Cần chấm dứt đào tạo tiến sĩ kiểu tại chức

30/11/2016 06:39

Nhiều ý kiến cho rằng nên cụ thể hóa cái gọi là công bố quốc tế để loại bỏ công bố trên tạp chí kém chất lượng. Trong khi đó, không ít người có quan điểm ngược lại.

tien_si
Nhiều ý kiến tranh luận về đào tạo tiến sĩ. Ảnh minh họa: Tiền Phong

Trước yêu cầu các nghiên cứu sinh (NCS) phải có công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có phản biện mới được bảo vệ luận án tiến sĩ được nêu ra trong dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD&ĐT đang soạn thảo, khá nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình.

Ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh Đại học Văn hóa Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) cho rằng yêu cầu NCS có công bố quốc tế chính là quy định quan trọng nhất để nâng cao chất lượng của tiến sĩ ở Việt Nam.

"Yêu cầu NCS phải có công bố quốc tế thì có thể tạm yên tâm là trình độ của NCS cũng ở mức độ quốc tế. Thậm chí, quy chế mới không cần quy định các chi tiết khác, chỉ cần quy định đúng cái này thôi thì tôi tin rằng trong thực tế, những điều được quy định trong các chi tiết khác cũng sẽ diễn ra", ông Hiệp khẳng định.

Theo ông Hiệp, với quy định này, số lượng NCS có thể sẽ giảm mạnh nhưng chất lượng yên tâm ngang tầm quốc tế.

Tuy nhiên, ông Phạm Hiệp cũng cho rằng cần xác định rõ hơn khái niệm công bố quốc tế. Theo ông Hiệp, các công bố trên các tạp chí thuộc danh mục tạp chí ISI, Scopus có thể là thước đo tốt cho nhiều ngành. Nhưng một số ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngoài 2 danh mục này, các công bố quốc tế khác cũng tốt.

"Bản thân các GS ngành đó cần đưa ra được danh mục riêng của ngành, nếu họ cảm thấy iSI SCOPUS chưa đủ tốt. Ví dụ, ngành y ngoài danh mục ISI, Scopus còn có danh mục Index theo PubMed".

Nhiều ý kiến chia sẻ quan điểm của NCS Phạm Hiệp. TS Nguyễn Nam Trân (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng quy định chung chung về công bố quốc tế là chưa đủ vì "tạp chí quốc tế cũng thượng vàng hạ cám".

"Với ngành Y và các ngành Khoa học kỹ thuật, tôi cho rằng cần phải có ít nhất một công bố ISI và một công bố quốc tế khác (có hoặc không có ISI vẫn được) với NCS là tác giả đứng tên đầu. Hiện nay, rất nhiều tạp chí quốc tế dễ đăng bài và chất lượng còn kém hơn cả tạp chí Việt Nam, đặc biệt là các tạp chí xuất bản ở Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Phi và Đông Âu", TS Trân nói.

PGS.TS Phạm Thanh Phong (ĐH Tôn Đức Thắng, hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc) chia sẻ tại nơi ông đang làm giáo sư thỉnh giảng, NCS muốn bảo vệ phải có ít nhất 2 bài báo công bố trên tạp chí ISI (khoa học tự nhiên và kỹ thuật) hoặc ít nhất một bài trên Scopus (cho hầu hết các ngành khoa học xã hội và nhân văn).

"NCS chỉ bảo vệ một lần trước hội đồng khoa bảng của trường nhưng trước khi bảo vệ luận án phải được thẩm định của 5 giáo sư ngoài trường. Một người không đồng ý thì phải xem xét lại sau khi có giải trình của NCS để người thẩm định xem xét lần hai. Hội đồng khoa bảng của trường có thể có giáo sư ngoài trường", TS Phong chia sẻ.

Từ đó, TS Phong kiến nghị, điều kiện để NCS được bảo vệ tiến sĩ ở Việt Nam là phải có tối thiểu 2 bài báo ISI và ít nhất một  bài trên các tạp chí trong nước đối với ngành khoa học tự nhiên - công nghệ.

Ngành khoa học xã hội và nhân văn cần đảm bảo tối thiểu một bài trên Scopus (hoặc 1 chương sách do các nhà xuất bản khoa học uy tín phát hành) và một bài trên tạp chí trong nước.

Ngoài ra, quy định cũng nên có việc NCS phải tham gia các hội nghị khoa học quốc gia hoặc quốc tế để báo cáo các kết quả nghiên cứu của mình.

"Việc quy định phải có bài báo trên các tạp chí trong nước nhằm nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học trong nước. Quy định tham gia sinh hoạt học thuật qua các hội nghị khoa học là bắt buộc nhằm giúp cho NCS trao đổi với đồng nghiệp về hướng nghiên cứu và tự giới thiệu bản thân với các nhà khoa học trong nước và quốc tế, cũng như trau dồi tiếng Anh học thuật" , TS Phong chia sẻ.

TS Phong cũng cho biết thực tế, tại Việt Nam, một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo và một số nhóm nghiên cứu mạnh như Viện Toán học, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đều yêu cầu NCS phải công bố ít nhất 2 bài ISI mới đủ điều kiện bảo vệ. Ngay tại ĐH Tôn Đức Thắng, NCS muốn có học bổng toàn phần cũng cần có 2 bài ISI.

Cần tính đặc thù từng ngành

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều người trong cuộc lại cho rằng rất khó để đưa ra chuẩn đầu ra dựa trên các công bố quốc tế.

Ông Trần Nam, NCS tại ĐH Queensland cho rằng dự thảo của Bộ GD&ĐT yêu cầu người làm NCS phải có công bố quốc tế là không hợp lý vì ngay cả các nước như Mỹ hay Australia cũng không bắt buộc NCS phải có xuất bản quốc tế trước khi tốt nghiệp.

Ông Nam cũng nêu quan điểm thời gian làm nghiên cứu sinh ở các quốc gia khác là từ 3-4 năm (toàn thời gian) hoặc 6-7 năm (bán thời gian), nên NCS có thể sử dụng toàn bộ thời gian cho việc học và làm nghiên cứu, do đó, có thể kỳ vọng họ có thể có công bố quốc tế trong thời gian học. Tuy nhiên, thời gian học NCS ở Việt Nam chỉ khoảng 2-3 năm, khó có thể có công bố quốc tế.

"Chưa kể đến việc gửi bản thảo cho các tạp chí ít nhất cũng mất 3-6 tháng để được đăng tải (nếu bài viết thực sự tốt) hoặc có tạp chí mất 8 tháng, thậm chí hơn một năm; thậm chí cần nhiều thời gian hơn để viết tiếng Anh học thuật", ông Nam phân tích.

"Đó cũng chưa kể đến một số yếu tố khác tác động đến khả năng có thể có xuất bản quốc tế của nghiên cứu sinh như: Một số ít ngành học/lĩnh vực nghiên cứu khó/nhạy cảm để công bố quốc tế; thầy cô hướng dẫn chưa có hoặc có ít kinh nghiệm trong xuất bản quốc tế; động cơ và thái độ học tập của nghiên cứu sinh...".

Từ đó, ông Nam cho rằng mặc dù ông ủng hộ việc người làm nghiên cứu cần có công bố quốc tế và ủng hộ việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nhưng không nên bắt buộc NCS phải có công bố quốc tế.

"Nên chăng là khuyến khích họ có công bố quốc tế thì hơn", ông Nam đặt vấn đề.

"Việc cần làm lúc này là siết chặt quy định xét duyệt phong giáo sư, phó giáo sư. Những người được phong học hàm này phải có công bố quốc tế trong khoảng thời gian 3 năm trở lại và phải đứng đầu 2, thậm chí 3 bài thì mới được xét. Tôi quan niệm muốn có trò giỏi thì trước tiên thầy phải giỏi. Thầy không giỏi và không có xuất bản quốc tế thì cũng đừng mong trò có xuất bản quốc tế", ông Nam nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, TS Hồ Nhân Bảo (CĐ Sư phạm Quảng Trị) cho rằng một bài báo cần có thời gian phản biện, nếu 2-3 năm mới có kết quả gửi bài, mất một năm chờ phản biện thì quá hạn tốt nghiệp.

Chưa kể, muốn gửi tạp chí tốt, có thể bị từ chối, chọn lại tạp chí dễ hơn, thời gian mất gấp đôi. Do đó, nếu tạo áp lực cho NCS, họ sẽ phải gửi bài tốt cho tạp chí ít nổi tiếng hơn để được công bố sớm. Đó là điều không hay.

Bên cạnh đó, TS Bảo cho hay cần phải tính đến đặc thù ngành. "Chẳng hạn, ngành Toán có thể có bài báo sớm nhưng ngành xã hội thì ít khi có kết quả sớm nên quy định có bài báo quốc tế không phù hợp. Tôi có người bạn làm ngôn ngữ học, tốt nghiệp chưa có bài nào nhưng sau đó 2 năm đăng liên tục 5 bài dựa trên luận văn. Tôi nghĩ rằng đó cũng là lý do người ta cần người chấm luận văn", ông Bảo phân tích. 

Ông Bảo nêu quan điểm cần giải quyết khâu đào tạo thạc sĩ trước. "Không thể thả nổi việc đào tạo thạc sĩ mà đòi nâng cao chất lượng tiến sĩ được. Không phải ai cũng có bài báo trước khi làm tiến sĩ; cần và rất cần là điều kiện tiếng Anh, kỹ năng đọc hiểu và viết ở mức độ chấp nhận được", ông Bảo khẳng định.

"Không thể đào tạo tiến sĩ kiểu tại chức"

Tuy vậy, hầu hết các ý kiến cho rằng để có thể nâng cao chất lượng tiến sĩ, để NCS có thể có công bố quốc tế, điểm mấu chốt là không thể làm tiến sĩ kiểu "tại chức", vừa làm, vừa học.

Theo TS Nguyễn Nam Trân, thế giới coi trả lương (dù rất thấp), còn ở Việt Nam hiện tại cả thạc sĩ, tiến sĩ đều là học hệ "tại chức", bán thời gian không được trả lương.

"Có thực mới vực được đạo, khi người hướng dẫn không có tiền để trả cho NCS thì NCS phải ưu tiên đi làm việc khác để kiếm tiền, còn việc học chỉ là phụ. Khi đã không ưu tiên và không tập trung nghiên cứu toàn thời gian, họ khó có nghiên cứu chất lượng để có công bố ISI đứng tên đầu được", TS Trân khẳng định.

Trên diễn đàn học thuật International Vietnamese Academics Network - IVANet, trao đổi về chủ đề này, thành viên Sandy Pham Trạng cho rằng có một điểm khác biệt rõ rệt giữa Việt Nam với nước ngoài là NCS ở nước ngoài không phải trả tiền gì mà còn nhận được tiền ăn ở và lương.

"Chẳng hạn ở châu Âu hay Singapore, học bổng hoặc lương khá cao và đủ sống. NCS ở Mỹ phụ thuộc làm teaching assistant (trợ giảng) hay ở Hàn Quốc thường là giáo sư sử dụng tiền tài trợ đề tài để trả. Còn ở Việt Nam, NCS vừa phải trả tiền học, vừa phải làm việc ở cơ quan chủ quản, làm sao họ tập trung được?", thành viên này viết.

"Rất nhiều người làm NCS vì họ phải làm và không thấy lợi ích hay hứng thú cho việc đó. Nhiều người đi học dưới dạng part-time (bán thời gian) và học chỉ vì cần cái bằng, nên họ tìm mọi cách để giảm nhẹ việc nghiên cứu do vẫn còn phải làm công việc chính tại cơ quan. Các giáo sư hướng dẫn, khi có đề tài, cũng bị sức ép phải có bài báo và có TS bảo vệ thành công, nên nhiều khi phải nhắm mắt làm dùm NCS còn hơn là đi dọn rác họ bày ra", thành viên Sandy Pham Trạng nêu thực tế.

TS Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chia sẻ ở các quốc gia phát triển, không có kiểu đào tạo tiến sĩ tại chức hay tiến sĩ vừa học vừa làm như ở Việt Nam.

Theo TS Nam, khi làm tiến sĩ toàn thời gian, thầy giáo hướng dẫn nên lo kinh phí nghiên cứu, NCS chỉ lo chi phí ăn ở thôi. Thầy hỗ trợ được NCS làm trợ giảng hay trợ lý nghiên cứu cho dự án nghiên cứu của thầy thì tốt. Lúc đó, các NCS mới tạo ra nghiên cứu chất lượng được.

"Số lượng NCS cũng phải hạn chế theo định mức nghiên cứu để đảm bảo chất lượng. Thầy không có dự án nghiên cứu, không có tiền cho đào tạo NCS thì không được nhận hướng dẫn NCS chứ không có chuyện thầy dạy NCS để kiếm tiền như dạy tại chức được", TS Nam khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận