Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: Giảm tổng mức từ 47 nghìn tỷ xuống 22 nghìn tỷ

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Đường bộ 18/01/2023 10:48

Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh hiện còn gặp nhiều khó khăn cần Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm tháo gỡ để đẩy nhanh việc thực hiện dự án.


Cần làm gì để đẩy nhanh xây dựng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh? - Ảnh 1.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 121km, tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với phương án ban đầu

Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh vừa được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư là một bước tiến rất lớn ghi nhận những nỗ lực có hiệu quả của Tập đoàn Đèo Cả cùng địa phương đề xuất dự án, nhưng hiện tại còn gặp nhiều khó khăn mà doanh nghiệp này mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương sớm tháo gỡ để đẩy nhanh việc thực hiện dự án.

Tại buổi báo cáo tại hiện trường khi Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát sáng 16/1/2023, đồng thời trả lời báo chí sau buổi báo cáo ông Ngọ Trường Nam - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn nhưng lưu lượng thấp, mặc dù đã tiết giảm hơn 50%, từ 47 nghìn tỷ đồng xuống còn khoảng 22 nghìn tỷ đồng (khi tối ưu hóa hướng tuyến rút ngắn chiều dài gần 30km, áp dụng công nghệ khoan hầm xuyên núi, cầu cạn vượt thung lũng…). 

Đó vẫn là tổng mức đầu tư lớn trong khi dự án áp dụng theo Luật PPP, vốn Ngân sách nhà nước chỉ được tham gia tối đa 50%. Trong thực tế tại một số dự án triển khai trước khi có Luật PPP, phần vốn nhà nước tham gia trên 50%, thời gian thu hồi vốn ngắn (chỉ 16 đến 17 năm) như Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết,… nhưng vẫn không thực hiện được phải chuyển sang đầu tư công.

Khó khăn tiếp theo đó là thủ tục đầu tư kéo dài hơn 4 năm qua kèm theo nhiều thay đổi. Thời điểm đề xuất dự án, các điều kiện tài chính, cổ phiếu, trái phiếu, tín dụng, bất động sản thuận lợi, các nhà đầu tư khác đã rất tích cực nhưng với bối cảnh hiện nay họ đều không có khả năng tham gia.

Cần làm gì để đẩy nhanh xây dựng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh? - Ảnh 2.

Phối cảnh hầm Bản Giốc trên tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Ông Ngọ Trường Nam cho rằng, để kết nối toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cao Bằng đến Cà Mau thì cần hoàn thành cả tuyến Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng. Tuy nhiên, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng đang vướng mắc khi HĐND tỉnh Lạng Sơn chỉ thống nhất chia sẻ doanh thu tăng.

"Chúng tôi bằng kinh nghiệm, áp dụng công nghệ tiên tiến, khấu hao máy móc, tổ chức quản trị và tối ưu sản xuất, tích lũy các nguồn lực để đảm bảo bù đắp cho phần vốn chủ sở hữu với một quyết tâm cao nhất", ông Ngọ Trường Nam phát biểu.

Để tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện dự án, Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hội đồng thẩm định liên ngành phối hợp với tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư sớm thẩm định để phê duyệt dự án đầu tư, đồng thời hỗ trợ phần vốn ngân sách trung ương thực hiện tuyến kết nối cao tốc với thành phố Cao Bằng và xem xét thực hiện giai đoạn 2 của dự án theo hình thức đầu tư công.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn sớm phê duyệt dự án Hữu Nghị - Chi Lăng, áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu theo quy định của luật PPP tương tự như dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Cần làm gì để đẩy nhanh xây dựng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh? - Ảnh 3.

Hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Đối với tỉnh Cao Bằng và các bộ, ngành liên quan, Đèo Cả kiến nghị bố trí đủ, kịp thời phần vốn ngân sách nhà nước đã cam kết. Tỉnh Cao Bằng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh Luật PPP (điều khoản quy định tỷ lệ phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia áp dụng cho dự án vùng sâu vùng xa, an ninh quốc phòng).

"Chúng tôi mong muốn được tháo gỡ kịp thời để hoàn thành dự án như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, mong muốn của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng", ông Ngọ Trường Nam cho biết.

Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ qua thời kỳ. Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng trong 2 ngày 22 và 23/4/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương để xây dựng và phát triển đô thị; sử dụng nhiều nguồn vốn để nhanh chóng triển khai dự án đường bộ cao tốc Lạng Sơn – Cao Bằng…".

Cần làm gì để đẩy nhanh xây dựng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh? - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra hiện trường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 4/5/2022 về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức đối tác công tư, chiều ngày 18/5/2022, các bên gồm cơ quan nhà nước nhà nước có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án gồm đại diện liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án, ngân hàng cấp tín dụng đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án tuyến đường cao này theo hình thức đối tác công tư.

Theo đó, các ngân hàng VPBank đã thống nhất tài trợ cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh 4.366 tỷ đồng. Dự án Hữu Nghị - Chi Lăng cũng được ngân hàng TP.Bank cam kết thu xếp tài trợ 3.511 tỷ đồng. Tỉnh Cao Bằng cắt bỏ các dự án đầu tư công khác để tập trung bổ sung đầu tư 4.080 tỷ đồng cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Tỉnh Lạng Sơn thống nhất tăng phần góp của ngân sách địa phương từ 1.000 lên 2.500 tỷ đồng cho dự án Hữu Nghị - Chi Lăng.


Ý kiến của bạn

Bình luận