Cần 10 năm để xử lý chất độc dioxin ở sân bay Biên Hòa

Thị trường 16/02/2019 08:27

Tại sân bay Biên Hòa có khoảng 52ha với 515.000m3 đất bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin cần phải xử lý. Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm ở khu vực này khoảng 390 triệu USD và dự kiến hoàn thành trong 10 năm.


 

2-15502143055912133340042
Đại tướng Ngô Xuân Lịch kiểm tra nhà máy thử nghiệm xử lý dioxin theo công nghệ Nhật Bản - Ảnh: H.M.

Ngày 15-2, đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) - đã làm việc với các bộ ngành và Ban quản lý dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa để nghe về kế hoạch tổng thể xử lý triệt để chất độc hóa học/dioxin tại sân bay này.

Tại buổi làm việc, Cục Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng cho hay qua đánh giá của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Khoa học công nghệ quân sự, tại sân bay Biên Hòa có khoảng 52ha với 515.000m3 đất bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin cần phải xử lý. Trong đó có những vị trí bị ô nhiễm nặng và là nơi Hoa Kỳ từng thu gom các thùng chất độc hóa học sau khi phun rải trong chiến tranh. 

Nhiều năm qua, Nhà nước đã bỏ kinh phí hàng trăm tỉ đồng để đào xúc, cô lập, thu gom dòng chảy… tại một số vị trí trong sân bay nhằm chống lan tỏa chất độc dioxin.

Cũng theo ban quản lý dự án, qua đánh giá phạm vi, quy mô và khối lượng đất ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa rất lớn (gấp 3 lần sân bay Đà Nẵng) gồm cả trong và ngoài sân bay, liên quan đến nhiều hộ dân nên kinh phí xử lý rất lớn. Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm ở khu vực này khoảng 390 triệu USD và ước tính hoàn thành trong 10 năm.

Trong khi đó, năm 2018 USAID và Quân chủng phòng không quân đã ký văn bản thỏa thuận viện trợ không hoàn lại do Chính phủ Hoa Kỳ đảm bảo để xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 (2018-2023) là 183 triệu USD. Mặt khác, công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin rất phức tạp, kèm theo đó trình tự thủ tục hồ sơ chậm… Điều này khiến nhiều thành viên lo ngại nguồn kinh phí không đủ xử lý và chậm tiến độ.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao nỗ lực của lực lượng quân đội, các bộ ngành và tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ trong việc khoanh vùng, xử lý các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học, giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin…

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng cho hay tháng 4-2019 sẽ triển khai giai đoạn 1 "Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa". Do vậy, ban chỉ đạo, ban quản lý dự án… phải tính toán lộ trình xử lý, đầu tư công nghệ và kêu gọi tài chính, nhất là chính phủ Hòa Kỳ tiếp tục cam kết, tham gia xử lý có có trách nhiệm với sân bay Biên Hòa.

"Các cơ quan đơn vị, nhất là các cán bộ chiến sĩ trong Bộ Quốc phòng phải nhận thức được nhiệm vụ được giao. Phải đẩy nhanh tiến độ, xây dựng trung tâm điều trị, thực hiện nghiêm các chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ phối hợp chặt chẽ, nỗ lực giải quyết tốt nhất việc khắc phục chất độc hóa học dioxin ở vị trí sân bay Biên Hòa. Bởi đây là việc làm có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc…" - Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận