Chuẩn bị bước sang năm mới 2015, một năm chắc chắn sẽ có nhiều hứa hẹn và sôi động đối với ngành Vận tải hàng hải. Chúng ta cùng nhau nhìn lại năm 2014, một năm đầy khó khăn và thách thức, một năm vượt khó của toàn ngành HHVN.
Năm 2014, mặc dù bối cảnh kinh tế chung còn gặp nhiều khó khăn nhưng Cục HHVN đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành được nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng. Những kết quả nổi bật thể hiện trên các mặt công tác xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án phát triển hàng hải, đảm bảo an toàn an ninh hàng hải, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Vận tải biển tăng trưởng thấp
Theo ông Nguyễn Nhật – Cục trưởng Cục HHVN, năm 2014, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 98,5 triệu tấn (135,7 tỷ T.Km) tăng trưởng rất thấp so với năm 2013 (0,13%). Hoạt động kinh doanh vận tải biển Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tiếp tục đối mặt với cạnh tranh gay gắt. Đội tàu biển trong nước chỉ đảm đương khoảng 10 – 12% thị phần vận tải hàng hóa của Việt Nam xuất, nhập khẩu qua đường biển. Các tàu biển Việt Nam chủ yếu mới chỉ hoạt động trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Đối với hoạt động vận tải biển nội địa, Cục HHVN đã triển khai triệt để chỉ đạo của Bộ GTVT về hạn chế tàu nước ngoài tham gia vận tải nội địa nên đã có kết quả rất tích cực. Hiện đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển. Riêng đối với tàu công-ten-nơ, sau thời gian hơn một năm thực hiện chính sách trên, số lượng tàu Việt Nam vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. Tuy vậy, vận tải biển nội địa vẫn đang đối mặt với khó khăn về giá cước thấp, nguồn hàng khan hiếm và mất cân đối giữa hai chiều Bắc – Nam (chiều từ Bắc vào Nam chỉ đạt khoảng 60% so với chiều từ Nam ra Bắc).
Trong năm 2014, Cục HHVN đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tăng năng lực vận tải đường thủy và hàng hải để giảm tải cho đường bộ và kiểm soát chặt tải trọng phương tiện trong lĩnh vực hàng hải. Đến nay đã có 206/222 doanh nghiệp cảng biển ký cam kết thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện (còn lại là các cảng chuyên dùng, cảng hành khách hoặc chưa hoạt động). Cục đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ GTVT công bố tuyến vận tải ven biển nhằm tận dụng đội tàu S1 (hiện có khoảng 5.000 chiếc) có thể nâng cấp lên SB để vận tải ven biển. Số tàu SB vận tải ven biển đã tăng nhanh chóng, hiện có khoảng 250 tàu trọng tải từ 500 đến 5.000 tấn đang hoạt động trên các tuyến ven biển. Tính đến hết tháng 11/2014, qua gần 5 tháng hoạt động, lượng hàng vận tải do tàu SB vận chuyển (chủ yếu trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế) đạt được gần 700.000 tấn với khoảng 500 lượt tàu, tương đương với hơn 23.000 lượt xe tải.
Hoạt động logistics xếp thứ 53/155 nước
Các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hàng hải tại Việt Nam trong những năm vừa qua đã có bước phát triển tốt, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ vận tải biển nói riêng và ngành Hàng hải nói chung.
Về hoạt động logistics, hiện Việt Nam có trên 1.000 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với mức tăng trưởng bình quân hàng năm 20 – 25%. Theo xếp hạng năng lực quốc gia về logistics của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 53/155 nước. Mặc dù có số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng hầu hết là quy mô rất nhỏ, vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng, cơ cấu tổ chức đơn giản, thiếu chuyên sâu, chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu nội địa và chủ yếu thực hiện dịch vụ cho các công ty nước ngoài.
Theo đó, dịch vụ đóng mới và sửa chữa tàu sau thời gian triển khai thực hiện tái cơ cấu nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp đến nay về cơ bản đã có định hướng sản xuất tiếp cận thị trường, chủ yếu là sửa chữa tàu biển và đóng mới gam tàu vừa và nhỏ như tàu hàng khô đến 20.000 DWT, tàu công-ten-nơ đến 3000 TEUs, tàu dầu 50.000DWT, tàu phục vụ khai thác dầu khí, tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và vận tải hành khách…
Để góp phần tìm kiếm giải pháp tiếp tục phát triển ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu trong giai đoạn khó khăn, Cục HHVN đã báo cáo Bộ GTVT trình và được Chính phủ ban hành Nghị định quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng đồng thời triển khai lập Quy hoạch chi tiết các cơ sở phá dỡ tàu cũ.
Lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng mạnh
Năm 2014, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt 370,3 triệu tấn, tăng 14%, trong đó hàng công-ten-nơ, đạt 10,24 triệu TEUs, tăng 20,1% so với năm 2013.
Theo đó, lượng hàng thông qua Nhóm cảng biển số 1 tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 120,3 triệu tấn (tăng 13% ), chiếm 33% của cả nước; Nhóm cảng biển số 5 đạt 162 triệu tấn (tăng 14%), chiếm 44%. Sản lượng công-ten-nơ khu vực Hải Phòng đạt 3,36 triệu TEUs (tăng 20,3%); khu vực TP. Hồ Chí Minh đạt 4,98 triệu TEUs (tăng 14,8%). Một trong những khu vực có lượng hàng tăng trưởng cao nhất là Hà Tĩnh, đạt 4,09 triệu tấn, tăng 33%.
Do đó, sản lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2015 theo quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 là 410 triệu tấn. Như vậy, lượng hàng năm 2014 đã đạt 90% so với quy hoạch. Tuy nhiên, hàng hóa phân bổ không đều giữa các nhóm cảng và giữa các cảng biển trong nhóm. Nhóm cảng biển số 1 hiện đã quá tải. Tại nhóm cảng biển số 5, khu vực Cát Lái TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng tắc nghẽn, trong khi một số cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải thiếu hàng, hoạt động cầm chừng.
Các doanh nghiệp cảng trực thuộc Vinalines hiện quản lý gần 16.000m dài cầu cảng (chiếm gần 1/3 cả nước), sản lượng hàng hóa thông qua năm 2014 ước đạt 68,7 triệu tấn, chiếm 18,3% so với cả nước (tương đương với sản lượng thực hiện năm 2013).
Đối với các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải, sau thời gian triển khai đề án nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển nhóm 5 đã có chuyển biến tích cực, lượng hàng hóa thông qua khu vực Vũng Tàu năm 2014 đạt 59,3 triệu tấn, tăng hơn 20% so với năm 2013, trong đó riêng hàng công-ten-nơ đạt 1,15 triệu TEUs (tăng 27,0%). Tuy nhiên, tình hình kinh doanh nhìn chung vẫn khó khăn. Một số cảng tại khu vực có sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 15-20% so với công suất thiết kế. Để giải quyết tình trạng này cần cải thiện hạ tầng giao thông kết nối và các dịch vụ hỗ trợ để điều tiết hàng hóa trong các cảng biển thuộc nhóm cảng biển số 5, đồng thời thúc đẩy tiến độ di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son.
Trong năm qua, Cục HHVN tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT về triển khai giám sát giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ công-ten-nơ khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Với sản lượng 1,15 triệu TEUs thông qua năm 2014, ước tính doanh thu của các cảng công-ten-nơ tại Cái Mép – Thị Vải tăng thêm do áp dụng chính sách giá tối thiểu đạt khoảng 18 triệu USD (tương đương khoảng 380 tỷ đồng).
Thực hiện chính sách cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, hiện Cục HHVN đang quản lý cho thuê 04 bến cảng gồm cầu 5, 6, 7 cảng Cái Lân (Quảng Ninh), bến cảng ODA Thị Vải, bến cảng ODA Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và bến cảng An Thới (Phú Quốc). Với chính sách này Nhà nước sẽ thu hồi vốn đã bỏ ra để tái đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển.
Tháo gỡ thủ tục thủ tục xuất bến
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Cục HHVN, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đánh giá năm 2014 ngành GTVT có nhiều chuyển biến tích cực, các thứ hạng đánh giá đều cao hơn những năm trước. Riêng cải cách thủ tục hành chính được Bộ Nội vụ xếp thứ 1. Trong những thành tích của toàn ngành GTVT có sự đóng góp đáng kể của ngành HHVN. Bộ trưởng hoan nghênh, đánh giá cao những đóng góp của toàn thể cán bộ, nhân viên ngành HHVN.
Theo Bộ trưởng, cảng Cái Mép – Thị Vải là cảng lớn nhất cả nước, song sản lượng chưa được 20% công suất thiết kế, dù đã có tăng so với năm trước. Chở khách mới chiếm 0,01% tổng thị trường, hàng hóa mới được 19%, chiếm thị phần rất nhỏ trong khi ta có hơn 3.000km bờ biển.
Bộ trưởng yêu cầu Cục HHVN phối hợp với các đơn vị của Ngành để bỏ thủ tục xuất bến của tàu biển. Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm về kỹ thuật tàu; luồng tuyến có quy định, song bất hợp lý, tăng chi phí, người dân không thực hiện. “Tại sao tàu cá nhỏ thế ngư dân đi ra tận Trường Sa, mà mình quy định tàu vận tải lớn vậy chỉ được đi ven bờ không quá 20 hải lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ rõ: “Muốn cải cách phải bắt đầu từ tư duy, ùn tắc chính là từ trong đầu. Phải đặt địa vị mình là dân, là doanh nghiệp để làm cơ chế chính sách. Bác Hồ đã nói “Cái gì có lợi cho dân, dù hết sức nhỏ cũng phải cố gắng làm bằng được, cái gì có hại cho dân, dù nhỏ đến đâu cũng phải hết sức tránh”. Tôi cho rằng, trong quản lý, điều hành, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, theo hướng như vậy là quyết, rất thanh thản. Chúng ta là quốc gia biển, phải làm giàu từ biển. Do đó không có cách nào khác, phải đổi mới toàn diện, quyết liệt hơn nữa”.
Năm 2015 được dự báo là năm với nhiều triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Việt Nam, hoạt động vận tải hàng hải đang hứa hẹn bước tăng trưởng khá, đòi hỏi toàn Ngành dồn hết toàn lực nhằm đảm bảo phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của hành khách kịp thời, thuận lợi nhất và đặc biệt là đảm bảo tốt cho các hoạt động an toàn hàng hải. Đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm hết sức nặng nề nhưng cũng cùng vinh dự đối với cơ quan quản lý Nhà nước là Cục HHVN và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong toàn ngành.
Trường Thọ
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.