Đường sắt đô thị: “Động mạch chủ” của mạng lưới giao thông đô thị nhiều nước trên thế giới

Kinh nghiệm phát triển 03/10/2024 09:41

Tại các đô thị lớn, chính phủ các nước đã ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Đường sắt đô thị (ĐSĐT), bao gồm đường sắt trên cao và tàu điện ngầm (TĐN) được các đô thị lớn xác định là trục “xương sống”, “động mạch chủ” kết nối các loại hình vận tải khác và đã phát huy hiệu quả cao. Từ kinh nghiệm phát triển thành công mô hình ĐSĐT là bài học quý để Việt Nam tham khảo, học tập kinh nghiệm.


Paris (Pháp): TĐN góp phần giảm tắc nghẽn đường bộ, lượng khí thải carbon và ô nhiễm đô thị

Đường sắt đô thị là “động mạch chủ” của mạng lưới giao thông đô thị nhiều nước trên thế giới - Ảnh 1.

Hệ thống Paris metro tại Thủ đô Paris (Pháp)

Pháp nổi tiếng với hệ thống TĐN ở Thủ đô Paris, đây là một trong những hệ thống TĐN bận rộn nhất thế giới, mỗi ngày vận chuyển khoảng 4,5 triệu lượt hành khách. Chính quyền Paris chú trọng vào việc kết nối ĐSĐT với các phương tiện giao thông khác, tạo sự thuận tiện cho hành khách trong việc di chuyển đến nhiều điểm khác nhau trong khu vực. Hiện nay, Pháp đang hướng tới việc mở rộng mạng lưới và phát triển ĐSĐT.

Hệ thống TĐN ở Paris là một trong những hệ thống giao thông công cộng phát triển và tiện lợi nhất trên thế giới. Với 16 tuyến chính (bao gồm tuyến 1 đến tuyến 14, cùng với tuyến 3bis và 7bis), mạng lưới TĐN Paris bao phủ hầu hết các khu vực trong thành phố, giúp người dân và du khách di chuyển một cách dễ dàng và nhanh chóng. Mỗi tuyến được đánh số và có màu sắc riêng, giúp người dùng dễ dàng nhận biết và theo dõi.

Thời gian hoạt động của TĐN ở Paris từ 5h30 sáng đến 1h00 sáng ngày hôm sau và kéo dài đến 2h00 sáng vào các ngày cuối tuần, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của mọi người. Các ga tàu được bố trí tiện lợi, cách nhau chỉ vài trăm mét, mang lại sự thuận tiện tối đa.

Hệ thống Paris metro được xây dựng từ rất sớm, nó không chỉ đơn thuần là nhà ga, bến tàu mà còn là những mê cung dưới lòng đất với các công trình lịch sử, bảo tàng, triển lãm... Hệ thống các tuyến tàu điện mới sẽ giúp giảm tắc nghẽn đường bộ, lượng khí thải carbon và ô nhiễm đô thị liên quan đến việc di chuyển bằng ô tô tại vùng Thủ đô đông đúc.

Xác định tầm quan trọng của hệ thống TĐN, chính quyền tiến hành xây dựng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) và được coi là "chìa khóa" hữu hiệu giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Trong bối cảnh phát triển mới, việc xây dựng TOD ĐSĐT cần tập trung điều chỉnh chức năng đất đai, nâng cấp và tối ưu hóa các công trình dịch vụ hỗ trợ, xây dựng hệ thống giao thông chậm, không chỉ vươn tới các khu đô thị mới mà còn kết nối với cả các khu đô thị cũ, tạo sự phát triển đồng đều giữa các khu vực.

Bắc Kinh (Trung Quốc): Đặt mục tiêu 62% chuyến đi bằng TĐN

Đường sắt đô thị là “động mạch chủ” của mạng lưới giao thông đô thị nhiều nước trên thế giới - Ảnh 2.

Hệ thống metro ở Bắc Kinh (Trung Quốc)

Thủ đô Bắc Kinh có hệ thống TĐN gồm 27 tuyến, trong đó có 22 tuyến vận chuyển nhanh, 2 tuyến đường sắt sân bay, 1 tuyến đệm từ, 2 tuyến đường sắt nhẹ, kéo dài 836 km qua 12 quận nội, ngoại thành.

Hệ thống metro Bắc Kinh là hệ thống tàu điện bận rộn nhất thế giới, hiện Bắc Kinh đang có kế hoạch mở rộng hệ thống TĐN lên 1.000 km, phục vụ 18,5 triệu chuyến mỗi ngày vào năm 2025. Nhằm đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông, Bắc Kinh đang hướng tới con số 60% số chuyến đi sẽ được thực hiện bằng phương tiện công cộng vào năm 2025, trong đó 62% là bằng TĐN.

Bắc Kinh xác định mục tiêu xây dựng TĐN chiếm vị trí thống lĩnh trong vận tải ĐSĐT ở Trung Quốc. So với các phương tiện giao thông khác, TĐN có nhiều lợi thế về xanh và sạch, tiêu thụ năng lượng thấp nhất, tiết kiệm tài nguyên đất và không chiếm diện tích mặt bằng. Trên cơ sở đó, việc phát triển các phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu như TĐN ở Trung Quốc sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai.

Với mục tiêu, ứng dụng tối đa công nghệ mới (công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big data)), TĐN cũng đang khám phá hướng phát triển trí tuệ, số hóa và kết nối mạng, mang lại cho người dân những trải nghiệm, tiện ích mà các loại hình vận tải khác chưa có được, từ đó người dân cảm nhận sự thuận lợi và sẵn sàng sử dụng dịch vụ. Thời gian qua, Bắc Kinh không ngừng cải thiện, tu bổ và nâng cấp hệ thống TĐN vừa giúp giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, vừa hạn chế lượng khí CO2 thải vào không khí, giảm ô nhiễm môi trường.

Nhật Bản: Phát huy hiệu quả mô hình TOD

Đường sắt đô thị là “động mạch chủ” của mạng lưới giao thông đô thị nhiều nước trên thế giới - Ảnh 3.

Tokyo đã ứng dụng triệt để mô hình TOD giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận tiện, giảm ùn tắc và phát thải, tiết kiệm thời gian, đẩy giá trị bất động sản lên cao

Vùng Thủ đô Tokyo có khoảng 38 triệu dân, với mạng lưới gần 900 nhà ga và trung bình vận chuyển tới hơn 40 triệu lượt hành khách mỗi ngày. Với hơn 120 tuyến đường sắt trong vùng, Tokyo Metro là công ty điều hành mạng lưới TĐN lớn nhất Nhật Bản.

Hệ thống ĐSĐT tại Tokyo được thiết kế, tính toán khoa học và hợp lý. Việc chuyển tiếp và kết nối đa phương tiện rất quan trọng. Đầu tiên là giữa các loại tàu như tàu chậm, tàu nhanh và tàu cao tốc Shinkansen, sau đó là chuyển giữa các loại phương tiện, như từ đi bộ hay xe đạp sang xe buýt, rồi sang tàu cho những quãng đường xa.

Thời gian qua, Tokyo đã ứng dụng triệt để mô hình TOD giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận tiện, giảm ùn tắc và phát thải, tiết kiệm thời gian, đẩy giá trị bất động sản lên cao. Các công ty vận hành ĐSĐT đã chú trọng tìm hiểu nắm bắt nhu cầu của khách hàng sử dụng xung quanh nhà ga dọc tuyến ĐSĐT và tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu đó. Điều quan trọng là tạo ra sự liên kết giữa bên sở hữu đất với đơn vị kinh doanh ĐSĐT và đơn vị phát triển như thế nào. Nếu phương châm và tương lai phát triển dọc tuyến đường sắt không được chia sẻ giữa tất cả các tổ chức và bên liên quan thì mỗi dự án sẽ được xây dựng riêng lẻ, dẫn đến thiếu tính gắn kết.

Singapore: Chính sách trợ giá ưu việt

Đường sắt đô thị là “động mạch chủ” của mạng lưới giao thông đô thị nhiều nước trên thế giới - Ảnh 4.

Hệ thống TĐN ở Singapore so với các hệ thống di chuyển khác là giá vé hợp lý trong khi chi phí sinh hoạt ở Singapore vào loại cao

Hệ thống ĐSĐT ở Singapore được đưa vào vận hành từ năm 1987 và phát triển liên tục do chính sách của Singapore nhằm xây dựng và phát triển một hệ thống ĐSĐT toàn diện; đảm đương vai trò xương sống của hệ thống giao thông công cộng Singapore.

Những năm qua, Singapore đầu tư hệ thống TĐN MRT không người lái với 84 ga đang hoạt động cùng hệ thống đường sắt khổ tiêu chuẩn dài 130 km. Hệ thống ĐSĐT được xây dựng bởi Cục Quản lý giao thông đường bộ và quyền kinh doanh hệ thống này được nhượng cho Tập đoàn SMRT và Công ty TNHH SBS Transit vận hành, khai thác thương mại.

Hệ thống MRT bắt đầu hoạt động vào lúc 5h30 sáng trong ngày và kết thúc hoạt động vào lúc 1h sáng ngày hôm sau, trung bình cứ 2 đến 8 phút sẽ có 1 đoàn tàu cập ga.

Các tàu điện ở Singapore thường chuyển động ở tốc độ dao động khoảng 40 - 80 km/h, tùy thuộc vào tuyến đường cụ thể cũng như điều kiện giao thông. Tốc độ tối đa của tàu dịch vụ là khoảng 78 - 90 km/h. Trong khi đó, tốc độ tối đa theo thiết kế có thể lên tới 90 - 100 km/h, biến tàu điện thành một phương tiện di chuyển nhanh chóng và hiệu quả trong thành phố.

Các cơ sở liên quan đến hệ thống TĐN được thiết kế tiện nghi. Tất cả nhà ga được trang bị cửa chắn để đảm bảo an toàn, thang máy và hệ thống kiểm soát không khí giúp hành khách thoải mái hơn, wifi cũng có sẵn để hành khách có thể làm việc hoặc lướt web trong thời gian chờ đợi. Hệ thống tàu điện cũng có thiết kế lối đi riêng cho người sử dụng xe lăn, các gia đình có con nhỏ dùng xe đẩy, người có sức khỏe kém hay khách du lịch mang hành lý cồng kềnh...

Điểm nổi bật của hệ thống TĐN ở Singapore so với các hệ thống di chuyển khác là giá vé hợp lý trong khi chi phí sinh hoạt ở Singapore vào loại cao. Vé TĐN tại Singapore thậm chí còn rẻ hơn cả xe buýt do được Chính phủ trợ giá. Các nhà ga có vị trí chiến lược, dễ dàng tiếp cận bằng taxi, xe buýt hoặc đi bộ.