Chở quá tải tiềm ẩn tai nạn giao thông
Ngày 19/8, Cảng vụ Đường thuỷ Nội địa Khu vực III (Cảng vụ 3) tổ chức Hội nghị tuyên truyền và phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, chống quá tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến trên tuyến sông Đồng Nai. 20 chủ doanh nghiệp cảng, bến thuỷ nội địa đã tham dự.
Ông Phạm Văn Hiệp – Phó Giám đốc Cảng vụ 3 cho biết, sông Đồng Nai có tổng chiều dài 106,4km đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Đây là tuyến sông lớn, có mật độ phương tiện tham gia vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ phát triển, phù hợp để khai thác vận tải thuỷ, 90% đoạn sông có độ sâu đảm bảo phương tiện thuỷ nội địa trọng tải 700 tấn lưu thông an toàn. Hoạt động vận tải thuỷ trên tuyến sông Đồng Nai phát triển mạnh do các doanh nghiệp vận tải, khai thác cảng, bến trong khu vực đã tận dụng ưu thế của vận tải đường thuỷ như: vận chuyển được khối lượng hàng hoá lớn, chi phí vận tải thấp… để vận chuyển hàng hoá từ khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai đi các khu vực trong cả nước, góp phần vào dự phát triển kinh tế của khu vực Đông Nam Bộ.
Theo ông Hiệp, bên cạnh sự phát triển và thuận lợi về giao thông đường thuỷ trên tuyến sông Đồng Nai, vẫn còn những tồn tại bất cập và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như phương tiện vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên còn thiếu hoặc không đầy đủ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ an toàn cơ bản theo quy định… Đặc biệt là vi phạm chở hàng hoá quá mớn nước phương tiện theo quy định.
Đồng quan điểm, ông Võ Văn Lớp – Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương cho biết, tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến sông Đồng Nai qua địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm quy định pháp luật về đường thuỷ nội địa diễn ra phổ biến như: điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông, người điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn. Nguy hiểm hơn, một số người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện vì lợi ích trước mắt mà bất chấp pháp luật, biết vi phạm nhưng vẫn cố tình vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, chở quá sức chở của phương tiện hoặc trang bị không đủ thiết bị an toàn trên phương tiện.
"Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với Cảng vụ đường thuỷ nội địa xử lý nghiêm các trường hợp xếp dỡ hàng hoá không đúng quy định tại cảng, bến thuỷ nội địa. Đồng thời, hướng dẫn và tổ chức cho các chủ phương tiện thô sơ, phương tiện thuỷ loại nhỏ chấp hành các quy định khi tham gia giao thông. Ngoài ra, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa", ông Lớp nhấn mạnh.
Kiểm soát xử lý quá tải tận gốc
Nêu ý kiến tại hội nghị, đại diện Bến thuỷ nội địa Bảo Thy cho rằng, việc chở hàng quá tải trọng cho phép là một trong những nguyên nhân chủ yếu tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông đường thuỷ. Đơn vị đã nhận thức rõ ràng vấn đề này bởi vì trên tuyến sông Đồng Nai từ thượng lưu đi miền Tây Nam Bộ có khá nhiều các công trình đường thuỷ quan trọng, nếu xảy ra tai nạn giao thông thì gây thiệt hại về người và tải sản cũng như tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.
Vì vậy, để công tác kiểm tra chống quá tải cho phương tiện ngay tại cảng bến đạt hiệu quả cao, đơn vị đã xây dựng quy trình nội bộ về kiểm soát tải trọng của phương tiện nhận hàng tải bến, triển khai quán triệt đến toàn thể nhân viên bám sát thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vấn đề chống quá tải cho chủ phương tiện, thuyền trưởng tải cảng, bến để có sự đồng thuận.
"Cần phải tiếp tục tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên hơn giữa bến thuỷ nội địa với cảng vụ và các ngành chức năng có liên quan để cho bến thuỷ nội địa nắm bắt kịp thời các văn bản pháp luật mới có liên quan. Đồng thời bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp hiệu quả trong quá trình vận hành cảng bến đảm bảo đúng theo quy định", đại diện Bến thuỷ nội địa Bảo Thy kiến nghị.
Đại diện cảng Thạnh Phước cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thuỷ tại cảng, bến góp phần giúp doanh nghiệp ổn định, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, cảng Thạnh Phước đề nghị Cảng vụ 3 tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động của phương tiện tại cảng, bến thuỷ, giúp cho cảng bến yên tâm về tính pháp lý, an toàn của phương tiện khi tiếp nhận vào bến xếp dỡ hàng hoá.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra làm thủ tục vào, rời cho phương tiện ngay tại văn phòng cảng, bến nhằm giúp giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn của thuyền trưởng không phải di chuyển xa, có thời gian để trông coi và điều động giám sát phương tiện trong quá trình xếp dỡ hàng hoá. Phối hợp chặt chẽ giữa cảng, bến thuỷ nội địa và Cảng vụ 3 trong việc xếp dỡ hàng hoá lên phương tiện thuỷ để xử lý tận gốc tình trạng quá tải, góp phần đưa giá cước vận tải phù hợp với thị trường.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Bùi Công Phước - Giám đốc Cảng vụ 3 cho biết: “Hiện nay, việc các phương tiện chở hàng quá tải trọng vẫn còn xảy ra, khi phát hiện và xử lý phương tiện lưu thông trên luồng còn khó khăn trong việc yêu cầu phương tiện khắc phục bốc dỡ hàng xuống để đảm bảo chở đúng tải. Vì vậy, để giải quyết triệt để việc phương tiện thuỷ chở hàng đúng tải trọng, điều kiện cương quyết là phải kiểm tra, giám sát được việc bốc dỡ hàng hoá tại các cảng, bến thuỷ nội địa; siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát việc quá mớn nước, quá số người quy định ngay tại cảng, bến thuỷ nội địa.
"Thông qua hội nghị tuyên truyền pháp luật, các chủ doanh nghiệp cảng, bến thuỷ nội địa phải hiểu rõ trách nhiệm để phối hợp cùng với Cảng vụ 3 thực hiện bốc dỡ hàng hoá đảm bảo an toàn giao thông, chở đúng tải trọng cho phép của phương tiện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thuỷ cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông với các lỗi như không có giấy phép rời cảng bến, chở quá tải trọng hàng hoá cho phép…", ông Phước nhấn mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 3.938 lượt phương tiện và 1.772,100 tấn hàng hoá thông qua cảng, bến trên tuyến sông Đồng Nai thuộc tỉnh Bình Dương. Đại diện Cảng vụ Bình Dương (Cảng vụ 3) đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp cảng, bến phương tiện vi phạm. Đồng thời lập 112 biên bản yêu cầu cảng, bến phương tiện khắc phục các thiếu sót chưa tới mức vi phạm hành chính.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.