Còn nhớ, từ năm 2009, trước sự “vỡ trận” vì quá tải bến Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội đã yêu cầu dừng bổ sung các phương tiện vào bến này. Mặt khác, Sở cũng nghiên cứu điều chuyển các tuyến một số xe khách tuyến Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh về bến Nước Ngầm hoặc Yên Nghĩa (Hà Đông) theo Quyết định số 1686/SGTVT-QLVT tháng 6/2013.
Gần đây nhất, tháng 5/2016, chính Sở GTVT Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 583/BC-SGTVT trong đó nêu rõ: kiến nghị điều chuyển tuyến Nghệ An (66 lượt xe/ngày), Hà Tĩnh (5 lượt xe/ngày), Gia Lai (1 lượt xe/ngày) và Đắk Lắk (4 lượt xe/ngày) về bến Nước Ngầm trong tháng 7/2016; Đợt 2 (dự kiến tháng 1/2017) tiếp tục điều chuyển thêm các tuyến đi Thanh Hóa (68 lượt xe/ngày), về bến Nước Ngầm. Tuy nhiên, lộ trình trên có lẽ tiếp tục bị “lỡ hẹn”.
Xuyên tâm, đón khách nhiều hơn
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, chủ trương điều chuyển các tuyến từ Mỹ Đình về Nước Ngầm đã có từ năm 2013, tuy nhiên, sau nhiều lần lấy ý kiến các DN vận tải vẫn chưa thống nhất.
Trong khi đó, tại văn bản 6097/CAHN-PV11, ngày 8/12/2015, ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP. Hà Nội nêu rõ: Bến Mỹ Đình đã quá tải, yêu cầu điều chuyển các xe khách đi tuyến QL1 từ phía Nam vào Hà Nội qua cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ, QL5, cao tốc Hà Nội- Hải Phòng và QL18 đi qua cầu Thanh Trì vào Bến xe Nước Ngầm; các tuyến có hướng từ QL1, QL5, đi QL3 theo cầu Đuống, QL39 về bến xe Gia Lâm. Còn bến Yên Nghĩa sẽ tiếp nhận các tuyến có hướng QL6, đường Hồ Chí Minh, đường 70, QL32, Đại lộ Thăng Long.
Thống nhất chủ trương trên, Phó chủ tịch Tp. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở GTVT Hà Nội và đơn vị liên quan thực hiện. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu báo cáo việc thực hiện lộ trình sớm thực hiện việc phân tuyến trên trước ngày 30/5/2016.
Dù đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng từ năm 2013 đến nay, đã qua 3 lần lấy ý kiến DN vận tải, 3 lần họp tại Bộ GTVT, câu chuyện điều chuyển xe khách về đúng luồng tuyến vẫn… “chờ xin ý kiến”.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc điều chuyển chưa thực hiện được là do DN phản đối, vì người dân ít đi bến xe Nước Ngầm do không thuận tiện đường sá.
Để tìm hiểu chân tướng sự việc, PV đã “theo chân” các nhà xe Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh xuất phát từ bến Mỹ Đình. Đáng lý ra, từ lúc xuất bến, các xe phải chạy lên đường vanh đai 3 (trên cao), tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy hầu hết các xe vẫn ngang nhiên đón, trả khách dọc tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến – Pháp Vân. Cung đường từ Bến Mỹ Đình ra đến đường cao tốc Pháp Vân khoảng 8km (trong nội đô), nhưng các xe cố tình “rùa bò” từ nên mất tới 30-40 phút mới ra khỏi Hà Nội. Việc chạy xuyên tâm này giúp nhà xe “lấp đầy” khách hơn, tuy nhiên, lại gây nên những bất cập về an toàn giao thông và ùn tắc tại Thủ đô.
Với việc bắt thêm khách dọc đường này, dễ hiểu vì sao các DN vận tải lại không “khoái” bến Nước Ngầm, khi bến này nằm ngay cửa ngõ phía Nam của Thủ đô. Nếu xe xuất bến từ đây, sẽ chạy thẳng lên cao tốc Pháp Vân. Tuy thuận tiện, nhanh chóng, không ùn tắc, nhưng nhà xe sẽ “mất khoản” khách này.
“Chẳng có lý do gì phải xin ý kiến nữa”
Chỉ rõ những bất cập khi xe khách chạy xuyên tâm thủ đô trên vành đai 3, ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP. Hà Nội cho biết: Trong năm 2015, trên tuyến đã xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông làm chết 32 người, 10 người bị thương (trong đó, có 6 vụ TNGT liên quan đến xe khách làm 6 người chết). Công an Tp. Hà Nội đã lập nhiều biên bản xung quanh khu vực bến xe, đường vành đai 3, đường Phạm Hùng, tuy nhiên, tình trạng xe đón trả khách, chạy xuyên tâm là khá nhức nhối. Vì thế, việc điều chuyển các tuyến xe từ Mỹ Đình về Nước Ngầm và Yên Nghĩa cần sớm thực hiện.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Danh Liên (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội) đánh giá: Đây sẽ là một cú huých với giao thông vận tải hành khách Hà Nội nên chẳng có lý do gì phải xin ý kiến nữa.
Ông Liên khẳng định: Bến xe Mỹ Đình đã quá tải, không chỉ về phương tiện, mà còn không đáp ứng được so với nhu cầu đi lại của nhân dân. Trong khi đó, bến xe Nước Ngầm và các bến xe khác lại có khả năng tiếp nhận xe phù hợp với quy hoạch của Thành phố.
“Hà Nội đã có lịch sử các lần điều chuyển phương tiện từ bến xe Kim Mã chuyển sang Mỹ Đình, từ bến Kim Liên chuyển sang Giáp Bát… Khi chuyển bến, khách sẽ theo nhà xe tìm sang bến mới. Vì thế, ông Liên cũng khuyến cáo các nhà xe không nên lo lắng việc mất khách.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, từ năm 2013, Sở GTVT Hà Nội đã có ý kiến điều chuyển xe khách tại bến Mỹ Đình về Nước Ngầm và Yên Nghĩa, đồng thời, yêu cầu “doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện” – văn bản ghi rõ.
“Việc điều chuyển này là hoàn toàn hợp lý, bởi bến xe Mỹ Đình đang quá tải còn bến xe Nước Ngầm lại thiếu xe. Việc này đã có nhiều cuộc họp, với sự chỉ đạo thống nhất từ Công an Tp. Hà Nội, UBND Tp.Hà Nội, vì thế, nên cần sớm triển khai thực hiện”, ông Thanh nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.