Cần 6 nghìn tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông miền Trung-Tây Nguyên

Tác giả: Phạm Trọng Nghị

saosaosaosaosao
Thị trường 19/10/2019 08:39

Hạ tầng giao thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua có sự đầu tư, nâng cấp nhưng phần lớn còn nhiều bất cập, đặc biệt chưa có sự kết nối, đồng bộ.


 

ql19

QL 19 con đường huyết mạch thông thương nối Tây Nguyên với vùng duyên hải Miền Trung.

Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, thời gian tới, để bứt phá kinh tế khu vực này phải đầu tư một số tuyến thuộc đường Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức kết nối hành lang  Đông – Tây, nối cửa khẩu với cảng biển.

Nhiều điểm nghẽn cần gỡ

Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Bộ GTVT, khu vực miền Trung và Tây Nguyên có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hệ thống GTVT vùng này đã có đầy đủ 5 phương thức vận tải. Trong những năm qua hệ thống giao thông trong vùng đã được ưu tiên đầu tư, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH của vùng.

Tuy nhiên, do hạn chế về khả năng nguồn lực và sự kết nối giữa các ngành, phương thức, địa phương chưa tốt dẫn đến khả năng kết nối giao thông trên mạng lưới còn hạn chế, xuất hiện một số điểm nghẽn làm giảm hiệu quả khai thác, tăng chi phí vận tải và logistics, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong vùng cũng như quốc tế.

Ths. Vũ Hoàng Giang - Trưởng phòng Định mức Kinh tế Kỹ thuật - Thể chế -Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho hay Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 12952/BGTVT-KHĐT giao nhiệm vụ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải lập Đề án Kết nối mạng giao thông vùng Miền Trung - Tây Nguyên.

Nội dung chính của Đề án tập trung nghiên cứu các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhằm mục tiêu sớm hoàn chỉnh và hiện đại hóa hết cấu hạ tầng giao thông của khu vực.

Đề án đã xây dựng phương án kết nối giao thông các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Đề án cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp, chính sách gồm: Giải pháp, chính sách phát triển Kết cấu hạ tầng GTVT; giải pháp, chính sách phát triển vận tải; giải pháp đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển Kết cấu hạ tầng GTVT; giải pháp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và giải pháp nguồn nhân lực.

Tổng đầu tư gần 600.000 tỉ đồng

Bộ GTVT cho biết, dự toán tổng kinh phí đầu tư hạ tầng giao thông khu miền Trung - Tây Nguyên giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 596.900 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực miền Trung – Tây Nguyên từng bước được nâng cấp, việc nâng cấp các quốc lộ đã tạo kết nối tốt hơn cho vùng và cả nước, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa hình thành toàn tuyến cao tốc trong vùng, các tuyến liên kết ngang chưa được đầu tư đồng bộ, liên thông. Sự phối hợp giữa các phương thức vận tải chưa hợp lý và đồng bộ, tính kết nối không cao.

Về hàng không, một số cảng hàng không đã bị quá tải, năng lực thông qua đã vượt quá năng lực thiết kế như CHK Đà Nẵng.

Về đường thủy nội địa, các luồng tuyến khai thác chủ yếu vùng cửa biển, ven biển từ đất liền ra các đảo. Khối lượng hàng, khách vận chuyển không lớn; kết nối giữa hệ thống cảng, bến đường thủy nội địa với đường bộ chưa tốt.

Về đường biển, khả năng kết nối giữa cảng biển với đường sắt (phương thức vận tải khối lượng lớn) còn hạn chế, một số cảng kết nối với quốc lộ phải đi qua nội đô.

Về đường bộ, trên trục dọc cao tốc chưa hình thành toàn tuyến, vận tải chủ yếu trên quốc lộ 1 nên mật độ giao thông rất cao, tắc nghẽn và mất ATGT. Các tuyến kết nối ngang theo hướng Đông – Tây còn hạn chế do địa hình núi cao, nhiều đèo dốc, nên nhiều đoạn năng lực còn hạn chế. Hiện trong vùng nhiều đoạn quốc lộ mới chỉ đạt cấp V, VI; tỉ lệ đường có 1 làn xe (mặt 3,5 m) còn tương đối lớn: 828,72 km/18 tuyến quốc lộ (khoảng 7,19%); đường cấp phối, đá dăm vẫn còn khoảng 484,83 km (khoảng 4,21%). Theo số liệu thống kê, còn khoảng 38 cầu/11 tuyến quốc lộ là các cầu hạn chế tải trọng.

Theo Bộ trưởng Thể, thời gian tới, xác định vùng miền trung, đặc biệt là vùng Tây Nguyên là cầu nối về giao thông cho cả nước, là một trong những cửa ngõ quan trọng kết nối Quốc tế qua hệ thống cảng biển. Bộ trưởng đề nghị các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, giải quyết các điểm nghẽn kết nối trục ngang để khai thác hiệu quả cảng biển và cửa khẩu quốc tế, đặc biệt kết nối ngang giữa vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đầu tư các cảng biển, cảng hàng không theo quy hoạch và nhu cầu vận tải; nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết xây dựng tuyến đường sắt khi cân đối được vốn.

Trong đó, tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, triển khai đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng khác trong mạng lưới cao tốc. Dự kiến mục tiêu đến hết năm 2025 có khoảng 650 km đường cao tốc gồm các đoạn: gồm Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Van Ninh – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Tuy Hòa, Tuy Hòa – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang. Nhu cầu đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong dó nhu cầu giai đoạn 2021 - 2025 là 76 nghìn tỷ đồng.

Về đường hàng không, tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Đà Nẵng. Đồng thời nâng cấp, xây dựng các cảng hàng không khác theo quy hoạch và nhu cầu vận tải: Chu Lai, Cam Ranh, Phú Quốc, Phan Thiết, Vinh, Phú Bài, Quảng Trị, Đồng Hới, Thọ Xuân, Phù Cát, Tuy Hòa. Đầu tư hạ tầng quản lý hoạt đồng bay bay áp dụng công nghệ mới để đảm bảo an toàn khai thác hệ thống.

Ý kiến của bạn

Bình luận