Cách vạch mặt “CSGT rởm”

Xã hội 06/05/2015 08:54

Khi giả danh là Công an, hầu hết các đối tượng đều nhằm mục đích vụ lợi, có được lòng tin của người bị hại, nhằm dễ dàng chiếm đoạt được tài sản.


Dụng cụ cải trang do đối tượng Nhàn sử dụng thực hiện hành vi giả mạo lực lượng CSGT.

Dụng cụ cải trang do đối tượng Nhàn sử dụng thực hiện hành vi giả mạo lực lượng CSGT.

Đối tượng giả danh thường nhằm vào những người đi đường, có hành vi vi phạm Luật Giao thông, các gia đình có con, em đang trong vòng lao lý có nhu cầu cần chạy án. Chúng lợi dụng vào tâm lý lo sợ của người bị hại, rất thiếu cảnh giác, chỉ muốn “xin xỏ” giải quyết nhanh để vòi vĩnh tiền của người bị hại.

Để đóng giả giống như thật, dễ dàng qua mắt được người đi đường và ngay cả lực lượng CSCĐ làm nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn ANTT, hai học sinh nhí này đã sắm đầy đủ các công cụ và phụ kiện gồm dùi cui, kiếm…, đồng thời tự mua đề can về cắt chữ CSCĐ, làm hình thức bên ngoài giống hệt CSCĐ thật.

Ngoài ra, chúng còn nhằm vào các gia đình có con cái đang ở trong vòng lao lý, muốn chạy án. Đánh vào tâm lý của người bị hại là nôn nóng, chúng dùng những lời lẽ ngon ngọt, tự giới thiệu là cán bộ Công an ở một đơn vị nào đó, rồi kể tên một số vị lãnh đạo cao cấp trong lực lượng Công an, hứa hẹn rằng bọn chúng có khả năng lo lót được các vụ việc trên.

Thiếu tá Phạm Minh Thặng, Phó trưởng Công an phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Trong các vụ án này, thông thường đối tượng gây án có sự sắp xếp, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và hoàn hảo nên chúng dễ dàng qua mắt người bị hại. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân thường quen biết các đối tượng một cách chóng vánh nên sau khi bị lừa cũng chẳng biết đối tượng tên thật là gì, công tác ở đâu nên việc điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, khi gặp các vụ án giả danh Công an, các trinh sát cần đặc biệt chú trọng đến thủ đoạn của đối tượng gây án, đây là một mắt xích rất quan trọng để định hướng quá trình điều tra. Bởi theo tâm lý thông thường, khi việc kiếm tiền quá thuận lợi và dễ dàng, đối tượng giả danh Công an sẽ tiếp tục dấn sâu vào con đường phạm tội, thực hiện hàng loạt các phi vụ với thủ đoạn tương tự nhau.

Trong các trường hợp này điều tra viên cần phải lấy lời khai của người bị hại một cách kỹ càng, hỏi kỹ các đặc điểm nhân dạng, thói quen, địa điểm nơi đối tượng giả danh thường hẹn gặp người bị hại. Trường hợp giả danh Công an để chạy án của Nguyễn Văn Đông (trú tại thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) là một ví dụ. Khoảng tháng 4/2010, khi biết anh Hoàng Anh Tuấn ở TP HCM đang có lệnh truy nã về tội giết người, Đông đã lên một kế hoạch, rồi lừa bố của Anh Tuấn, chiếm đoạt 4 triệu đồng… Để làm tin, Đông đã đưa người bị hại đến một trại giam ở TP HCM bảo họ đứng chờ.

Sau đó, hắn lấy lý do “ngại cấp trên” nên yêu cầu họ ở bên ngoài chờ đợi. Trong khi người bị hại mỏi gối, chồn chân thì Đông “cao chạy xa bay” cùng toàn bộ khoản tiền. Phải mất hai tháng sau đó, khi tên này tiếp tục thực hiện một vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự thì cơ quan điều tra mới phát hiện và bắt giữ được hắn.

Để có thể làm rõ các vụ án giả danh Công an, việc hỏi cung và đấu tranh của lực lượng làm nhiệm vụ cũng phải đặc biệt khéo léo, các điều tra viên nên áp dụng các biện pháp tâm lý để làm rõ các hành vi phạm tội khác do chúng gây ra để ngăn chặn, phòng ngừa, làm rõ đồng phạm, cũng như thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại.

Cũng theo Thiếu tá Phạm Minh Thặng, Phó trưởng Công an phường Tương Mai cho biết: Qua các vụ giả danh Công an bị phát hiện tại Công an phường trong thời gian qua cho thấy đối tượng giả danh Công an hiện rất tinh vi, chúng liều lĩnh… lừa cả Công an thật. Vì thế, trong các trường hợp cảm thấy nghi ngờ, lực lượng Công an cần phải khéo léo giữ đối tượng “giới thiệu là Công an”, sau đó yêu cầu đối tượng cho kiểm tra thẻ ngành…

Về phía người dân, cần đặc biệt cảnh giác với loại tội phạm này. Trong trường hợp bị bắt giữ, cần chú ý đến trang phục của lực lượng làm nhiệm vụ. Bởi thông thường, trang phục của các đối tượng giả danh Công an không đồng nhất, hầu hết chúng đều sử dụng thẻ ngành giả, không đeo số hiệu Công an trên người. Nếu có nghi ngờ là Công an giả, người bị hại cần phải đến cơ quan Công an gần nhất để trình báo.

Theo Người đưa tin

Ý kiến của bạn

Bình luận