàn rỗi trong dân để quá trình xây dựng nhanh, đưa công trình vào khai thác và phục vụ người dân các địa phương sớm.

Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trong những năm qua, nhiều nước trên thế giới coi trọng và tập trung phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, vì vai trò của hệ thống đường cao tốc quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội các vùng, khu vực dự án đi qua. Mặc dù Việt Nam cũng như các nước áp dụng nhiều phương thức huy động vốn xây dựng cao tốc, nhưng Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo, vốn ngân sách là “vốn mồi” để kêu gọi nguồn vốn từ khu vực tư nhân. Cũng theo ông Cường, để đầu tư hệ thống đường cao tốc cần đa dạng hình thức đầu tư. Trong đó, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt kêu gọi vốn tư nhân. Các dự án khó thu hút vốn tư nhân, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài vài chục năm rõ ràng không hiệu quả đầu tư bằng hình thức PPP, thì Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách để làm, đặc biệt là những công trình khó giải phóng mặt bằng, công trình kết hợp phát triển kinh tế với an ninh - quốc phòng, phòng chống thiên tai.

Các chuyên gia giao thông, kinh tế cũng đưa ra nhận định, nếu chỉ trông chờ vốn ngân sách, chắc chắn không thể hoàn thành các kế hoạch đặt ra, nên phải đẩy mạnh thu hút, kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân. Mặc dù vai trò của Nhà nước là chủ đạo nhưng khi tư nhân tham gia vào vận hành, quản lý, bảo trì... sẽ càng hoàn chỉnh thêm, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - nhà đầu tư - người dân. Rất nhiều quốc gia sử dụng phương thức dùng vốn ngân sách đầu tư, sau đó sẽ chuyển nhượng lại tư nhân quản lý, vận hành và khai thác để thu hồi vốn.

Luật PPP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 cũng quy định nhiều cơ chế “mở”, nhưng các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua chưa thành công, nhiều dự án không có nhà đầu tư tham gia. “Muốn đẩy mạnh đầu tư PPP tại các dự án cao tốc, Nhà nước cần phải có các cam kết rõ ràng với nhà đầu tư, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; đồng thời, phải đa dạng hóa nguồn vốn huy động, không thể chỉ trông chờ vào vốn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại như hiện nay”, ông Cường nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, sự ra đời của Luật Đối tác công - tư (PPP) sẽ mang đến nhiều thuận lợi để Việt Nam huy động nguồn lực xã hội làm đường cao tốc bởi luật này có nhiều cơ chế “mở”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, họ sẽ có sự cân nhắc và tính toán rất kĩ về rủi ro khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực hay dự án nào. Do đó, đối với việc huy động vốn đầu tư làm cao tốc, PGS. TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng Nhà nước cần phải có các cam kết rõ ràng với nhà đầu tư, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân, điều này sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân yên tâm hơn khi quyết định đầu tư làm cao tốc.

“Hiện nay, chúng ta vẫn đang sử dụng đầu tư công tại nhiều dự án làm đường cao tốc, điển hình là cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, mục tiêu hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 là con số rất lớn, nếu chỉ đầu tư công khó có thể kham nổi. Huy động vốn xã hội hóa, vốn đầu tư từ kinh tế tư nhân vẫn sẽ là con đường chủ đạo để đầu tư xây dựng mạng lưới đường cao tốc trong tương lai”, PGS. TS. Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn

Bình luận