Cao tốc Bắc-Nam: Đồng loạt Ban quản lý dự án lập lại tiến độ

Đường bộ 20/03/2022 10:21

Trên đại công trường từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đến Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, các ban QLDA, nhà đầu tư đang rốt ráo chỉ đạo nhà thầu lập lại tiến độ thi công chi tiết, rút ngắn thời gian hoàn thành các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam ít nhất 3 tháng, đặc biệt là các dự án hoàn thành ngay trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45

Đồng lòng rút ngắn tiến độ 3 tháng

Trở lại công trường cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh vào cuối tháng 02/2022 (hơn 3 tuần sau chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính), PV Tạp chí GTVT ghi nhận không khí làm việc khẩn trương, quyết liệt của các nhà thầu tại thực địa. Đón chúng tôi tại nút giao Mai Sơn, khuôn mặt đầy phấn chấn, ông Phạm Nhật Việt - Tư vấn trưởng tư vấn giám sát gói thầu XL10, cao tốc Mai Sơn - QL45 chỉ tay về phía phần cầu vượt Mai Sơn (vị trí tiếp giáp giữa cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - QL45) đang lao lắp những phiến dầm nhịp giữa, hồ hởi nói: “Đây là điểm bắt đầu của cao tốc Mai Sơn - QL45. Tiến độ các hạng mục của gói thầu đang đáp ứng kế hoạch của Ban QLDA Thăng Long”.

Theo ông Việt, gói thầu XL10 dài hơn 15 km nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình do Liên danh nhà thầu Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường - Tập đoàn Sơn Hải đảm nhiệm thi công. Gói thầu được khởi công từ giữa tháng 12/2020. Tính đến cuối tháng 02/2022, sản lượng thi công của gói thầu đạt khoảng 862 tỷ đồng (58% giá trị hợp đồng). Trên tuyến, các nhà thầu đang thi công nền đường và các cầu, hầm, cống chui dân sinh... Hạng mục quan trọng nhất của gói thầu là hầm Tam Điệp đã được đào thông từ đầu tháng 7/2021, hiện đang tiến hành hoàn thiện phần vỏ hầm và lắp đặt thiết bị chuyên dụng trong hầm.

Chất lượng phải đặt lên hàng đầu

Liên quan đến tình hình triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, các dự án đã có nhà thầu, vốn đã bố trí sẵn, nếu các ban QLDA không tập trung tháo gỡ về mặt bằng, không đưa ra giải pháp cắt hợp đồng đối với các nhà thầu vi phạm... chắc chắc dự án sẽ chậm tiến độ. “Các ban QLDA phải tập trung tối đa nhân lực để tháo gỡ các khó khăn. Bộ GTVT không chấp nhận kiểu làm ăn lề mề, dây dưa. Dứt khoát, sắp tới chúng tôi sẽ xử lý nghiêm giám đốc các ban QLDA không hoàn thành nhiệm vụ và thay thế cán bộ trong đội ngũ lãnh đạo của các đơn vị vi phạm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

 

Người đứng đầu ngành GTVT khẳng định, tiến độ các dự án cao tốc Bắc - Nam rất quan trọng, nhưng chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu. “Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần rà soát lại các văn bản QPPL, cần thiết ban hành quy định mới để gắn trách nhiệm của các ban QLDA, nhà thầu, tư vấn... trong quá trình triển khai các dự án, nhất là tại dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ, Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long đã có những giải pháp quyết liệt đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh thi công để rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng. Đối với gói thầu XL10, các nhà thầu Xuân Trường và Sơn Hải đã tăng cường bổ sung ngay thiết bị, máy móc, nhân lực, tiếp tục duy trì tổ chức 3 ca liên tục. Hiện nay, trên công trường đang duy trì 16 mũi thi công, gồm 5 mũi đường, 7 mũi hầm, 2 mũi cấu kiện, 2 mũi hoàn thiện hầm Tam Điệp”, ông Việt nói.

Theo ông Việt, dự kiến trong tháng 3/2022, toàn bộ phần nền đường của gói thầu XL10 sẽ cơ bản hoàn thành. Sau đó, các nhà thầu sẽ chuyển sang thi công phần móng và mặt đường, phấn đấu hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/9/2022, rút ngắn khoảng 3 tháng so với kế hoạch ban đầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.Vượt hầm Tam Điệp, chúng tôi tiến vào các gói thầu XL11, XL12, XL13, XL14 cao tốc Mai Sơn - QL45 trên địa phận tỉnh Thanh Hóa. Sau lớp bùn lầy nhão nhoẹt trên tuyến đường công vụ dẫn vào công trường, xe trượt bánh liên tục, phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được cửa hầm Thung Thi tại gói thầu XL12, nơi Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long đang tổ chức thi công. “Mấy ngày qua mưa liên tục đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác thi công nền đường, do vậy chúng tôi đang tập trung tối đa máy móc, thiết bị, nhân lực để hoàn thiện hạng mục quan trọng nhất của gói thầu này là hầm Thung Thi”, ông Vương Thanh Hà - Phó Chỉ huy trưởng gói thầu XL12 (Tập đoàn Đèo Cả) chia sẻ.

Ông Hà cho biết, hầm Thung Thi dài 680 m, quy mô 6 làn xe, hiện cả 2 ống hầm đều đã đục thông. Theo hợp đồng giữa liên danh nhà thầu và Ban QLDA Thăng Long, gói thầu XL12 sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2022. “Tuy nhiên, khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, chúng tôi đang tăng cường bổ sung thêm nhân lực máy móc, làm 3 ca liên tục để rút ngắn tiến độ hoàn thành gói thầu vào ngày 30/9/2022”, ông Hà nói và cho biết, chỉ tính riêng hầm Thung Thi, nhà thầu đang bố trí 100 nhân sự, 3 máy khoan hầm, 10 ô tô vận chuyển, 4 máy xúc, 4 máy đào để tăng tốc thi công hạ nền và vòm ngược của hầm.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự án dài hơn 63 km (TMĐT: 12.111 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách) đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Dự án được chia thành 5 gói thầu xây lắp (từ XL10 đến XL14), trải qua hơn 1 năm tổ chức thi công, đến cuối tháng 02/2022, sản lượng toàn dự án đạt khoảng 55% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch của Bộ GTVT.

“Kế hoạch ban đầu, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2022. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ theo hướng rút ngắn ít nhất 3 tháng”, ông Long nói.

Empty

Chủ động gỡ khó, đẩy nhanh thi công

Dịch xuống phía Nam, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khác sử dụng vốn ngân sách được triển khai thi công vào tháng 8/2021 là QL45 - Nghi Sơn (dài 43,3 km, TMĐT: 5.534,5 tỷ đồng, nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa) và Nghi Sơn - Diễn Châu (dài 50 km, TMĐT: 7.293 tỷ đồng, đi qua hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An) cũng đang đồng loạt tăng tốc để rút ngắn tiến độ.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc điều hành dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn (Ban QLDA 2) cho biết, dự án có 3 gói thầu xây lắp (XL1 - XL3), sản lượng thi công đến cuối tháng 02/2022 đạt gần 600 tỷ đồng (gần 20% giá trị hợp đồng). Trên công trường, các nhà thầu đang triển khai thi công nền đường, cầu, rải vải địa, cắm bấc thấm tại những đoạn cần xử lý nền đất yếu. Dự kiến, cuối tháng 12/2022, toàn bộ công tác thi công nền đường sẽ hoàn thành, sau đó nhà thầu sẽ chuyển sang thi công phần móng và mặt đường. “Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, chúng tôi đã có văn bản gửi các nhà thầu yêu cầu lập lại tiến độ chi tiết từng gói thầu, rút ngắn tối thiểu 3 tháng so với hợp đồng”, ông Quỳnh chia sẻ. Một số hạng mục trên tuyến chắc chắn sẽ rút ngắn được, nhưng còn một số hạng mục liên quan đến gia tải cần có thời gian nên chưa thể chắc chắn. Ông Quỳnh nói thêm: “Tinh thần là Ban QLDA 2 quyết tâm rút ngắn tiến độ hoàn thành cao tốc QL45 - Nghi Sơn trước 3 tháng so với kế hoạch ban đầu, nhà thầu nào không rút ngắn được chúng tôi yêu cầu sẽ phải có báo cáo giải trình”.

Tại dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, ông Phạm Văn Minh - Phó Giám đốc Ban QLDA 6 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, đến cuối tháng 02/2022, sản lượng thi công dự án đạt gần 20% giá trị hợp đồng. Trên công trường, các nhà thầu đang đồng loạt triển khai 40 mũi thi công với hơn 600 cán bộ kỹ sư, công nhân, 279 đầu máy thiết bị... “Chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu tiếp tục bổ sung thêm máy móc, thiết bị, nhân sự để đẩy nhanh thi công, rút ngắn tiến độ toàn dự án khoảng 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT”, ông Minh chia sẻ.Là dự án thành phần duy nhất đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trên cao tốc Bắc - Nam khu vực Bắc miền Trung sau nhiều tháng đình trệ do thiếu vốn, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt (khởi công tháng 5/2021) cũng đang rốt ráo tổ chức thi công sau khi nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng với các tổ chức ngân hàng hồi giữa tháng 02/2022. Ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó ban điều hành (Ban QLDA 6 - đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cho biết, giá trị sản lượng thi công dự án đến cuối tháng 02/2022 đạt gần 200 tỷ đồng.

“Sau khi nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng, tín hiệu thi công trên công trường đã rất khởi sắc. Theo hợp đồng đã ký, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5/2024. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu nhà đầu tư lập lại tiến độ thi công chi tiết của từng gói thầu, rút ngắn thời gian khoảng 3 tháng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nghĩa chia sẻ.

Tương tự, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 ở khu vực phía Nam cũng đang có sự chuyển biến rõ rệt sau chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT. Thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho thấy, hết tháng 02/2022, đoạn Cam Lộ - La Sơn (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh - đại diện chủ đầu tư) đạt sản lượng 75,1%, tăng khoảng 3,7% so với tháng 01/2022 (dự kiến hoàn thành trước ngày 30/9/2022); dự án PPP cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (nhà đầu tư Tập đoàn Sơn Hải) đạt sản lượng khoảng 17,5%.

Dự án PPP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (nhà đầu tư Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty xây dựng 194) đạt sản lượng 5,8% giá trị hợp đồng; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA 7 - đại diện chủ đầu tư) đạt sản lượng 24,6%, tăng 1,45% so với tháng 01/2022; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (Ban QLDA Thăng Long - đại diện chủ đầu tư) đạt sản lượng 30,66%; cầu Mỹ Thuận 2 (Ban QLDA 7 - đại diện chủ đầu tư) đạt sản lượng 47,3%, tăng 2% so với tháng 01/2022.

Đảm bảo hoàn thành rút ngắn tiến độ những đoạn tuyến thông thường

Đảm nhiệm quản lý hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có quy mô rất lớn, gồm: Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây, ông Dương Viết Roãn - Giám đốc Ban QLDA Thăng Long khẳng định, đối với đoạn Mai Sơn - QL45 chắc chắn sẽ hoàn thành theo kế hoạch ban đầu vào ngày 31/12/2022. Đây là đoạn tuyến có tiến độ thi công tốt nhất trên cao tốc Bắc - Nam hiện nay.

“Để rút ngắn tiến độ ít nhất 3 tháng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, đối với các đoạn nền đường thông thường, chúng tôi sẽ chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành cơ bản trước ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, các đoạn đi qua khu vực nền đất yếu đang thi công dang dở sẽ rất khó thay đổi biện pháp thi công bởi chi phí sẽ đội lên rất nhiều nên dự kiến hoàn thành vào ngày 31/12/2022”, ông Roãn nói.

Liên quan đến dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Roãn cho biết thêm, sản lượng tính đến hết tháng 02/2022 đạt hơn 30%, các khó khăn, vướng mắc về vật liệu đã cơ bản giải quyết xong, tiến độ trong thời gian sắp tới chủ yếu phụ thuộc vào năng lực của các nhà thầu. “Chúng tôi cam kết sẽ tập trung cao độ để đến ngày 30/9/2022 sẽ cơ bản hoàn thành hạng mục lớp bê tông nhựa C12.5 trên toàn tuyến. Các lớp bê tông hoàn thiện, đường gom, đường ngang... sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Thời gian đang rất gấp, cộng thêm các điều kiện bất lợi về dịch bệnh Covid-19, thời tiết... nhưng chắc chắc từ tháng 3/2022, dự án sẽ bứt phá trong thi công”, ông Roãn thể hiện sự quyết tâm.

Thông tin về dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, ông Đinh Công Minh - Giám đốc Ban QLDA 7 cho biết, đến cuối tháng 02/2022, sản lượng đạt gần 25%, tiến độ có nhiều khả quan so với thời gian trước. Hiện nay, Ban QLDA 7 đang đốc thúc các nhà thầu tranh thủ thời tiết đang vào mùa khô để đẩy mạnh thi công. “Chúng tôi đang tập trung giải quyết các vướng mắc về nguồn vật liệu phục vụ thi công. Để hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, Ban QLDA 7 rất cần sự chung tay vào cuộc, hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc cấp phép các mỏ vật liệu để thi công”, ông Minh kiến nghị.

Đề cập đến công tác quản lý chất lượng, ông Lương Văn Long - Giám đốc điều hành dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 khẳng định: “Dù quyết tâm rút ngắn tiến độ 3 tháng nhưng không đồng nghĩa với cắt ngắn quy trình, quy phạm. Mọi khâu thi công tại dự án vẫn phải tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn trong hồ sơ thiết kế, chúng tôi và tư vấn giám sát sẽ kiểm soát chặt chẽ. Để rút ngắn tiến độ buộc các nhà thầu phải bổ sung nhân lực, máy móc, tăng cường các mũi thi công, làm tăng ca tăng kíp, dứt khoát không có chuyện cắt ngắn quy trình, quy phạm”.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Giám đốc điều hành dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng công trình khi rút ngắn tiến độ hoàn thành các gói thầu 3 tháng, Ban QLDA 2 sẽ tiếp tục chỉ đạo tư vấn giám sát tăng cường nhân sự giám sát chặt chẽ nguồn vật liệu đầu vào. Nhà thầu thi công đến đâu, tư vấn giám sát sẽ lấy mẫu thí nghiệm tới đó, hạng mục phải đảm bảo chất lượng mới cho thi công tiếp. “Mọi công đoạn thi công đều phải tuân thủ đúng chỉ dẫn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình”, ông Quỳnh nói.

Về phía tư vấn giám sát, ông Phạm Nhật Việt ví von: “Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, các nhà thầu đang thi công tại gói thầu giống như đang thi chạy tiếp sức, mũi này thi công đến đâu, mũi khác vào thi công ngay tới đó, không có chuyện dừng nghỉ để chờ đợi”. Đề cập đến công tác quản lý chất lượng, ông Việt cho biết nhà thầu tư vấn đã huy động 30 kỹ sư giám sát trên hiện trường, mọi công đoạn thi công đều được bám sát chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các chỉ dẫn chỉ thuật của dự án. “Nhà thầu rút ngắn tiến độ nhưng không được bỏ qua bất cứ khâu nào về quy trình để đảm bảo chất lượng”, ông Việt nói thêm.

Bộ GTVT chỉ đạo kiên quyết dừng hợp đồng nhà thầu không hoàn thành tiến độ cam kết

 

Cuối tháng 02/2022, Bộ GTVT đã phát văn bản yêu cầu Giám đốc các Ban QLDA 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận; Giám đốc các doanh nghiệp dự án: Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo rà soát, xây dựng giải pháp rút ngắn tiến độ các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

 

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA phải khẩn trương rà soát tiến độ hoàn thành các gói thầu và từng dự án thành phần, phấn đấu rút ngắn tiến độ thi công các dự án thành phần (khoảng 3 tháng) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có giải pháp cụ thể đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, tính khả thi, chất lượng và an toàn công trình.

 

Bộ GTVT yêu cầu các ban QLDA cần xây dựng lại tiến độ giải ngân cho từng dự án thành phần phù hợp với tiến độ thi công điều chỉnh. Trường hợp tiến độ thi công rút ngắn ít hơn 3 tháng, các chủ đầu tư/ban QLDA phải có báo cáo giải trình chi tiết, cụ thể cho từng đoạn tuyến, từng gói thầu, từng dự án thành phần.

 

Theo Bộ GTVT, căn cứ tiến độ thi công điều chỉnh, các ban QLDA và các nhà đầu tư kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công của từng nhà thầu tuân thủ quy định hợp đồng; trường hợp nhà thầu chậm tiến độ phải có giải pháp xử lý ngay như: điều chuyển khối lượng giữa các nhà thầu; xử lý vi phạm hợp đồng... Các nhà thầu không hoàn thành hợp đồng theo tiến độ đã cam kết bị xử lý chấm dứt hợp đồng sẽ bị loại trong xét thầu ở các gói thầu tham gia giai đoạn 2021 - 2025.

Ý kiến của bạn

Bình luận