Cận cảnh thế giới đột phá phát triển giao thông từ công nghệ số

Giao thông toàn cầu 28/08/2023 06:48

Nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý và vận hành hệ thống giao thông. Đây là xu hướng nhằm xây dựng một hệ thống giao thông văn minh, hiện đại, phục vụ phát triển bền vững

Thời gian qua, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý và vận hành hệ thống giao thông. Đây là xu hướng nhằm xây dựng một hệ thống giao thông văn minh, hiện đại, phục vụ nhu cầu đi lại và lưu thông hàng hóa nhanh chóng, chính xác, an toàn và thân thiện với môi trường... Dưới đây là một số mô hình cảng biển, sân bay, hệ thống tàu điện ngầm… ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào quản lý và vận hành ở một số nước trên thế giới.

Cận cảnh giao thông thế giới đột phá phát triển từ nền tảng công nghệ số - Ảnh 1.

Cảng Singapore

Singapore: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa cảng biển

Năm 2022, quốc đảo Singapore tiếp tục soán ngôi về cảng trung chuyển container hàng đầu thế giới với lượng container trung chuyển của nước này tăng lên mức kỷ lục 37,5 triệu TEU (1 TEU = 1 container 20 feet). Có được thành quả đó là nhờ việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) và số hóa giúp thời gian quay vòng tại cảng Singapore (bao gồm thời gian xử lý cảng và thông quan) nhanh và hiệu quả.

Ở đây, các thủ tục đều được số hóa nên thời gian một đơn hàng được cấp phép thương mại chỉ khoảng 15 - 20 phút, trong khi một số quốc gia láng giềng vẫn yêu cầu nhập tay và cần giấy tờ bằng bản cứng nên thời gian lâu hơn. Nếu như ở một số cảng, để một container thông quan phải mất tới vài ngày thì ở Singapore chỉ mất một nửa thời gian trên.

Tại Singapore, công nghệ AI đang được dùng để phân tích dữ liệu từ các con tàu, bến cảng cùng với nhiều cơ quan liên quan khác để đảm bảo rằng các con tàu có thể đến và khởi hành đúng giờ. Mới đây, Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) đã thử nghiệm một hệ thống mới giúp đảm bảo rằng các tàu khởi hành và đến bến cảng đúng giờ. Thậm chí, MPA còn sử dụng AI để đưa ra các khuyến nghị nhằm phân bổ hiệu quả nhất các không gian bến tàu và các khu vực nơi tàu chở hàng có thể neo đậu. Họ dùng công nghệ để giúp chủ tàu hoạch định toàn bộ tiến trình, làm thế nào để xếp dỡ hàng, vận chuyển hàng đến hay đi khỏi bãi, thậm chí là xếp container như thế nào và làm sao cho tối ưu.

Bên cạnh đó, các cảng vụ dựa vào công nghệ để giám sát an toàn của vùng biển và giải quyết giấy tờ để tàu có thể ra, vào cảng nhanh chóng và dễ dàng. Toàn bộ quá trình được giám sát và sắp xếp bởi hệ thống máy tính hiện đại. Theo tính toán, trung bình hàng ngày, hệ thống cảng biển của Singapore phải lưu thông đến 91.000 container, tương đương với 60 thuyền ra, vào cảng. Trong đó, 5% lượng hàng sẽ được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều cảng biển khác trên toàn thế giới. Do đó, quá trình xử lý và xác thực thông tin được tiến hành trên mạng và việc cho phép xác thực được thực hiện ngay trong lần giao dịch đầu tiên. Đây là hệ thống cảng biển đầu tiên cắt giảm các thủ tục giấy tờ và là một trong bảy khu vực pháp lý trên toàn cầu chấp nhận vận đơn điện tử. Sự thay đổi này là một bước nhảy vọt so với thông lệ hàng thập kỷ trước đó là nộp giấy tờ bằng bản cứng để xác minh hàng hóa.

Nhật Bản: Hệ thống tàu điện ngầm hiện đại, đúng giờ gần như tuyệt đối

Nói đến đất nước mặt trời mọc Nhật Bản người ta nghĩ ngay đến hệ thống giao thông thông minh ở đây. Một trong những "đặc sản" làm nên thương hiệu Nhật Bản phải kể đến hệ thống tàu điện ngầm dày đặc, hiện đại bậc nhất và đặc biệt là rất đúng giờ. Ở Nhật Bản, tàu điện ngầm là một trong những phương tiện giao thông công cộng được người dân sử dụng nhiều nhất.

Hệ thống tàu điện ngầm ở Nhật Bản vô cùng hiện đại, được ứng dụng công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo vào quản lý, vận hành, khai thác với đầy đủ tiện nghi như máy lạnh, máy sưởi, vé từ… Các ga tàu được bố trí tiện lợi với hệ thống quầy đồ ăn nhanh đa dạng, giúp hành khách có thể mua đồ ăn, nghỉ ngơi, giải trí ngay tại ga. Hai bên tàu có các bảng điện tử giúp hành khách có thể tra cứu lộ trình dễ dàng hoặc có thể sử dụng các phần mềm hướng dẫn và wifi miễn phí.

Việc tìm kiếm nhà ga tàu điện ngầm ở Nhật Bản rất đơn giản và nhanh chóng. Hành khách chỉ cần mất khoảng 5 phút để có thể tìm thấy một nhà ga và thời gian này sẽ chỉ còn là 2 - 3 phút nếu bạn sống ở Tokyo.

Theo số liệu thống kê, tàu điện ngầm ở Nhật Bản hoạt động đúng giờ đến mức thường chỉ chậm trung bình khoảng 7 giây/năm. Các chuyến tàu điện ngầm ở đây chạy theo một lịch trình nghiêm ngặt. Khoảng cách các ga trong thành phố chỉ cách nhau khoảng 1 km và ngoại ô là khoảng 2 - 3 km. Tàu nhanh và tàu cao tốc thường chỉ dừng lại ở các ga lớn, tiết kiệm thời gian cho những người đi xa, đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân Nhật Bản.

Tàu siêu tốc Sinkansen là tàu chạy nhanh nhất trong các tàu thương mại với tốc độ khoảng 300 km/h. Ngồi bên trong, hành khách sẽ có cảm giác tai bị ù do tốc độ của tàu khá lớn. Do vận tốc cao nên giá cả của tàu Shinkansen cũng không thua kém vé máy bay, nhưng để đáp ứng nhu cầu tiết kiệm thời gian đi lại, Shinkansen vẫn là một phương tiện được ưa chuộng với người dân Nhật Bản, đặc biệt là tầng lớp thương gia.

Cận cảnh giao thông thế giới đột phá phát triển từ nền tảng công nghệ số - Ảnh 2.

Sân bay Dubai của các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất

Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất: Ứng dụng công nghệ AI sinh trắc học tại sân bay Dubai

Sân bay quốc tế Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả-Rập Thống nhất (UAE) - một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới trải rộng trên diện tích 1.200 ha. Với lượng hành khách khổng lồ cần phục vụ mỗi ngày, sân bay Dubai đã có nhiều nỗ lực nhằm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hoạt động vận chuyển, tiếp đón hành khách.

Hành khách có thể tự "check-in", làm thủ tục xuất nhập cảnh, sử dụng phòng chờ và đi qua cửa lên máy bay với công nghệ này. Ngoài việc tiết kiệm nhân công, thời gian, công nghệ này còn giúp hạn chế tiếp xúc nhằm kiểm soát dịch bệnh. Sau khi đăng ký bằng việc cung cấp hình ảnh tại quầy "check-in", người dùng có thể đi qua các cửa kiểm soát tại sân bay quốc tế Dubai bằng cách nhận diện khuôn mặt. Thông thường, để đi lên tàu bay, hành khách mất từ 30 - 40 giây để xác nhận với nhân viên và làm thủ tục đi qua cửa.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo sinh trắc học được áp dụng tại sân bay Dubai được xem như một công cụ giúp kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, giúp hành khách không phải tiếp xúc với người khác, đảm bảo an toàn cho cả hành khách và nhân viên. Hệ thống sinh trắc học được thiết kế để thu thập dữ liệu sinh học duy nhất của mỗi người nhằm xác định danh tính. Hệ thống ở Dubai sử dụng thiết bị để quét mống mắt (là khu vực có màu) của mỗi người. Điều này yêu cầu hành khách tham gia hệ thống phải nhìn thẳng vào máy ảnh để dữ liệu sinh học có thể được thu thập. Để tham gia ứng dụng công nghệ thông minh trên, hành khách phải đăng ký cung cấp thông tin sinh trắc học cần thiết và dữ liệu sẽ được tích hợp vào hệ thống để phục vụ các bước thủ tục tiếp theo. Cơ quan xuất nhập cảnh UAE cho biết các hành khách đăng ký dịch vụ sẽ chỉ mất 5 - 9 giây để hoàn tất thủ tục.