Cần nâng cao ý thức người dân về pháp luật phòng, chống thiên tai

An toàn giao thông 28/04/2015 17:43

Tại kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật Phòng, chống thiên tai. Luật phòng, chống thiên tai, quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.


Dưới đây, Tạp chí GTVT tiếp tục giới thiệu tóm tắt những điểm mới của Luật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hoạt động phòng, chống thiên tai

Phần này gồm 3 mục, từ Mục 1 đến Mục 3, với 21 điều, từ Điều 13 đến Điều 33, quy định hoạt động phòng, chống thiên tai theo chu trình gồm ba giai đoạn: Phòng ngừa thiên tai; ứng phó thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.

- Mục 1: Phòng ngừa thiên tai (gồm 11 điều, từ Điều 13 đến Điều 23), quy định các nội dung:

Quy định về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và cơ sở để xây dựng chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, cấp bộ và các cấp địa phương; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội.

Quy định các nội dung về xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai.

Quy định nội dung về cấp độ rủi ro thiên tai: Rủi ro thiên tai được phân thành các cấp độ. Cấp độ rủi ro thiên tai là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Quy định các tiêu chí để phân cấp độ và giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai.

Quy định về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế – xã hội; nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn và công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai phải đảm bảo an toàn trước thiên tai, đồng thời không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai.

Quy định về thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai bằng nhiều hình thức, phương tiện, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai của tổ chức, cá nhân, trong đó nhấn mạnh quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và cộng đồng dân cư; quy định việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng nhiều hình thức phù hợp với các nhóm đối tượng trong cộng đồng.

Xây dựng phương án ứng phó thiên tai và chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trong mỗi nội dung hoạt động của giai đoạn phòng ngừa, Luật đã giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp để thực hiện.

- Mục 2: Ứng phó thiên tai (gồm 6 điều, từ Điều 24 đến Điều 29), quy định các nội dung:

Quy định về việc phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai, trong đó quy định trách nhiệm của các cơ quan dự báo, cảnh báo để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó thiên tai và sự chủ động phòng tránh của cộng đồng.

Luật cũng quy định việc chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai phải bám sát vào bản tin dự báo, cảnh báo và diễn biến thiên tai xảy ra trên thực tế. Đồng thời, cũng đề ra các biện pháp cơ bản để ứng phó với từng loại thiên tai cụ thể làm cơ sở cho cơ quan chỉ đạo, chỉ huy lựa chọn biện pháp ứng phó phù hợp.

Quy định cụ thể trách nhiệm trong ứng phó thiên tai của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân và ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.

Về thẩm quyền huy động nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai: Luật đã giao chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để phục vụ ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; quy định thẩm quyền huy động của trưởng ban chỉ huy phòng, chống thiên tai của bộ, cơ quan ngang bộ để ứng phó thiên tai trong phạm vi quản lý và hỗ trợ các địa phương; thẩm quyền của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ huy động nguồn lực để hỗ trợ các địa phương, các bộ, ngành ứng phó thiên tai trong trường hợp thiên tai xảy ra nghiêm trọng, phạm vi rộng, vượt quá khả năng ứng phó của địa phương, bộ, cơ quan ngang bộ.

Quy định các nội dung hoạt động và trách nhiệm thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong ứng phó thiên tai của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và lực lượng vũ trang nhân dân cũng như trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải chủ động và tham gia phòng tránh, ứng phó thiên tai.

- Mục 3: Khắc phục hậu quả thiên tai (gồm 4 điều, từ Điều 30 đến Điều 33), quy định:

Xác định các nội dung hoạt động trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai, quy định trách nhiệm thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và của bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của ủy ban nhân dân, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp trong việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai.

Quy định các hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh việc cứu trợ khẩn cấp trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra để ổn định đời sống nhân dân.

Quy định về thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ để khắc phục hậu quả thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp; vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực để cứu trợ, hỗ trợ.

Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong phòng, chống thiên tai

Với 4 điều, từ Điều 34 đến Điều 37, quy định:

Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân: Trong đó quy định hộ gia đình, cá nhân phải có nghĩa vụ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho bản thân và gia đình; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan, người có thẩm quyền; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống thiên tai. Việc đề cao tính chủ động của hộ gia đình, cá nhân là chủ trương xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế;

Quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong phòng, chống thiên tai.

Đặc biệt, Luật cũng đã quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai

Bao gồm 4 điều, từ Điều 38 đến Điều 41.

Việc quy định nội dung hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai đã thể hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong công tác phòng, chống thiên tai, nhằm nội luật hóa các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc là thành viên.

Luật đã quy định các nội dung về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai, bao gồm:

Quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai;

Quy định nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai;

Quy định cơ quan đầu mối và cơ quan có thẩm quyền hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai;

Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai

Phần này gồm 4 điều, từ Điều 42 đến Điều 45, quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai, bao gồm:

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ;

Trách nhiệm quản lý nhà nước của ủy ban nhân dân các cấp;

Quy định về cơ quan chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống thiên tai, trong đó quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; quy định việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các bộ, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Luật cũng đã quy định nội dung về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Hoàng Châu

Ý kiến của bạn

Bình luận