Đào tạo nguồn nhân lực đang là yêu cầu bức thiết đối với ngành HKVN |
Cơ hội và thách thức đối với HKVN
Hàng không quốc tế có nhiều thay đổi:
Hoạt động vận tải hàng không quốc tế đang có mức tăng trưởng cao. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là khu vực năng động nhất thế giới với mức tăng trưởng đạt 7 - 8%/năm.
Hàng không thế giới đã có nhiều đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, trước hết về kỹ thuật, công nghệ đã có nhiều biến đổi lớn lao. Cùng với những tiến bộ trong khoa học vật liệu hàng không, lĩnh vực điện tử như vi mạch, kỹ thuật số, vệ tinh, dẫn đường... là sự tiến bộ trong sản xuất động cơ tàu bay vừa bền, vừa tiết kiệm năng lượng. Nhiều loại tàu bay mới thân rộng, hiện đại, bay đường dài ra đời. Hệ thống trang thiết bị quản lý, điều hành bay cũng có rất nhiều tiến bộ; phương thức dẫn đường kiểm soát điều hành bay đã có nhiều đổi mới. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên tục có những khuyến cáo thực hành về thay đổi phương thức quản lý, điều hành bay như: Từ phương thức ATM trước đây đã chuyển sang ATM mới, sử dụng vệ tinh dẫn đường, phương thức kiểm soát theo luồng bay và gần đây thêm nhiều phương thức mới ra đời. Thêm vào đó, điều kiện làm việc của các kiểm soát viên không lưu ngày càng được cải thiện…
Công tác đào tạo, huấn luyện phi công, kỹ thuật viên, tiếp viên, nhân viên hàng không nói chung cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực hàng không cao hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, hệ số an toàn, an ninh đã được nâng cao nhờ sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị phụ trợ tiên tiến, hiện đại và qui trình kiểm tra, kiểm soát có tính thống nhất, đồng bộ ngày càng cao.
Hệ thống pháp lý hàng không thế giới cũng có nhiều tiến bộ lớn. Hệ thống Luật Hàng không dân dụng của các nước đã được hoàn thiện hơn. Hệ thống qui trình, qui phạm, tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật hàng không ngày càng chặt chẽ, hoàn thiện, nâng cao so với trước đây. Công tác hiệp đồng, hợp tác trong cộng đồng hàng không ngày càng hài hòa, chặt chẽ nhờ có sự hoạt động tích cực của các tổ chức hàng không quốc tế như ICAO, IATA... và những đổi mới căn bản về kỹ thuật - công nghệ hàng không.
Có thể nhận định rằng, trong hoàn cảnh mới hiện nay của thế giới, lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ đã có nhiều tiến bộ, nguồn nhân lực hàng không, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng lên; cơ chế, tổ chức và hoạt động ngày càng được đổi mới, đạt mức hoàn thiện và ưu việt hơn; nhu cầu giao thương về hàng không ngày càng tăng cao... Đây là những tiền đề tốt cho sự phát triển của ngành vận tải hàng không.
HKVN đã phát triển nhanh và hướng tới sự bền vững trong hơn hai thập kỷ qua:
Hơn 30 năm đổi mới, Nhà nước đã có sự đầu tư lớn cho ngành Hàng không dân dụng Việt Nam như: Mạng cảng hàng không, sân bay (CHK, SB) được tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới, đưa vào khai thác với 9 CHK quốc tế và 13 CHK quốc nội. Đặc biệt, ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long thành với tổng số vốn đầu tư lên tới 16,03 tỷ USD. Đây là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia với mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay với hệ thống quản lý, điều hành bay được hiện đại hóa ngang tầm khu vực và thế giới.
Thời gian qua, các hãng hàng không mới liên tục mua sắm hàng chục, hàng trăm máy bay mới, thân rộng, bay đường dài hiện đại như Boeing 787-9 hay Airbus A350 có khả năng bay chặng đường dài khoảng hơn 13 giờ bay liên tục...
Ngành HKVN đang khởi sắc, diện mạo, màu cờ sắc áo ngày càng khẳng định vị thế, uy tín trên trường quốc tế. Với hàng chục hiệp định về kinh tế, thương mại, đầu tư..., nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tín hiệu rất lạc quan. Bên cạnh đó, các ngành kinh tế như du lịch, xuất nhập khẩu, công, nông, lâm, ngư nghiệp, văn hóa, thể thao... tiếp tục phát triển không ngừng tạo nên nhu cầu đi lại bằng đường không ngày càng gia tăng. Đó là tiền đề cho sự phát triển của ngành vận tải HKVN.
Trong vòng hơn chục năm qua, ngành HKVN có cuộc chạy đua mang tính bứt phá lớn với mức tăng trưởng gấp đôi ở khu vực, đạt 16%/năm và đã có hơn 22 năm đạt mức an toàn tuyệt đối trong vận chuyển hàng không. Đặc biệt, ngày 15/02/2019, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã trao chứng chỉ công nhận năng lực giám sát an toàn hàng không mức CAT-1 cho Cục HKVN. Đây là một tiến bộ lớn so với các nước ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Kết quả của sự phát triển nhanh và khá bền vững đó của HKVN trong giai đoạn vừa qua là hiếm có.
Hoàn cảnh, điều kiện mới có nhiều thuận lợi hơn, đồng thời thử thách cũng cam go hơn:
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều khởi sắc với mức tăng trưởng cao và ổn định. Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) là sự ra đời đầy triển vọng của hãng hàng không Vietjet Air (VJ), Bamboo Airways (BAV)... Vượt qua tình trạng bao cấp, độc quyền, ngày nay các hãng HKVN đang cạnh tranh nhau bằng cơ chế thị trường theo hướng hiện đại để vươn lên nhằm nâng cao uy tín, năng lực của hãng mình và của cả toàn ngành Hàng không trong nước và quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản đã nêu trên thì cũng tồn tại không ít thách thức và nguy cơ lớn luôn rình rập. Thêm vào đó, HKVN còn rất non trẻ so với hàng không thế giới. Trên chặng đường “chạy đua” bứt phá đó, cùng với những chiến công, thành tích đã đạt được, ngành HKVN cũng đang bộc lộ nhiều bất cập trong các lĩnh vực hoạt động. Đó là qui luật của cuộc sống mà mọi con người, mọi tổ chức, quốc gia đều phải trải qua để đi tới. Ngày nay, toàn thế giới đang chịu sự tác động mạnh mẽ, sâu sắc, nhanh chóng và toàn diện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam không là ngoại lệ. Không còn con đường nào khác, chúng ta phải thích nghi, chinh phục để vượt qua, bước tiếp và nhận thức sâu sắc rằng, đây là chặng đường đầy thử thách cam go, cần có bản lĩnh toàn diện với sự đổi mới căn cơ và sự cố gắng phi thường, liên tục…
Vì vậy, để đáp ứng những nhu cầu thực tế của cuộc sống, vượt qua mọi thử thách do hoàn cảnh khách quan và chủ quan mang lại, ngành HKVN cần khẩn trương đổi mới về mọi mặt một cách triệt để, nhanh chóng, toàn diện, sâu sắc với những giải pháp căn cơ hơn theo tinh thần: “Không có việc gì là không có thể!” để thích nghi với hoàn cảnh mới với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo tiêu chí an toàn, điều hòa và hiệu quả trong tương lai.
Hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững
HKVN đang đứng trước cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đòi hỏi phải có chiến lược phát triển bền vững |
Theo quy hoạch phát triển giao thông HKVN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì: “Phát triển giao thông hàng không phải là phương tiện giao thông an toàn, phổ biến và thuận tiện; đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển đất nước. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành hàng không phát triển ngang tầm tiên tiến với hàng không các nước trong khu vực và trên thế giới; nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về hàng không.
Mục tiêu phát triển nhanh, vững chắc, đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực: Vận tải hàng không, Cảng hàng không, Quản lý bay và dịch vụ mặt đất với quy mô ngày càng lớn, trong đó lấy phát triển con người làm trung tâm với quan điểm đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào công nghệ mới để nhanh chóng hiện đại hóa toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị hàng không và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh quốc tế về hàng không dân dụng”.
Hàng không dân dụng Việt Nam là một ngành kinh tế - kỹ thuật - đối ngoại có tính thống nhất, đồng bộ, kỷ luật cao trong toàn ngành GTVT và sử dụng kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của nhân loại. Vì vậy, để hướng tới một sự phát triển nhanh và bền vững cần có một tư duy khoa học sâu sắc về tính đặc thù cao, kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, hiện đại, có quyết tâm đổi mới một cách nhanh chóng, toàn diện, thống nhất và đồng bộ trong toàn Ngành, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân trong thời đại công nghệ 4.0.
Dưới đây, tác giả xin nêu một số giải pháp lớn nhằm góp phần nâng cao nhận thức, quan điểm đúng đắn, kịp thời nhận biết được những đặc điểm cơ bản, sự tác động mạnh mẽ, sâu sắc, nhanh chóng từ khách quan và chủ quan của thời kỳ mới đến ngành HKVN, từ đó tìm các giải pháp lớn thích ứng kịp thời nhằm tận dụng mọi cơ hội, hạn chế và khắc phục các thách thức, nguy cơ, tạo tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững của HKVN trong thời gian tới.
* Về lĩnh vực quản lý nhà nước:
- Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đến nay đã xuất hiện nhiều bất cập, chưa thích ứng với giai đoạn mới nên cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thật hoàn thiện để làm căn cứ cho các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của toàn Ngành trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trong giai đoạn mới. Đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
- Vấn đề phân định ranh giới bầu trời, mặt đất giữa hàng không dân dụng và quân sự còn nhiều chồng lấn là yếu tố uy hiếp an toàn bay, hạn chế hoạt động hàng không chung và hàng không tư nhân. Nước ta có địa hình kéo dài, các ngành kinh tế quốc dân như: nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, văn hóa, thể thao, xuất nhập khẩu, kinh tế biển đảo… rất cần hoạt động của các tàu bay nhỏ nhưng cho đến nay, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động của hàng không nói chung. Đây là nhiệm vụ cần giải quyết sớm vì sự an toàn và hiệu quả.
- Vấn đề xã hội hóa: Các văn bản pháp luật quy định về xã hội hóa trong ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, đặc biệt là về xã hội hóa đầu tư, khai thác các CHK, SB còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch, rõ ràng. Vì vậy, cần gấp rút để tháo gỡ mạnh mẽ, có phương án cụ thể, có hướng dẫn chi tiết cho việc xã hội hóa rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội.
- Đổi mới tổ chức quản lý và cơ chế hoạt động của Ngành từ vĩ mô đến vi mô phù hợp với hoàn cảnh mới, nhất là theo hướng phù hợp với nền công nghiệp 4.0; cần lưu ý có những chủ trương, chính sách của Nhà nước để hình thành và phát triển những cơ sở nghiên cứu - đào tạo - sản xuất thông minh làm “đầu tàu” bứt phá cho sự ra đời một nền công nghiệp hàng không thông minh trong thế kỷ 21.
Cho đến thời điểm hiện tại, toàn ngành HKVN đang thiếu một cơ sở nghiên cứu triển khai, tư vấn, phản biện độc lập, đào tạo, huấn luyện và thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ hàng không đủ mạnh để nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng khoa học, công nghệ hàng không tiên tiến, hiện đại. Đây là một lỗ hổng lớn về tổ chức, cần sớm được khắc phục trong thời gian ngắn nhất nếu chúng ta không muốn tụt hậu so với thế giới.
- Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên lựa chọn, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài về hàng không theo chuẩn mực quốc tế bằng phương thức xã hội hóa một cách rộng rãi. Trong giai đoạn trước mắt, Nhà nước cần xem xét đầu tư một vài dự án đào tạo do Nhà nước chủ trì trên cơ sở huy động vốn từ các doanh nghiệp hàng không làm tiền đề nhằm kịp thời lấp lỗ hổng đang ngày càng lớn dần trong bức tranh nguồn nhân lực hàng không chất lượng cao. Về lâu dài, cần thực hiện xã hội hóa một cách rộng rãi theo chiến lược.
* Về lĩnh vực CHK, SB:
- Trước hết, cần thiết phải nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm tiếp nhận và phát triển công nghệ khảo sát, thiết kế, quản lý, xây dựng, khai thác và bảo trì hệ thống CHK, SB trong thời kỳ công nghệ 4.0 một cách đồng bộ theo lộ trình chủ động. Đồng thời, cần nhanh chóng có nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho quy hoạch hệ thống CHK, SB giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Khẩn trương nghiên cứu đổi mới tổ chức, cơ chế, chính sách quản lý, đầu tư, khai thác CHK, SB cho phù hợp với tình hình mới của Việt Nam và tương thích với quốc tế theo phương thức xã hội hóa. Không thể điều hành, quản lý các dự án lớn, đặc biệt quan trọng bằng tổ chức và cơ chế quản lý đã cũ (cần thực hiện đổi mới theo tinh thần: “Không có việc gì là không có thể”).
- Cần cho nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các thông tư, nghị định, quyết định văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, minh bạch, đầy đủ và kịp thời cho việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội hóa đầu tư, khai thác mạng CHK, SB theo chức năng, không gian, thời gian… trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi hài hòa, hợp lý, minh bạch giữa nhiệm vụ kinh tế và an ninh - quốc phòng, nâng cao lòng tin nhà đầu tư.
* Về lĩnh vực quản lý bay:
- Các dịch vụ quản lý bay phải tiếp tục nhanh chóng rà soát và hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO, đồng thời phải tương thích, hài hòa, phù hợp với các các ngành liên quan trong nước, đặc biệt là đối với không quân trong quản lý vùng trời và mặt đất dùng chung cũng như sự kết nối chặt chẽ, liên hoàn với các phương tiện giao thông khác (đảm bảo linh hoạt để ứng phó những bất thường có thể xảy ra).
- Phải nghiêm túc, khẩn trương tìm cách khắc phục ngay các nội dung mà HKVN chưa làm theo kịp kế hoạch không vận toàn cầu do ICAO đã đưa ra.
* Về lĩnh vực vận tải hàng không (các đội bay):
- Hiện nay, HKVN có 5 hãng vận tải hàng không đang hoạt động với hơn 200 tàu bay và khoảng 5 hãng khác đang chuẩn bị làm thủ tục ra đời. Do đó, rất cần các dự báo có căn cứ khoa học và thực tiễn về đội tàu bay của toàn ngành cho từng giai đoạn sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế với sự cân đối hài hòa về chủng loại tàu bay và cấp phép bay trong toàn quốc một cách hợp lý, công bằng, công khai nhằm tích hợp được sức mạnh của toàn ngành về lĩnh vực vận tải hàng không, tăng năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
- Cần đổi mới hệ thống trang thiết bị hiện đại, thông minh trong nhiệm vụ quản lý điều hành của các hãng để công tác điều hành, quản lý thường xuyên, trực tiếp phòng, chống tình trạng chậm, hủy chuyến bay cho từng hãng và trong toàn Ngành.
- Xây dựng nền công nghiệp phụ trợ hàng không tương thích với tiềm năng và khả năng thực tế mua sắm tàu bay của HKVN trong thời kỳ mới. Đây là điểm xuất phát đầy tiềm năng hiện thực, hứa hẹn xây dựng, phát triển lớn một nền công nghiệp phụ trợ hàng không thông minh, lớn mạnh, hiệu quả, tạo ra hàng vạn công ăn việc làm kỹ thuật công nghệ cao về hàng không trong thế kỷ 21.
* Về lĩnh vực dịch vụ hàng không:
- Cần phải tiến hành quy hoạch tổng thể và từng bước theo chi tiết toàn bộ hệ thống dịch vụ hàng không và đưa ra các nhiệm vụ cụ thể để huy động các nguồn lực cho phát triển các dịch vụ hàng không từ các nguồn lực xã hội hóa trong toàn quốc và trong chuỗi hoạt động dịch vụ hàng không toàn cầu.
- Mở rộng thị trường dịch vụ hàng không: Phải mở rộng và liên kết chặt chẽ với các ngành trong nước, với toàn khu vực và thế giới từ miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long đến nơi xa xôi như Paris, London, New York... Sản phẩm dịch vụ hàng không sẽ phải đạt chuẩn quốc tế và phải được nằm trong chuỗi dịch vụ hàng không liên quốc gia nhằm mang lại giá trị kinh tế cao và có năng lực cạnh tranh lớn.
Như vậy, đã đến lúc cần phải bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện lại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, các văn bản dưới luật, các qui trình qui phạm, các tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật để làm căn cứ cho việc xây dựng các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch... Tiếp đó, cần cải tiến tổ chức, cơ chế hoạt động của toàn Ngành cho phù hợp với hoàn cảnh mới; có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa hàng không dân dụng Việt Nam với quân sự, với các ngành khác liên quan trong nước và tương thích với thế giới..., hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững cho mục tiêu: An toàn, điều hòa và hiệu quả!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.