Cần nâng cao ý thức người dân về pháp luật phòng, chống thiên tai

An toàn giao thông 13/04/2015 06:57

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật Phòng, chống thiên tai. Luật Phòng, chống thiên tai gồm 6 Chương, 47 Điều, có hiệu lực thi hành từ 01/5/2014, quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai.


Dưới đây, Tạp chí GTVT trân trọng giới thiệu tóm tắt những điểm mới của Luật Phòng, chống thiên tai.

Huy động tổng lực sức mạnh vào phòng, chống thiên tai

Huy động tổng lực sức mạnh vào phòng, chống thiên tai

Những quy định chung

Phần này bao gồm 12 điều, từ Điều 1 đến Điều 12, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai (ngân sách Nhà nước; quỹ phòng, chống thiên tai; nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai) và các hành vi bị cấm.

Về đối tượng điều chỉnh

Luật đã quy định thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm 19 loại hình thiên tai phổ biến: “Bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần” và các loại thiên tai khác để có căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện cụ thể và linh hoạt khi phát sinh loại thiên tai mới (như núi lửa, thiên thạch rơi…).

Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai

Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả. Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau. Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại hỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển Ngành. Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới. Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và nguồn lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai

Về chính sách

Luật quy định 5 chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai, bao gồm: Có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ. Đào tạo, giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai. Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thường xuyên bị thiên tai; di dời dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, ưu tiên vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đối tượng dễ bị tổn thương. Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động phòng, chống thiên tai. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai. Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai; hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh ở vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phòng, chống thiên tai; chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp cho phòng, chống thiên tai.

Về nguồn nhân lực

Luật đã xác định tổ chức, hộ gia đình và cá nhân là chủ thể, lực lượng tại chỗ trong phòng, chống thiên tai, thể hiện quan điểm xã hội hóa trong hoạt động phòng, chống thiên tai, đồng thời xác định quân đội nhân dân, công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Về nguồn tài chính

Nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai bao gồm: Ngân sách nhà nước; quỹ phòng, chống thiên tai và nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân, được quy định như sau: Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai bao gồm ngân sách nhà nước theo dự toán chi hằng năm và dự phòng ngân sách nhà nước. Luật cũng quy định cụ thể nội dung chi, việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước theo dự toán chi hằng năm và việc sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai. Quỹ Phòng, chống thiên tai là quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý. Quỹ Phòng, chống thiên tai không bao gồm ngân sách Nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Nguồn tài chính của Quỹ Phòng, chống thiên tai bao gồm: Đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài tại địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật và các nguồn hợp pháp khác. Luật cũng quy định một số nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ và giao Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, mức đóng góp, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán Quỹ Phòng, chống thiên tai. Nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai dưới các hình thức: Đóng góp vào quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tham gia quyên góp theo quy định của pháp luật và hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai. Luật cũng quy định việc phân bổ, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện được thực hiện theo quy định của pháp luật về quỹ xã hội, quỹ từ thiện và có sự thống nhất của chính quyền địa phương nơi có đối tượng được hỗ trợ.

- Về vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai:

Luật đã quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải có trách nhiệm chuẩn bị để ứng phó với thiên tai, đặc biệt các dự trữ “4 tại chỗ” tại địa phương và cộng đồng.

Về các hành vi bị cấm

Luật quy định 10 hành vi bị cấm trong phòng, chống thiên tai, bao gồm: Lợi dụng thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai gây phương hại đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và lợi ích khác của quốc gia; gây mất trật tự xã hội; xâm hại tài sản của Nhà nước và nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng và thực hiện các hoạt động trái pháp luật khác.

Phá hoại, làm hư hại, cản trở sự vận hành của công trình phòng, chống thiên tai; vận hành hồ chứa thủy lợi, hồ chứa thủy điện, cống, trạm bơm không đúng quy trình được phê duyệt, trừ trường hợp đặc biệt thực hiện theo chỉ đạo của người có thẩm quyền; thực hiện hoạt động làm tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục, đặc biệt là chặt phá rừng phòng hộ, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tạo vật cản, cản trở dòng chảy, khai thác trái phép cát, sỏi, khoáng sản gây sạt lở bờ sông, bờ biển; chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; chống đối, cản trở hoặc không chấp hành quyết định huy động nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó khẩn cấp thiên tai của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; lợi dụng thiên tai đầu cơ nâng giá hàng hóa, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để trục lợi, gây thiệt hại tới đời sống dân sinh; sử dụng sai mục đích, chiếm dụng, làm thất thoát tiền và hàng cứu trợ; cứu trợ không kịp thời, không đúng đối tượng; cố ý đưa tin sai sự thật về thiên tai và hoạt động phòng, chống thiên tai; cố ý báo cáo sai sự thật về thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hoàng Anh

Ý kiến của bạn

Bình luận