Trung Quốc có 205 tàu hải cảnh, trong đó 95 tàu có lượng rẽ nước hơn 1.000 tấn. |
Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời ông Tang Siew Mun, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á tại Viện Yusof Ishak – ISEAS tại Singapore, cho rằng việc thiếu vắng một bộ quy tắc ứng xử cho các lực lượng bảo vệ bờ biển thực sự phiền toái. “Bộ Quy tắc ứng xử về các vụ chạm trán bất ngờ trên biển hiện nay, với tất cả những nước liên quan trên biển Đông là bên ký kết, chỉ áp dụng với các tàu hải quân và không bao gồm lực lượng bảo vệ bờ biển, tàu đánh cá hay các lực lượng khác. Khoảng trống này rất đáng lo ngại vì đụng độ giữa các tàu bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá đang gia tăng trên biển Đông, và có nguy cơ rất cao trở thành điểm nóng sẽ bùng cháy”, ông Tang nói.
Trong khi Bắc Kinh nỗ lực khẳng định vị trí cường quốc biển, các tàu thực thi pháp luật Trung Quốc cũng gia tăng tuần tra trên cả biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc có 205 tàu hải cảnh, trong đó 95 tàu có lượng rẽ nước hơn 1.000 tấn và một số là tàu hải quân tân trang, theo báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ đưa ra năm ngoái. Nhật Bản có 78 tàu bảo, Indonesia 8, Philippines 4 và Malaysia 2…
“Một bước đi hữu ích để tiến tới bộ quy tắc ứng xử về các vụ va chạm không mong muốn trên biển là lập ra một đường dây nóng giữa các chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực để quản lý kịp thời những hiểu nhầm”, ông Tang nói.
ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý sẽ cân nhắc đề xuất lập bộ quy tắc ứng xử bao gồm cả các lực lượng bảo vệ bờ biển. Bắc Kinh yêu cầu Hải quân và lực lượng hải cảnh nước này tiết chế hành vi sau hàng loạt vụ việc xảy ra năm 2013 và 2014, trong đó có việc các tàu Trung Quốc rượt đuổi và phụt vòi rồng vào các tàu của cảnh sát biển Việt Nam tiến gần giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép. Tuy nhiên, báo cáo của Viện Chính sách quốc tế Lowy công bố tháng trước nói rằng Bắc Kinh đang tiến triển chậm chạp đối với các biện pháp xây dựng lòng tin, trong đó có bộ quy tắc ứng xử cho các lực lượng bảo vệ bờ biển, với ASEAN so với họ từng thực hiện với Nhật Bản và Mỹ.
“Trung Quốc không quan tâm lắm đến xung đột giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển ở biển Đông với các nước Đông Nam Á vì các lực lượng bảo vệ bờ biển Đông Nam Á yếu hơn. Trung Quốc thường nghĩ rằng kiểu va chạm này ít có khả năng dẫn đến xung đột lớn”, South China Morning Post dẫn lời ông Ashley Townshend, đồng tác giả của báo cáo. Chuyên gia này cho rằng việc lập ra một bộ quy tắc ứng xử mới cho các lực lượng bảo vệ bờ biển khó hơn nhiều so với việc mở rộng bộ quy tắc ứng xử của các hải quân châu Á hiện nay vì các lực lượng bảo vệ bờ biển thuộc quyền quản lý của nhiều cơ quan chính phủ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.