Hội thảo tập trung tìm hiểu hiện trạng bảo trì đường tại Việt Nam, kế hoạch dành cho Quỹ đường bộ và các nguồn kinh phí khác dành cho công tác bảo trì thường xuyên, đồng thời tìm hiểu kỹ hơn phương pháp tiếp cận do cộng đồng quản lý trong công tác bảo trì thường xuyên đã thực hiện thí điểm tại Lào Cai thông qua Sở GTVT và Hội Phụ nữ.
Phương pháp tiếp cận dựa vào phụ nữ này cũng phù hợp với cam kết của Việt Nam về phát huy quyền phụ nữ trong tất cả các ngành kinh tế, kể cả trong lĩnh vực GTVT.
Mục tiêu của Hội thảo là tăng cường hiểu biết về cơ chế bảo trì đường nông thôn hiện tại và tiềm năng tại Việt Nam; tăng cường hiểu biết về mô hình bảo trì thường xuyên do cộng đồng quản lý tại Lào Cai và quá trình tiến tới nhân rộng tại Quảng Bình và Thanh Hóa; tăng cường hiểu biết về đào tạo kỹ thuật và các biện pháp bảo đảm chất lượng áp dụng trong mô hình Lào Cai; xác định lộ trình thực hiện bảo trì bền vững tại các tỉnh thành khác.
Trong năm 2010 – 2011, được sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Sở GTVT thí điểm xây dựng chương trình thử nghiệm, vận động phụ nữ tham gia bảo dưỡng đường GTNT, mà nòng cốt là chị em phụ nữ về tự duy tu, bảo dưỡng đường liên thôn, liên xã, đồng thời tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2013, Hội đã có những hoạt động cụ thể như: Tổ chức tập huấn đào tạo về kỹ năng quản lý và nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ HPN, chính quyền, người dân; Tổ chức truyền thông, vận động phụ nữ tham gia giữ gìn, bảo dưỡng đường GTNT tại chi/tổ phụ nữ, cụm thôn/bản; Tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh tại xã điểm; Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát; Xây dựng mô hình “Tổ phụ nữ tự quản đường GTNT”; Tác động làm thay đổi chính sách…
Trong hoạt động phụ nữ tham gia bảo dưỡng đường GTNT, Hội LHPN các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình cũng đã có những thành quả bước đầu, góp phần xây dựng nông thông mới và giải quyết công ăn việc làm cho chị em phụ nữ địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trương Tấn Viên đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi tọa đàm cũng như những kết quả đạt được từ dự án phụ nữ tham gia bảo dưỡng đường GTNT. Thứ trưởng cho rằng: Đây là mô hình rất khả thi, có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao nhận thức đối với dân cư trong việc bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT về công tác bảo trì các tuyến đường giao thông, đặc biệt là đường GTNT.
Bộ GTVT đã phê duyệt chiến lược phát triển GTVT nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định các mục tiêu phát triển GTNT các vùng là phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, mục tiêu trong từng thời kỳ và bảo trì bền vững đường GTNT. Để hoàn thành mục tiêu chiến lược phát triển GTNT Việt Nam phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới sớm thành hiện thực, Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, Vụ Phát triển Quốc tế Anh về mặt tài chính, kinh nghiệm quản lý và vận hành cũng như bảo tồn về quy hoạch phát triển hạ tầng cơ sở giao thông bền vững.
Cẩm Phú
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.