Đề án nêu rõ cần tăng cường tỷ lệ đảm nhận của VTHKCC bằng xe buýt tại TP. Cần Thơ đến năm 2020 đạt từ 5 - 10%; phát triển VTHKCC bằng xe buýt theo hướng cung cấp dịch vụ xe buýt thuận tiện, phù hợp với nhu cầu đi lại của đa số người dân (bao gồm số lượt xe buýt chạy trong ngày, thời gian mở tuyến và đóng tuyến, bố trí điểm dừng, đón, trả khách phù hợp, phát hành các loại vé đi xe buýt thuận tiện sử dụng) để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết UTGT khi đô thị ngày càng phát triển.
Đề án này cũng khẳng định, phát triển mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đồng bộ, hợp lý, bảo đảm thuận lợi cho việc đi lại của người dân theo hướng phát triển tuyến xe buýt đến trung tâm các quận, huyện, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng phương tiện VTHKCC bằng xe buýt, bảo đảm đầu tư phương tiện phù hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, Sở GTVT và các ngành chức năng có liên quan tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Quyết định về cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn tại tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư phương tiện, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TP. Cần Thơ; tổ chức thanh toán chi phí hỗ trợ trực tiếp lãi suất vay đầu tư phương tiện và kết cấu hạ tầng phục vụ VTHKCC bằng xe buýt cho các doanh nghiệp đủ hồ sơ theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế từ khi Đề án được phê duyệt đến nay đã gần 8 tháng nhưng VTHKCC của TP. Cần Thơ vẫn trong tình trạng “neo đơn”. Tại Bến xe Cần Thơ trên đường Nguyễn Văn Linh, xe buýt vẫn ra vào lộn xộn, giờ xuất bến không chính xác. Thêm vào đó, các phương tiện cũ kỹ, trên xe buýt chất đầy hàng hóa khó truy xuất nguồn gốc.
Có mặt tại khu vực sáng ngày 3/3, chúng tôi đã mục sở thị một chiếc xe buýt mang BKS 65B-005.22 từ Bến xe Cần Thơ đi Bến xe Vĩnh Long. Giá vé của toàn tuyến được niêm yết trên xe là 23.000 đồng, đi dưới 5km là 5.000 đồng và đi từ 5km đến 23km là 12.000 đồng. Khi bước vào bên trong xe buýt, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chất lượng quá tồi tàn. Ghế ngồi cũ kỹ, da bọc ghế rách nát, phần điều khiển không đảm bảo an toàn. Khi xe chạy với tốc độ cao, các cửa sổ được mở toang, khói bụi ngập ngụa trong khoang xe. Loại xe này được sản xuất đã lâu, dường như chỉ xuất hiện ở những vùng cao, vùng khó khăn. Tuy nhiên, những chiếc xe như thế này vẫn hiện hữu trong một thành phố năng động bậc nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hàng ngày, nó vẫn chuyên chở biết bao hành khách, đặc biệt là khách du lịch đến với Cần Thơ. Hình ảnh này thực sự là “vật cản” đối với du lịch Cần Thơ.
Một nội dung khác được đề cập trong Đề án là việc hình thành Trung tâm Quản lý và Điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng TP. Cần Thơ trực thuộc Sở GTVT TP. Cần Thơ. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên trên cơ sở tách chức năng quản lý, giám sát và điều hành với chức năng kinh doanh dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt từ Ban Quản lý và Điều hành VTHKCC trực thuộc Sở GTVT TP. Cần Thơ, nhằm đảm bảo hiệu quả và khách quan trong công tác quản lý, điều hành và trợ giá cho hoạt động VTHKCC bằng xe buýt.
Trung tâm này có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở GTVT trong công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thành phố; quản lý kinh phí trợ giá; tổ chức và điều hành hoạt động VTHKCC; quản lý, điều phối, hướng dẫn và kiểm tra giám sát hoạt động khai thác, chất lượng phục vụ; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động VTHKCC.
Như vậy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan đều đã được nêu rõ, thế nhưng không hiểu sao vấn đề phát triển xe buýt của địa phương này vẫn rất yếu kém, không xứng tầm với một thành phố trực thuộc Trung ương
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.