Sau bài viết "Chiến sĩ sống sót vụ rơi trực thăng muốn có tay giả để không bị gọi "người ngoài hành tinh" đăng trên báo Lao Động ngày 7.7.2017, rất nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ để anh Dương có được đôi tay giả, hỗ trợ sinh hoạt bình thường.
Có được đôi tay giả, anh Dương đã tự cầm chai rót nước vào chén, làm được vài việc phụ giúp gia đình, tự mình vệ sinh cá nhân... đây có lẽ là điều mà 3 năm qua anh và gia đình chưa từng nghĩ đến.
Sau bài viết của báo Lao Động, các nhà hảo tâm đã giúp chiến sĩ Đinh Văn Dương có được đôi tay giả. |
Anh tâm sự, năm nay, gia đình anh về quê Kim Bảng, Hà Nam đón Tết cùng ông bà. Đây là cái tết đầu tiên, anh Dương có tay giả, có thể tự phục vụ mình, không cần nhờ người khác.
"Tôi có thể tự mình làm được những việc đơn giản như trang trí lau dọn nhà cửa, chăm sóc hai con, bắt tay chúc tết mọi người. Đối với tôi, đây là cái tết ý nghĩa nhất, vì bản thân không còn phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Tôi luôn tự nhủ, phải cố gắng để mọi người không phải vất vả vì mình nhiều nữa".
Anh Đinh Văn Dương đã có thể cử động và làm một số hoạt động với đôi tay giả. |
Khi hỏi về hạnh phúc lớn nhất ở thời điểm hiện tại, anh Dương khẽ tiếng: "Đó là việc thấy mẹ, vợ và con mình khỏe mạnh. Bây giờ, tôi sống không phải vì mình mà vì mọi người, vì sự tin yêu của người thân, bạn bè. Sống để cho đi".
Bà Trịnh Thị Đông, mẹ của anh Đinh Văn Dương cho hay, sau chừng ấy thời gian, giờ bà mới yên lòng phần nào khi con trai có thể vận động được bằng đôi tay giả.
"Lòng tôi rất phấn khởi, tôi chỉ biết cảm ơn các nhà hảo tâm, cảm ơn bài viết của Báo Lao Động đã giúp con tôi có được ngày hôm nay" - bà Đông trải lòng.
Còn nhớ, thượng úy Đinh Văn Dương là một trong 21 chiến sĩ có mặt trên chiếc trực thăng Mi-171, rơi tại thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội) ngày 7.7.2014. Là người duy nhất sống sót, thượng úy Dương mất đi đôi chân, hai bàn tay, khuôn mặt biến dạng hoàn toàn, thị lực giảm và sức khỏe suy yếu.
Trải qua 30 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia, cuối năm 2016, anh Đinh Văn Dương được trở về với gia đình và cuộc sống bình thường tại căn hộ 66m2 ở Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội). Thời điểm đó, sự phục hồi của anh được coi là kì diệu, bởi nhiều lần các y bác sĩ đành buông tay để "tử thần" mang anh đi, thế nhưng, nhờ ý chí, nghị lực phi thường đã giữ anh ở lại với cuộc đời.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.