Tuần này, cây cầu trị giá 20 tỷ USD, nối Hong Kong và Macau với thành phố Chu Hải ở Trung Quốc đại lục sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng. Sự kiện đặt dấu mốc hoàn thành dự án xây cầu vượt biển dài nhất thế giới kéo dài 9 năm qua. Cây cầu chịu được động đất 8 độ, siêu bão và tàu thuyền va chạm. Nó được xây từ 400.000 tấn thép, gấp 4,5 lần số vật liệu của cầu Cổng Vàng ở San Francisco, Mỹ. Ảnh: AFP/Getty.
Ngày 23/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự buổi lễ khánh thành tại Chu Hải, cùng các quan chức hàng đầu của Hong Kong và Macau. Cầu sẽ được thông xe vào ngày hôm sau. Ảnh: AFP/Getty.
Cây cầu, dài 55 km, ban đầu dự kiến được đưa vào sử dụng từ năm 2016 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần. Dự án này là một phần kế hoạch của Trung Quốc nhằm phát triển khu vực Greater Bay Area rộng 56.500 km2 với 68 triệu người tại 11 thành phố, trong đó có Hong Kong và Macau. Nhà lập pháp Hong Kong Claudia Mo nhận định: "Nó nối liền Hong Kong với Trung Quốc như dây rốn. Bạn nhìn thấy nó và sẽ hiểu rằng bạn đang được nối với đất mẹ". Ảnh: AFP/Getty.
Những người ủng hộ dự án này cho rằng cây cầu sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa 3 thành phố từ 3 giờ xuống còn 30 phút. Tuy nhiên, chủ phương tiện ở Hong Kong không thể qua cầu nếu không có giấy phép đặc biệt. Hầu hết người dân sẽ phải đỗ xe ở cảng Hong Kong và chuyển sang xe buýt hoặc thuê xe ôtô đặc biệt. Ảnh: Getty.
Trong lúc đó, từ khi xây dựng đến nay, dự án cây cầu vượt biển dài nhất đã phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích, đặc biệt ở Hong Kong, nơi mà người dân hầu như không có nhu cầu kết nối mạnh mẽ hơn với Macau hay Chu Hải. Họ sợ rằng thành phố sẽ sớm bị quá tải với số du khách đến từ đại lục. Ảnh: AFP.
Bà Mo và một số nhà phê bình khác cho rằng Hong Kong tốn một khoản khổng lồ hơn 9 tỷ USD cho dự án này trong khi thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở xã hội và tình trạng nghèo đói gia tăng. Nhiều người cũng lên án tiêu chuẩn an toàn của công tác xây dựng cầu. Theo CNN, 7 công nhân đã thiệt mạng và 275 người khác bị thương khi tham gia siêu dự án này. Ảnh: AFP.
Các chuyên gia bảo tồn cũng bày tỏ quan ngại về việc cây cầu có thể sẽ khiến số lượng cá heo ở khu vực Đồng bằng Châu Giang suy giảm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, chính quyền Hong Kong đã cho xây dựng thêm công viên hải dương để bảo vệ cá heo và các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi nỗ lực giảm thiểu tác động của siêu dự án xây dựng này có thể đã quá muộn. Ảnh: Reuters.
Cây cầu, được xây dựng mô phỏng hình con rắn, có một đoạn 6,7 km ngập nước, nối hai hòn đảo nhân tạo, nhằm tránh làm gián đoạn con đường vận chuyển bận rộn trên biển. "Tôi không nghĩ người dân quá hào hứng. Dự án đã kéo dài và người dân cũng có nhiều cách để tới vùng phìa tây Đồng bằng Châu giang", Mee Kam Ng, giáo sư tại khoa Địa lý, Đại học Trung Văn Hong Kong, nhận định cây cầu không thực sự cần thiết. Ảnh: Getty.
Tuy vậy, theo một cách nào đó, cây cầu có thể sẽ giúp nâng cao mối liên kết giữa ba thành phố. "Từ việc khánh thành cây cầu cho tới sự liên kết ba địa điểm khác nhau, về cả thể chế đến lịch sử và văn hóa, đây sẽ là một thử nghiệm thú vị", Guardian trích lời giáo sư Ng. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.