Cần kiểm soát việc thu phí tại 2 trạm BOT ở Đồng Nai

Giao thông 24h 26/04/2018 10:03

Dự án BOT tuyến tránh Biên Hòa (Đồng Nai) này gồm 2 giai đoạn, gồm nâng cấp, cải tạo nền, mặt đường của đoạn QL1 có chiều dài 10,7km.

 

c8c3d375-2ff5-43af-8ac6-8efb9affde6f
Trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa thời điểm tài xế phản ứng việc thu phí gây mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông.

Giai đoạn 2 chủ đầu tư xây dựng mới tuyến tránh TP Biên Hòa, kéo dài 12,2km từ  QL1 đến QL 51. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là 1.506 tỷ đồng, thời gian thu phí kéo dài 10 năm 2 tháng. Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận, mức đầu tư cho giai đoạn một chỉ có hơn 200 tỷ đồng; phần còn lại được đầu tư cho giai đoạn hai, trong đó có hơn 400 tỷ đồng dành cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng và làm tuyến tránh TP Biên Hòa.

Ngày 6-7-2014, trạm thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến QL1 đoạn tránh TP Biên Hòa theo hình thức BOT đã chính thức đi vào hoạt động. Thời điểm đó, giá vé thấp nhất với loại xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới hai tấn; các loại xe buýt vận tải công cộng là 20.000 đồng/lượt.

Sau hơn 2 năm, ngày 15-12-2016 việc thu phí qua trạm BOT này được phép thay đổi theo quy định của Bộ Tài chính. Giá thu mới được áp dụng gồm 5 mức, thấp nhất là 35.000 đồng/lượt và cao nhất là các loại xe tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet là 180.000 đồng/lượt. Việc thay nâng giá phí qua trạm đã mang lại mức doanh thu “khủng” cho trạm BOT tuyến tránh TP Biên Hòa và gây ra phản ứng của tài xế sau đó.

Theo báo cáo về lưu lượng xe qua trạm thu phí QL1 km 1842 + 912 của chính Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận, thì chỉ trong tháng 7-2017 đã có 457.615 lượt xe các loại. Trong đó, lưu lượng xe nhiều nhất vào ngày 14-7 đạt 15.745 lượt và thấp nhất là ngày 23-7 cũng ở mức 13.234 lượt.

Lượng xe qua trạm này nhân với giá phí được áp dụng, trong tháng đó trạm BOT Biên Hòa đã thu về khoảng 30 tỷ đồng; một năm có thể thu về tới 360 tỷ đồng. Đồng thời, nếu mức giá mới trên được tính ổn định đến hết thời gian được phép hoạt động còn lại của trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa là 92 tháng, chủ đầu tư có thể thu về khoảng 2.760 tỷ đồng. Cộng với số tiền 30 tháng đã thu theo giá cũ, ít nhất chủ đầu tư đã có thể thu về hơn 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, dự án BOT này đã thu về gấp hơn 2 lần mức vốn đầu tư bỏ ra sau 10 năm. Sau nhiều lần phản ứng của người trả phí, chủ đầu tư đã phải giảm 20% phí, song khoản lãi thu được từ dự án BOT này vẫn còn ở mức không hề nhỏ. Nhất là khi theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, lưu lượng phương tiện trên đường vẫn đang tăng nhanh từng tháng, từng năm theo đà tăng về số lượng ôtô và đà tăng trưởng về giao thương kinh tế - xã hội giữa các vùng miền.   

Được phép thu lãi khủng hơn phải kể đến dự án BOT đường chuyên dùng vận chuyển VLXD tại mỏ đá ở xã Phước Tân và xã Tam Phước, TP Biên Hòa. Tính toán của các DN vận tải và các chủ mỏ khai thác đá tại đây cho thấy, với mức giá và thời gian thu phí đã được tỉnh Đồng Nai cho phép, chủ dự án là công ty CP đầu tư BOT An Thuận Phát (DN liên doanh giữa Công ty CP đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO và HTX An Phát) đã có thể ung dung thu về gần 3.300 tỷ đồng trong khi vốn Đầu tư chỉ vỏn vẹn hơn 130 tỷ đồng.

Theo phản ánh của đại diện một DN đang đầu tư khai thác, vận chuyển VLXD tại đây, cao điểm nhất, số lượng xe của một mình DN này ra vào hằng ngày trên đường chuyên dùng đã lên đến hơn 1.000 lượt. Đem nhân với giá phí thấp nhất của các loại xe vận tải là 80.000 đồng/lượt, thì ít nhất một ngày DN này phải chi trả khoản tiền phí lên đến hơn 80 triệu đồng. Chưa hết, khi chủ đầu tư được phép áp dụng giá phí trong giai đoạn 2 ở mức 120.000 đồng/lượt, số tiền DN phải chi trả sẽ bị đẩy lên mức 120 triệu đồng/ngày.

Bức xúc trước việc có thể bị chủ đầu tư “bóp cổ” tiền phí, ngày 8-9-2017 một loạt DN đầu tư khai thác, kinh doanh tại mỏ đá, liên quan trực tiếp đến tuyến đường này đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sở, ngành liên quan của Đồng Nai.

Trong đó phía DN cho rằng, việc cho phép thu phí như vậy là không phù hợp, không đúng với thực tế. Bởi việc đầu tư tuyến đường chuyên dùng này chỉ để phục vụ riêng cho việc vận chuyển VLXD của các mỏ đá, nhưng các DN hoạt động trong khu mỏ rơi vào tình thế hoàn toàn bị áp đặt; không hề biết gì về việc đầu tư, mức phí sẽ thu cũng như thời gian thu phí…

Liên quan đến dự án BOT tuyến đường chuyên dụng này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và xác định: Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản chấp thuận hỗ trợ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án BOT đường chuyên dùng cho HTX An Phát do chồng bà Thanh là người đại diện pháp luật nhưng không thông qua tập thể UBND tỉnh; chưa báo cáo Thường trực HĐND tỉnh; vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư… vì vậy, đến thời điểm này dự án BOT đường chuyên dụng vào khu mỏ đá vẫn phải tạm dừng việc thu phí.

Thời gian qua, dự án BOT tuyến tránh Biên Hòa nhiều lần bị tài xế phản ứng gây tê liệt giao thông trên tuyến QL1; dự án BOT đường chuyên dụng cũng nhiều lần bị người dân chặn đường để phản đối tình trạng có đường chuyên dụng, xe chở đá vẫn chạy vào đường dân sinh gây bất ổn tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Do đó tổng mức đầu tư, số vốn được phép thu đối với 2 trạm BOT trên cần phải tiếp tục được tỉnh Đồng Nai kiểm soát một cách rõ ràng, minh bạch. Với những trạm BOT gây bất ổn này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần cho lắp đặt ngay hệ thống thu phí không dừng để kiểm soát doanh thu của chủ đầu tư, từ đó làm cơ sở buộc chủ đầu tư giảm phí hoặc giảm thời gian thu phí.

Cần tập trung loại bỏ chi phí bất hợp lý của các trạm BOT

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ GTVT tại cuộc họp về rà soát các dự án BOT và một số phương án, biện pháp triển khai chủ trương này trong thời gian tới.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng, xã hội hóa nguồn lực trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp là điều cần thiết, là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và thời gian qua, đã cơ bản được triển khai tốt.

Đánh giá cao con số giảm 20% tổng mức đầu tư được duyệt đối với các dự án BOT sau khi thanh tra, kiểm toán, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch trong triển khai dự án BOT. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 82 của Thủ tướng về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT, trong đó xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội, gây ùn tắc giao thông. Cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấu hiểu và ủng hộ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa này.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng nhất trí với lộ trình chuyển sang thu phí tự động không dừng như báo cáo của Bộ GTVT, trong đó, khuyến khích các trạm BOT nhanh chóng chuyển sang loại hình này.

Bộ GTVT sớm công bố lộ trình cho người dân, doanh nghiệp biết, giám sát. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đấu thầu công khai để chọn đơn vị cung cấp công nghệ; công khai, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình lưu thông; bảo mật thông tin của người sử dụng phương tiện. Về mức thu tại các trạm không dừng, Bộ GTVT làm việc cụ thể với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để công bố mức phí hợp lý, phù hợp với tình hình hiện nay. (Đặng Nhật)

Ý kiến của bạn

Bình luận