Cảng vụ Hàng hải TPHCM tổ chức tuyên truyền pháp luật và đối thoại với doanh nghiệp

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/08/2022 17:00

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM tổ chức phổ biến tuyên truyền về Dự thảo Nội quy cảng biển thuộc địa phận TP.HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang.


Cảng vụ Hàng hải TPHồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền đối thoại pháp luật với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý nhiều cảng biển thuộc địa phận TP.HCM, Long An và Tiền Giang

Ngày 30/8, Cảng vụ Hàng Hải TP.HCM tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật đối thoại doanh nghiệp và lấy ý kiến chính sửa bổ sung Nội quy cảng biển thuộc địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang.

Hội nghị đã phổ biến Dự thảo Nội quy cảng biển thuộc địa phận TP.HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang thuộc khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải TP.HCM; Thông tư 19/2022/TT-BGTVT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về bảo trì công trình hàng hải có hiệu lực từ 1/10/2022; Thông tư số 20/2022/TT-BGTVT ngày 29/7/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về các biểu mẫu giấy chứng nhận, số an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu biển, ụ nổi, kho chứa nổi, giàn di động, phương tiện thuỷ nội địa và sản phẩm công nghiệp sử dụng cho phương tiện thuỷ nội địa…

Hiện nay Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý với tổng diện tích mặt nước khoảng 822km2 (qua ranh giới địa chính giữa TP.HCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bến Tre và Bà Rịa – Vũng Tàu). Tổng chiều dài các tuyến luồng hàng hải là 281,8km trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Ngã Bảy, Soài Rạp, Sông Dừa, Tắc Dinh Cậu, Đồng Tranh, Gò Gia, Sông Tiền một phần vịnh Gành Rái và cửa Soài Rạp. 

Trong phạm vi vùng nước cảng biển do Cảng vụ Hàng hải TP.HCM quản lý có 47 bến cảng đã được công bố với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 15,88km bao gồm 103 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp đến 60.000 DWT, tàu container đến 50.000 DWT, tàu xăng dầu, LGP có trọng tải đến 49.000 DWT và có thể tiếp nhận tàu tổng hợp đến 60.000 DWT, tàu container đến 50.000 DWT… 79 bến phao buộc tàu có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn nhất đến 150.000 DWT.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu – Giám đốc Dự án Công ty TNHH Vopak Việt Nam trên sông Lòng Tàu nêu bất cập "Theo quy định tàu chạy đêm từ 18h đến 5h sáng hôm sau, như vậy có những trường hợp tàu làm hàng xong mới 16h nếu mà chạy từ sông Lòng Tàu đến phao số 0 Vũng Tàu thì có thể vi phạm giờ tàu chạy đêm. Trong những trường hợp đó sẽ xử lý như thế nào để cho tàu hàng được thuận tiện hơn. 

Thời gian vừa qua đã có 3 sự cố xảy ra ở cầu cảng trên sông Lòng Tàu với nguyên nhân chủ yếu là do tàu chạy quá tốc độ. Khi xảy ra sự cố tàu hoá chất chúng tôi đang bơm hàng lên cầu cảng thì đứt dây neo, gãy cầu đi lên boong tàu rất may mắn chỉ bị hư hỏng tuyến đường ống. Chúng tôi mong muốn Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Đồng Nai giám sát chặt chẽ hơn việc tàu chạy quá tốc độ để hạn chế những vụ tai nạn xảy ra".

Cảng vụ Hàng hải TPHồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền đối thoại pháp luật với doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu – Giám đốc Dự án Công ty TNHH Vopak Việt Nam nêu ý kiến tại hội nghị.

Đại diện Công ty Hoa tiêu Tân Cảng đề xuất cho một số tàu container không giới hạn chiều dài, mớn nước chạy ban đêm (thuỷ triều, luồng lạch ban đêm sẽ an toàn hơn ban ngày). 

Cảng vụ Hàng hải TPHồ Chí Minh tổ chức tuyên truyền đối thoại pháp luật với doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Thành – Trưởng Phòng Hoa tiêu Công ty Hoa tiêu Khu vực 1 đề xuất cần sửa đổi một số quy định hành trình cho phù hợp.

Ông Trần Văn Thành – Trưởng phòng Hoa tiêu Công ty Hoa tiêu Khu vực 1 nêu ý kiến: "Hành trình của tàu thuyền trong vùng nước cảng biển tàu thuyền có GT ≥ 4.000 hạn chế tránh hoặc vượt nhau tại những đoạn luồng hẹp và khúc cua gấp thay bằng GT ≥ 1.000. Đối với tàu thuyền có thời gian hành trình trên luồng 6 giờ thay bằng 8 giờ tổ chức hoa tiêu phải bố trí 2 hoa tiêu có bằng cấp phù hợp để hỗ trợ cho tàu an toàn. Trong trường hợp xảy ra tai nạn hàng hải phải nộp báo cáo chậm nhất trước khi rời tàu nên đổi lại là trong vòng 24h sau khi dời tàu phải nộp…

Trả lời những ý kiến của các doanh nghiệp, ông Ngô Quang Hưng – Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết: "Hành trình tàu chạy ban đêm khó hơn ban ngày, tuy nhiên với mật độ tàu hiện nay nhiều hơn, điều kiện luồng lạch, trình độ hoa tiêu đã được nâng cấp lên rất nhiều do vậy có cơ sở để nâng giờ tàu đêm lên và Cảng vụ sẽ xem xét, tạo điều kiện cho kinh doanh khai thác nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Về ý kiến tàu chạy lấn giờ ban đêm Cảng vụ vẫn hỗ trợ, tạo điều kiện cho tàu chạy bình thường, chỉ những trường hợp có trướng ngại vật trên luồng thì mới yêu cầu dừng chạy".

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Hải Nam – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết: "Hội nghị nhằm tuyên truyền các quy định mới và lắng nghe, giải đáp, hỗ trợ các khó khăn, vướng mắc của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động tại khu vực cảng biển TP.HCM, Long An, Tiền Giang cũng như lấy ý kiến đề xuất chỉnh sửa nội quy của các cảng biển với mục tiêu tiếp tục cải cách hơn nữa thủ tục hành chính, đặc biệt là điện tử hoá các quy định, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động hàng hải".

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM xin ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp để hoàn chỉnh dự thảo nội quy cảng biển để trình Cục hàng hải Việt Nam xem xét phê duyệt trước khi ban hành, ông Nam nhấn mạnh.

Nguồn: sản xuất
Ý kiến của bạn

Bình luận