Theo thông tin của Tạp chí GTVT, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc thực hiện đóng cửa mỏ, hoàn phục môi trường tại các mỏ khoáng sản đã cấp phép khai thác theo "cơ chế đặc thù".
Văn bản do ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký cho biết, thực hiện Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ) và Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 1/4/2023 của Chính phủ thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, UBND tỉnh Bình Thuận đã cấp giấy phép cho 4 nhà thầu được khai thác 6 mỏ khoáng sản đất dăm sạn bồi nền để cung cấp vật liệu đất đắp thi công dự án đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiế.
Cụ thể, 4 nhà thầu được cấp phép khai thác các mỏ khoáng sản gồm: Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C, Tổng Công ty Xây dựng CTGT 8 - CTCP và Công ty Cổ phần Hải Đăng.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, ngày 13/10/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) mời các nhà thầu làm việc liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại 6 khu vực mỏ cấp phép theo "cơ chế đặc thù" nêu trên để cung cấp cho dự án đường cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Theo báo cáo của các nhà thầu tại cuộc họp thì đã khai thác đủ khối lượng vật liệu đất đắp cung cấp cho dự án và không còn nhu cầu khai thác.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ: "Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân là nhà thầu sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ để địa phương quản lý theo quy định của Luật Khoáng sản và pháp luật liên quan".
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản gửi Ban QLDA 7 và các nhà thầu đôn đốc việc thực hiện hoàn phục môi trường, đóng cửa mỏ sau khi khai thác cung cấp đủ khối lượng cho dự án theo Nghị quyết 133/NQ-CP.
Tuy nhiên, Ban QLDA 7 thiếu sự phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương để đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo các văn bản đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trườn; các nhà thầu chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc để địa phương quản lý theo quy định tại Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 (sửa đổi bổ sung tại Nghị quyết 133/NQ-CP ngày 19/10/2021) và Nghị quyết 47/NQ-CP ngày 1/4/2023 của Chính phủ.
Đến nay chỉ có Tổng Công ty Xây dựng CTGT 8 - CTCP nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, 3 nhà thầu còn lại chưa nộp hồ sơ theo yêu cầu.
"UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA 7, các nhà thầu: Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C; Công ty CP Hải Đăng khẩn trương thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, hoàn phục môi trường, trả lại đất để địa phương quản lý theo quy định, hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nêu trên nộp về Trung tâm Hành chính công tỉnh trong tháng 12/2023. Sau thời gian này các nhà thầu chưa nộp hồ sơ, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét, xử lý theo quy định pháp luật", UBND tỉnh Bình Thuận nêu rõ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.