Cần siết chặt quản lý xe có trọng tải từ 10 tấn trở lên

An toàn giao thông 22/05/2016 16:04

Trong năm 2016, cơ quan chức năng sẽ xử phạt xe tải từ 10 tấn trở lên và dưới 10 tấn không có phù hiệu.


tieudiem
Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các xe tải trọng tải lớn

Theo quy định tại Nghị đinh 86 ngày 10/9/2014 của Chính phủ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư 63 ngày 7/1/2014 của Bộ GTVT về tổ chức, quản lý vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, từ năm 2016, rất nhiều địa phương trên cả nước sẽ thực hiện xử phạt đối với phương tiện vận tải hạng nặng từ 10 tấn trở lên và vận tải hạng nhẹ từ 10 tấn trở xuống không có phù hiệu. Các doanh nghiệp, lái xe không chấp hành sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng và tước GPLX 2 tháng.

Chia sẻ với chúng ta về công tác triển khai tại thủ đô Hà Nội hiện nay, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết: Năm 2016, cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra xử lý đối với các phương tiện xe trên 10 tấn phải có phù hiệu xe tải lớn. Từ 1/7/2016 thì chúng tôi sẽ xử lý đối với xe tải nhỏ dưới 10 tấn. Vì vậy, trên cơ sở định hướng năm 2016, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường tuyên truyền, với tinh thần đơn vị nào chưa biết thì phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo đúng quy định nhà nước đề ra.

Nêu quan điểm quy định siết chặt quản lý và xử phạt đối với phương tiện vận tải, cũng như phản ứng của các doanh nghiệp về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp Hội vận tải Thành phố Hà Nội cho biết, ngành vận tải là ngành kinh doanh có điều kiện, cho nên các phương tiện vận tải phải được quản lý chặt chẽ và siết chặt lại.

Ông Bùi Danh Liên cho biết: "Lâu nay chúng ta bỏ một mảng gọi là xe vận tải, trong đó có vận tải hạng nặng 10 tấn trở lên và container. Chúng ta cũng biết rằng tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên đường thì xe tải gây ra rất nhiều, vì vậy phải đưa xe tải hạng nặng vào quản lý theo điều kiện kinh doanh của luật giao thông đường bộ. Khi đó phải tiến hành cấp phù hiệu, khi đó mới biết xe đó ở đâu".

tieudiem1
Ảnh minh họa

Ông Bùi Danh Liên cũng nêu dẫn chứng, thực tế, từ năm 2014, Bộ GTVT đã thành lập một đoàn xuống kiểm tra doanh nghiệp vận tải trên địa bàn HN, trong đó có chọn ra hai đơn vị container thì đơn vị chức năng cấp cơ sở rất lúng túng bởi từ trước đến nay, không ai đến Sở GTVT để đăng ký vận tải cả, họ chỉ đăng ký ở Sở Kế hoạch đầu tư để mua được hóa đơn, để được thanh toán. Bởi vậy việc đưa vào quản lý phương tiện vận tải, trong đó có nhóm phương tiện container, nhóm phương tiện từ 10 tấn trở lên và nhóm phương tiện từ 10 tấn trở xuống theo lộ trình thực hiện cụ thể là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt, khi đưa các nhóm phương tiện vận tải này vào quản lý thì phải kèm theo những điều kiện, tiêu chuẩn quy định cụ thể, tức là doanh nghiệp phải có đầy đủ giấy tờ, bãi đỗ xe, lái xe phải được học, tập huấn an toàn; phương tiện phải được sửa chữa, bão dưỡng định kỳ… Tất cả những cái đó đều vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân và lợi ích của toàn xã hội.

Ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh thêm: "Nếu ai đó còn có thắc mắc cái đó thì bởi vì cái nếp của người ta từ xưa đến giờ không bị quản lý, cho nên khi đưa vào quản lý thì dứt khoát có đơn vị phản ứng. Chúng tôi nghĩ rằng đơn vị kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hàng hóa cần phải nhận thức đúng ngành kinh doanh vận tải của mình là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tài sản của nhân dân, cộng đồng. Rõ ràng phải siết chặt lại để đảm bảo xe chạy an toàn, người lái và phương tiện tốt, phục vụ cho phát triển kinh tế và lợi ích của bản thân doanh nghiệp đó".

Như vậy quy định đã có và đang được triển khai sâu rộng trong đời sống. Việc đưa vào quản lý nhóm xe vận tải thông thường và doanh nghiệp có kinh doanh vận tải trong lĩnh vực đa ngành cũng được đánh giá là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế tối đa vi phạm chở quá tải trọng cho phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân và doanh nghiệp còn bày tỏ băn khoăn, thắc mắc vì sự thiếu thông tin, dẫn đến khó khăn trong quá trình chấp hành đúng quy định. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Sở GTVT các địa phương cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn quy trình thực hiện đến đông đảo doanh nghiệp hơn nữa, để các đơn vị hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện, tránh tâm lý phản ứng, tạo tiền lệ xấu trong hoạt động kinh doanh vận tải ở nước ta trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn

Bình luận