Cách nào khắc chế xe quá tải?

Tác giả: K. Lê - D. Thùy

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/10/2021 07:17

Lắp đặt hệ thống cân tự động tốc độ cao, hoàn thiện văn bản QPPL, trong đó nâng cao chế tài xử phạt đối với hành vi chở quá tải trọng, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương là giải pháp căn cơ nhằm xử lý triệt để xe qua tải trong thời gian tới.

 

IMG_9447
 

Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện nay các văn bản QPPL về kiểm soát tải trọng xe đã cơ bản đầy đủ ở tầm vĩ mô như: Luật Giao thông đường bộ 2008 đang được sửa đổi; Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt; Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đang được vận hành tốt. Bộ GTVT đã triển khai Đề án “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể các trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Tuy nhiên từ thực tế triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện kế hoach phối hợp 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GTVT kiểm soát tải trọng xe cho thấy muốn kiềm chế được xe chở quá tải cần có một văn bản pháp lý cao hơn, tầm bao phủ rộng hơn để huy động được sức mạnh không chỉ của ngành GTVT, công an mà cả một số bộ ngành khác, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương.

IMG_9471
Ứng dụng công nghệ vào kiểm soát tải trọng xe ở một số tuyến cao tốc

Tăng mức chế tài, xử phạt nghiêm hơn

Ông Đinh Văn Điến - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, với việc kiểm soát chặt trên các tuyến quốc lộ, các xe quá tải không dám lộ diện mà chỉ chạy những cung đường ngắn, đường địa phương, do đó tỉnh Ninh Bình yêu cầu Sở GTVT tăng cường kiểm soát tại các mỏ vật liệu trên QL12B, các bến cảng xếp dỡ với hệ thống cân xách tay, từ đó kiềm chế được rất nhiều xe quá tải. Song vì lợi nhuận, chủ xe, chủ doanh nghiệp cố tình vi phạm, do đó cần có chế tài đủ sức răn đe, nhằm ngăn chặn hành vi phá hoại hạ tầng giao thông.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, bên cạnh các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính, không ít các doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, làm ăn chộp giật làm rối loạn thị trường vận tải. Để bảo vệ các doanh nghiệp cần có sân chơi công bằng, minh bạch và cần tăng chế tài xử phạt đối với những lái xe, doanh nghiệp cố tình vi phạm để thay đổi nhận thức và hành vi.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục đang trình Bộ GTVT Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, trong đó có hành vi vi phạm tải trọng xe để đảm bảo tính răn đe, phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi với những vi phạm cố tình, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, theo đó đề xuất tăng mức xử phạt đối với chủ xe và tài xế có hành vi chở hàng quá tải. Cụ thể, đối với hành vi chở hàng vượt quá tải trọng cầu đường, 5 mức xử phạt hiện hành (từ 10 - 20%, 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150% và trên 150%) được đề xuất thay đổi thành 3 mức xử phạt gồm quá tải từ 10 - 20%, 20 - 50% và trên 50%. Ở mức 1 (quá tải 10 - 20%), lái xe sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng thay vì 2 - 3 triệu như quy định hiện hành. Mức xử phạt chủ phương tiện với cá nhân tăng từ 2 - 4 triệu lên 6 - 8 triệu và đối với tổ chức tăng từ 4 - 8 triệu lên 12 - 16 triệu.

Ở mức 2, lái xe bị xử phạt tăng từ 3 - 5 triệu đồng lên 13 - 15 triệu đồng. Chủ phương tiện là cá nhân bị tăng mức xử phạt từ 6 - 8 triệu lên 28 - 32 triệu đồng, còn tổ chức bị phạt 56 - 64 triệu đồng thay vì 12 - 16 triệu đồng như hiện nay. Còn ở mức 3 (trên 50%), mức phạt đối với lái xe tăng từ 5 - 7 triệu đồng lên 40 - 50 triệu và chủ xe là cá nhân có mức phạt 70 - 75 triệu đồng, là tổ chức mức phạt sẽ là 140 - 150 triệu đồng, tăng lên rất nhiều so với hiện nay.

6821qt
Lực lượng chức năng tiến hành cân kiểm tra xe vi phạm chở quá tải trọng

Nâng cao vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương

Theo chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy, ngoài chế tài thì trách nhiệm của lực lượng chức năng thuộc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông cũng như lực lượng tại địa phương rất quan trọng, do đó cần phải có quy định rõ về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ hạ tầng giao thông và kiểm tra, xử lý vi phạm tải trọng xe. Đặc biệt, qui trách nhiệm nghiêm minh, có xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu chính quyền với vai trò của lãnh đạo các địa phương theo Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng phương tiện chở quá tải tham gia giao thông trên địa bàn. Theo đó, địa phương phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện vận tải trên địa bàn, trong đó phân công và xác định trách nhiệm cụ thể của lực lượng Công an, GTVT, chính quyền địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Xây dựng hệ thống cân xe tự động hiện đại

Để khắc phục tình trạng xe quá tải tái diễn do lực lượng chức năng mỏng, không thể kiểm soát hết từ nguồn hàng, kiểm soát trên đường, Tổng cục ĐBVN đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong kiểm soát tải trọng xe, điển hình như hệ thống cân tự động tại QL5. Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN) cho biết, hệ thống cân này sử dụng cảm biến lực (load cell), gồm 4 bộ thiết bị cân: 2 bộ lắp đặt tại km78+830 chiều Hải Phòng - Hà Nội và 2 bộ lắp đặt tại km78+150 chiều Hà Nội - Hải Phòng. Đây được xem là hệ thống cân tải trọng xe hiện đại nhất Việt Nam, kết hợp giữa công nghệ cân trọng tải của Nhật Bản và phần mềm tính toán của Tổng cục ĐBVN.

Nếu các loại cân cũ cần lực lượng thanh tra túc trực giám sát, tiến hành đo thành thùng, khối lượng xe thì hệ thống cân điện tử mới này có hệ thống camera hiện đại sẽ tự động chụp lại biển số của tất cả các xe đi qua và lập tức cung cấp thông tin của xe như: tên chủ xe, khối lượng bản thân của xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng. Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo lường, phân tích thông số: xe nặng bao nhiêu tấn; tính toán ra xe này có vi phạm tải trọng không; vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu phần trăm. Kết quả tại trạm cân này cũng có độ chính xác rất cao.

Ưu điểm của hệ thống cân này là chịu được khí hậu khắc nghiệt, có độ chính xác cao, ít hư hỏng, dễ thay thế từng chi tiết. Hệ thống cân này cũng áp dụng được theo mô hình Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) cố định 1 cấp cân, giảm tổng mức đầu tư; áp dụng phạt “nguội” theo quy định tại Thông tư 06/2017 của Bộ GTVT, giảm số người vận hành, giám sát và bảo vệ.

Qua hơn 1 năm đưa vào hoạt động thử nghiệm trạm cân tự động này, ông Đặng Văn Trung - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN) cho biết, số xe vi phạm mức bị xử phạt đã giảm hơn 49 lần, vi phạm chở quá tải trên QL5 giảm mạnh, từ 6,9% số xe vi phạm trước khi lắp đặt, nay chỉ còn 0,14%.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, để giảm tải cho lực lượng TTGT trong việc kiểm soát tải trọng xe và từ thành công của việc thí điểm hệ thống cân tự động kiểm soát xe chở quá tải trên QL5, Tổng cục ĐBVN đang lập đề án nhân rộng hệ thống này trên cả nước. Trước mắt, Tổng cục ĐBVN xây dựng và trình Bộ GTVT bổ sung “Mô hình thiết kế xây dựng, lắp đặt và vận hành bộ cân KTTTX tự động tốc độ cao, 1 cấp cân” vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 66:2013/BGTVT để làm cơ sở pháp lý áp dụng cho một số dự án trọng điểm như: Dự án lắp đặt cân KTTTX trên cầu Thăng Long và đường Vành đai 3 (TP. Hà Nội); Dự án lắp đặt cân KTTTX tự động trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Dự án lắp đặt cân KTTTX tự động trên QL1 đoạn tránh TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Việc này không chỉ giúp giảm bớt tiêu cực mà còn chia sẻ gánh nặng cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát xe quá tải.

Kiểm soát tải trọng từ nguồn hàng

Hoạt động kiểm soát tải trọng xe ngay từ “gốc” là mô hình hiệu quả được nhiều địa phương cũng như lực lượng chức năng áp dụng.

Ông Dương Thanh Hội - Chánh TTGT, Sở GTVT tỉnh Hà Nam cho biết, không chỉ Hà Nam mà nhiều địa phương đang triển khai thực hiện công tác ký cam kết đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ mỏ, chủ cảng bến tại các điểm có bến, cảng, nhà máy xi măng, mỏ vật liệu, đầu mối bốc xếp hàng hóa và các vị trí có dự án đang thi công để phòng ngừa và giảm bớt khó khăn cho các lực lượng chức năng ngay từ giai đoạn đầu tiên. Đối với dự án trọng điểm do Sở GTVT tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư, các đơn vị thuộc sở đã triển khai tới tất cả các nhà thầu thuộc phạm vi dự án ký cam kết không vi phạm, tiếp nhận xe quá tải trọng, quá khổ trong phạm vi dự án. Các nhà thầu bảo dưỡng đường bộ tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và thông tin kịp thời tới lực lượng chức năng để triển khai kiểm tra xử lý, qua đó đã kiềm chế được tình trạng xe chở quá tải trọng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các đội TTGT sử dụng cân xách tay, kiểm soát từ nguồn hàng, từ đó đã mang lại hiệu quả trong công tác kiểm soát tải trọng xe.

Đối với các tỉnh khu vực phía Nam, Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành việc lắp đặt hệ thống camera giám sát tải trọng phương tiện với hơn 100 chiếc được đặt tại các trạm cân tự động, mỏ đá khai thác vật liệu xây dựng, cảng, bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu với hơn 100 chiếc. Thông qua hệ thống camera, khi các phương tiện vào bốc xếp hàng hóa, toàn bộ dữ liệu hình ảnh sẽ được truyền về các trung tâm giám sát tại Ban ATGT tỉnh, Phòng CSGT Công an tỉnh và TTGT Sở GTVT. Khi phát hiện các điểm có xe chở hàng quá tải qua đường truyền dữ liệu, các đơn vị chức năng sẽ cử lực lượng đến xử lý trực tiếp hoặc phạt “nguội”. Đây là cách làm hay, đang phát huy hiệu quả và được nhiều địa phương khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An áp dụng xử lý vi phạm tải trọng tại nguồn hàng.

Ý kiến của bạn

Bình luận