Cần bổ sung tiêu chuẩn môi trường để ngăn chặn các công nghệ độc hại

Tác giả: Bích Huyền

saosaosaosaosao
22/11/2016 16:12

Đó là một trong những góp ý của ĐB Nguyễn Quốc Bình-TGĐ Hanel tại Phiên họp Quốc hội ngày 22/11 đã thảo luận về Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi).

Cần bổ sung tiêu chuẩn về môi trường
ĐB Nguyễn Quốc Bình 

Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) sửa đổi đã sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều so với Luật CGCN 2006, dự thảo luật đã đề cập và giải quyết đầy đủ các vấn đề bất cập thực tiễn mà luật 2006 còn bộc lộ hạn chế như: thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển giao công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện bảo hộ trí tuệ và có thể định giá bằng tài sản, kiểm soát việc nhập công nghệ lỗi thời, kiểm soát hợp đồng chuyển giao công nghệ và thẩm định công nghệ...

ĐB Nguyễn Quốc Bình - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Hanel đánh giá Bản dự thảo luật đã thể hiện sự cố gắng lớn của ban soạn thảo. Báo cáo thẩm định của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cũng hết sức sâu sắc. Tuy cơ bản nhất trí với dự thảo luật song ĐB cho rằng vẫn còn có những hạn chế cần phải góp ý thêm.

Cụ thể, theo góp ý của ĐB, một nội dung cốt lõi về CGCN ở nước ta cần được thể hiện rõ ràng, chặt chẽ, thuyết phục và khả thi hơn trong một bộ Luật quan trọng như luật CGCN này, đó là: Cần tạo ra khung pháp lý để phát triển năng lực nội lực trong nắm bắt và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Nội lực này nằm trong 4 khía cạnh then chốt là:

Thứ nhất, năng lực trong nước thích ứng làm chủ sáng tạo và chuyển giao công nghệ của các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Đây là thành phần trung tâm của nội lực công nghệ quốc gia và cũng là điểm yếu rõ rệt của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Các điều liên quan đến lớp đối tượng này trong Dự thảo chưa đề cập tới nội dung này. Cụ thể là: Điều 5 “Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ”. Dự thảo Luật đã điều chỉnh chú trọng tới việc CGCN trong các ngành, lĩnh vực hướng tới các sản phẩm chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh, phát triển các sản phẩm quốc gia, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN để hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, chưa có chính sách cụ thể nào thúc đẩy năng lực sáng tạo và CGCC của chính lực lượng trong nước, mà đây mới là cái gốc.

Do vậy, cần bổ phải sung chính sách khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sáng tạo và chuyển giao công nghệ nội tại của lực lượng các viện, trường, đơn vị nghiên cứu trong nước, đầu tư thích đáng cho các công trình sáng tạo tầm cỡ tạo ra “bí quyết công nghệ quốc gia” chứ không phải “nghiên cứu theo định mức” sau đó cất và lưu trữ như hiện nay. Bên cạnh đó cũng gắn trách nhiệm với sự tồn tại một cách rõ ràng chứ không bao cấp.

Thứ hai, cần làm rõ năng lực đánh giá, thẩm định công nghệ của các cơ quan, tổ chức chuyên môn có thẩm quyền và chuyên nghiệp.

Năng lực đánh giá, thẩm định các loại công nghệ du nhập vào nước ta từ nhiều nguồn (chủ yếu là các dự án FDI và doanh nghiệp tự mua) có vai trò vô cùng quan trọng bởi thực tế 10 năm qua cho thấy vì kém về năng lực này nên chúng ta đã để lọt nhiều công nghệ lạc hậu vào nước ta gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội như các dự án sản xuất thép, boxit, xi măng, nhiệt điện,...  

734a8-nhiet-dien-1477463706365
Các nhà máy nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 50% trong nhóm các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. (Ảnh Dân trí)

Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) có đề cập đến nội dung này nhưng chưa đủ mạnh, thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá công nghệ, thiếu bộ tiêu chuẩn về năng lực của tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ và còn thiếu cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo không có khe hở cho những đối tượng vì ham lợi vẫn cố tình lách luật.

Do vậy, ĐB Bình đề nghị cần bổ sung bộ tiêu chuẩn về công nghệ làm cơ sở cho việc đánh giá, thẩm định và đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ một cách lâu dài, không bị lỗi thời. Ví dụ như tiêu chuẩn về môi trường của ta đã bị lạc hậu thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn các nước tiên tiến vì vậy khó có cơ sở để thẩm định hay từ chối nhập các công nghệ có hại cho môi trường, vì vậy cần bổ sung bộ tiêu chuẩn về công nghệ vào Điều 12 “Thẩm định kiểm tra dự án công nghệ trong dự án đầu tư” và bổ sung tiêu chuẩn năng lực của tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ vào Điều 34 “Tổ chức đánh giá, định giá và giám định công nghệ” để khắc phục tình trạng nói trên.

Thứ ba, chưa rõ việc khuyến khích năng lực tiếp thu, ứng dụng chuyển giao công nghệ nội tại vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

Công nghệ đưa vào thực tiễn ở nước ta có 2 nguồn: từ nước ngoài vào và từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong nước. Dù từ nguồn nào thì việc nâng cao năng lực làm chủ công nghệ của lực lượng sử dụng (chủ yếu là các doanh nghiệp), cụ thể là năng lực nội tại nắm vững và tiếp thu ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất, quản lý của mình một cách hiệu quả có ý nghĩa quyết định. Dự thảo đã đề cập nhiều nội dung này trong chương IV từ Điều 35-51 nhưng chưa rõ các chính sách đủ mạnh và khả thi khuyến khích thúc đẩy cho năng lực tiếp thu chuyển giao công nghệ nội tại vào thực tiễn.

Một ví dụ cụ thể là: Điều 39, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, mục (c) có ghi: “Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ”. Đây là một câu rất chung chung và khó thực hiện vì việc đổi mới công nghệ ở các doanh nghiệp VVN (chiếm 97% tổng số DNVN) có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế nên ĐB Bình đề nghị đổi nội dung này thành “Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ và thực tiễn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, đồng thời đề nghị bổ sung cụ thể hóa điều này một cách rõ nét hơn. Ví dụ: chính sách đặt hàng của Nhà nước, chính sách hỗ trợ đăng ký bản quyền, chính sách thưởng các ứng dụng sáng tạo, chính sách miễn giảm thuế thu nhập cá nhân...

Thứ tư, dự thảo luật chưa xác định vai trò và khuyến khích công nghệ nguồn mở

Hiện nay các công nghệ nguồn mở đã dẫn trước các công nghệ nguồn đóng trong lĩnh vực phần mềm, và đang phát triển sang các lĩnh vực phần cứng trong CNTT hay máy móc nông nghiệp, cơ khí sản xuất ô tô. Việc khuyến khích phát triển công nghệ nguồn mở gắn liền với sáng tạo mở tại Việt Nam và yêu cầu các công nghệ chuyển giao phải ưu tiên nguồn mở hoặc phải ưu việt hơn các công nghệ nguồn mở là điều cần thiết phải làm, bởi công nghệ nguồn mở là tài sản sở hữu trí tuệ của nhân loại trong thế giới hội nhập. Việc đi vào nguồn mở một cách mạnh mẽ nhằm nâng cao năng lực phát triển, bản địa hóa các công nghệ nguồn mở phổ biến trên thế giới là con đường làm chủ công nghệ hợp lý, nhanh và tiết kiệm nhất để nâng cao năng lực và lan tỏa ứng dụng công nghệ, đây cần coi là một chính sách ưu tiên hàng đầu trong chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tới trong tình hình hội nhập toàn cầu hóa mới khi các hãng công nghệ dễ dàng mở chi nhánh tại Việt Nam. Do vậy cần phải bổ sung Điều 9 “công nghệ được khuyến khích chuyển giao” thêm mục 9: công nghệ nguồn mở và theo đó bổ sung nội dung này ở các Điều 35, 39, 40.46, 53 cho phù hợp.

Các góp ý cụ thể khác

Dưới đây là các góp ý khác của ĐB Nguyễn Quốc Bình khi phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội:

- Điều 12: Thẩm định, kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư, mục 1, (a) đề nghị bổ sung: dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn Nhà nước có giá trị trên 100 tỷ đồng, cần phải được thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ.

Các dự án sử dụng vốn Nhà nước, việc thẩm định công nghệ bắt buộc phải giải trình lý do không sử dụng các công nghệ trong nước tương đương và lý do không sử dụng các công nghệ nguồn mở.

- Điều 16: Nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ: đề nghị bổ sung nội dung "đánh giá về vòng đời của công nghệ."

- Điều 35: mục (b): nâng cao năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ thông qua các hoạt động, bổ sung nội dung: liên tục cập nhật bộ tiêu chuẩn công nghệ dùng cho hoạt động chuyển giao công nghệ để đảm bảo việc chuyển giao công nghệ sẽ không lỗi thời.

- Điều 48: Khuyến khích phát triển tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, đề nghị bổ sung nội dung: Nhà nước khuyến khích hình thức hợp tác công tư về hoạt động chuyển giao công nghệ.

- Điều 53: Trách nhiệm của Bộ KHCN: bổ sung 2 nội dung: 1. Xây dựng và liên tục cập nhật tiêu chuẩn công nghệ dành cho chuyển giao, 2. Tổ chức cơ sở dữ liệu mở về chuyển giao công nghệ.

Ý kiến của bạn

Bình luận