Rác thải nhựa đang là vấn đề khủng hoảng mang tầm cỡ toàn cầu. (Nguồn: Reuters). |
Ngang bằng chiếc thẻ tín dụng
Nghiên cứu được thực hiện tại Trường ĐH Newcastle, Australia cho hay, nguồn cơn khiến cho nhựa thải nhiễm vào hệ tiêu hóa của con người hàng ngày chính là từ nước uống, tuy nhiên một nguồn khác không kém phần quan trọng là các loại sò – loại hải sản phổ biến được con người sử dụng khá thường xuyên.
“Tính từ năm 2000 đến nay, thế giới đã sản xuất ra lượng nhựa ngang với tổng lượng nhựa sản xuất ra trong tất cả các năm trước đó gộp lại. Có tới 1/3 tổng lượng nhựa nói trên bị rò rỉ ra môi trường” – báo cáo mới cho hay.
Cũng theo báo cáo của WWF, một người bình thường hiện nay vô tình hấp thu khoảng 769 hạt nhựa mỗi tuần, từ nguồn nước uống của họ. Ô nhiễm nhựa ngày nay diễn biến khá phức tạp và dựa theo từng vùng, tuy nhiên nó không chừa một khu vực nào trên thế giới.
Ở Mỹ, 94,4% các mẫu nước uống mà chính quyền đem đi xét nghiệm có chứa sợi nhựa, trong đó tỷ lệ nhựa trung bình trong mỗi lít nước là 9,6 sợi. Chất lượng nước uống ở châu Âu thì tốt hơn, trong đó sợi nhựa chỉ có trong khoảng 72,2% tổng lượng mẫu nước được đem đi xét nghiệm.
Nghiên cứu trên được xem là hồi chuông cảnh báo về tác động tiêu cực của ô nhiễm nhựa đang đe dọa nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường mà còn đối với sức khỏe của con người.
Trước đó, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Công nghệ và Khoa học môi trường (Mỹ) cho thấy mỗi người trung bình ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm và hít vào một khối lượng tương tự. Các nhà khoa học còn cảnh báo con số thực có thể còn cao hơn nhiều lần khi chỉ một lượng nhỏ thực phẩm và nước uống được đưa vào phân tích. Theo các nhà khoa học, việc uống nước đóng chai làm gia tăng trầm trọng số lượng hạt vi nhựa mà con người tiêu thụ.
Vấn nạn “ô nhiễm trắng” tại các điểm du lịch nổi tiếng về sự ô nhiễm môi trường tăng lên ở mức báo động. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển.
Nhiều nước cấm sử dụng nhựa
Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, nếu ở ngoài môi trường chất thải nhựa nylon khi đốt sẽ tạo ra khí thải chứa Dioxin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Để đối phó với vấn đề nan giải này, nhiều quốc gia đang dần loại bỏ các túi nhựa sử dụng một lần và rác thải nói chung.
Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Australia cho hay tiêu thụ túi nhựa dùng một lần đã giảm 80% kể từ khi hai chuỗi siêu thị Coles và Woolworths ngưng sử dụng túi nhựa từ tháng 7/2018. Australia cũng đã ban hành luật loại bỏ túi nhựa sử dụng một lần ở mỗi bang và vùng lãnh thổ, trừ New South Wales.
Trước đó, hàng chục quốc gia đã áp lệnh cấm hoặc đánh thuế cao đối với mặt hàng túi ni lông, như Anh, Pháp, Trung Quốc, New Zealand và Hà Lan, ngay cả Kenya (châu Phi) cũng nghiêm khắc nhất đối với việc này khi đặt ra điều luật người vi phạm lệnh cấm có nguy cơ bị xử 4 năm tù hoặc chịu mức phạt hành chính lên tới 39.000 USD.
Vào tháng 10/2018, Nghị viện Châu Âu cũng bỏ phiếu cấm một loạt sản phẩm nhựa sử dụng một lần như ống hút, tăm bông ngoáy tai và dao, nĩa nhựa nhằm hạn chế ô nhiễm đại dương. Một số nước yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi ni lông khi mua hàng…
Tại khu vực Đông Nam Á, năm 2017 Chính phủ Malaysia đã ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm túi ni lông và hộp xốp trong việc mua sắm tại thủ đô Kuala Lumpur, trung tâm hành chính mới Putrajaya và trung tâm thương mại Labuan. Malaysia tuyên bố hướng tới mục tiêu loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2030 và dự kiến sẽ áp mức thuế rất cao đối với túi nilon.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.