Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập: Chủ đầu tư báo cáo Bộ GTVT thế nào?

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 08/08/2023 15:49

Ban QLDA Thăng Long vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về việc ngập cục bộ trên đường cao tốc phạm vi Km25+419 thuộc gói thầu số 2-XL, dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập, chủ đầu tư nói gì về nguyên nhân? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Theo Ban QLDA Thăng Long, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được tổ chức triển khai thi công cơ bản hoàn thành, trong đó tuyển chính đã hoàn thành, đưa vào khai thác tạm từ 30/4/2023, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, phát huy hiệu quả đầu tư của dự án.

Trong quá trình khai thác tạm đến nay, dự án đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo ATGT, lưu thông thông suốt. Tuy nhiên, rạng sáng ngày 29/7/2023, mặt đường phạm vi công Km25+419 thuộc gói thầu số 2-XL xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ (trên chiều dài khoảng 100m, điểm ngập sâu nhất khoảng 0,7m), gây tắc nghẽn giao thông trên tuyến.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, Ban QLDA Thăng Long đã cùng với đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu thi công phối hợp với các đơn vị liên quan (VEC-E, C08, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận,...) để tiến hành phân luồng giao thông, tổ chức giao thông và sẵn sàng ứng cứu, đảm bảo không gây thiệt hại về người và tài sản.

Đồng thời, Ban QLDA Thăng Long đã yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có mặt tại hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có các đánh giá, đề xuất phương án xử lý.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập, chủ đầu tư nói gì về nguyên nhân? - Ảnh 2.

Điểm ngập sâu nhất là 70cm

Hiện tượng thời tiết bất thường, hàng chục năm không xuất hiện

Thực trạng ngập úng cục bộ theo báo cáo của nhà thầu và tư vấn giám sát, khoảng 4h30 ngày 29/7/2023, tại hiện trường dự án đoạn qua cống Km25+419 đã xảy ra tình trạng ngập nước cục bộ trong phạm vi 100m, điểm ngập sâu nhất khoảng 70cm (tính từ mặt đường) ảnh hưởng đến xe cộ lưu thông trên tuyến. 

Đến 6h30 cùng ngày, nước đã rút và các phương tiện lưu thông bình thường.

Kết quả kiểm tra, đánh giá của tư vấn thiết kế kỹ thuật 533 và Tư vấn giám sát Liên danh Tedi - VJEC, kết quả đo khảo sát cao độ mực nước ngày 30/7/2023 cho thấy: Cao độ mực nước tại của cống Km25+419 phía hạ lưu là 43,334m, cao độ mực nước trên sông Phan tại vị trí dòng chảy tự nhiên hạ lưu cống đổ ra là 42,881m và cao độ mực nước tại cầu sông Phan là 40,196m (chênh cao mực nước rất lớn, trên chiều dài khoảng 1,5km theo chiều dài sông).

Qua kiểm tra hiện trường, tư vấn thiết kế và các bên liên quan đánh giá, hiện tượng ngập úng cục bộ tại phạm vi Km25+369 - Km25+469 nêu trên có nguyên nhân bắt nguồn từ việc nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống Km25+419, dẫn đến nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường, gây ngập úng cục bộ.

Cống Km25+419 thiết kế với khẩu độ (2,5×2,5)m, được bố trí để thoát nước lưu vực từ trái tuyển qua phía phải tuyến và đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan. Rà soát lưu vực thực tế và bảng tính toán thủy văn có thể khẳng định, khẩu độ thiết kế cống (2,5×2,5)m là đáp ứng yêu cầu thoát nước của lưu vực tự nhiên phía trái tuyến cao tốc (phạm vi từ Km25+100 - Km25+900).

Về nguyên nhân nước sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống Km25+419, đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá, khoảng thời gian từ 26 - 29/7/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung, khu vực xã sông Phan và các khu vực lân cận dự án liên tục có mưa lớn và cơn mưa kéo dài, đặc biệt là đêm ngày 28/7, rạng sáng ngày 29/7/2023.

Sông Phan có đặc điểm dòng chảy uốn lượn quanh co, bề rộng không đồng đều, lòng sông có nhiều cây cối với kích thước lớn. Khi xuất hiện mưa bất thường (liên tục, kéo dài), kết hợp lượng nước được xả theo điều tiết của đập sông Phan (tại thời điểm khoảng 10h ngày 30/7/2023, đập sông Phan đang tiến hành xả lũ với lưu lượng 90m3/s - số liệu do đại diện đập sông Phan cung cấp), đã gây dềnh, ngập cục bộ trên nhiều phạm vi nhà và vườn cây thanh long đoạn của người dân cạnh sông Phan (trong đó có đoạn qua hạ lưu cống Km25+419).

Theo phản ảnh của người dân địa phương, đợt mưa và ngập trên nhiều đoạn của sông Phan vừa qua là hiện tượng bất thường, hàng chục năm nay không xuất hiện.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập, chủ đầu tư nói gì về nguyên nhân? - Ảnh 3.

Nước sông Phan dềnh, ngập cục bộ trên nhiều phạm vi

Trước mắt sẽ thanh thải lòng sông Phan

Từ đánh giá nguyên nhân như trên và kết quả khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp trước mắt là khẩn trương thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở,...) phạm vi từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan (Km24+384), qua vị trí cầu khoảng 150m, đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện, tiếp tục xẩy ra gây ngập úng.

Sau khi đập sông Phan đưa vào vận hành, lòng sông đã có những thay đổi nhất định trong quá trình bồi lắng để đạt trạng thái cân bằng tự nhiên.

Mặt khác, dòng sông có hình thái uốn lượn quanh co, khúc khuỷu, mặt cắt lòng sông liên tục thay đổi, giữa lòng sông có nhiều cây cối mọc lên, phát triển lớn,... dẫn đến chế độ thủy văn của sông Phan hiện nay rất phức tạp.

Vì vậy, để có thể khẳng định và có giải pháp xử lý triệt để, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu, tính toán kĩ lưỡng cho cả lưu vực và dòng chảy sông Phan từ hạ lưu đập sông Phan đến đường cao tốc.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị ngập, chủ đầu tư nói gì về nguyên nhân? - Ảnh 4.

Cống thông ngang qua cao tốc tại vị trí ngập

Qua kiểm tra hiện trường và bảo cáo của các bên liên quan, Ban QLDA Thăng Long đánh giá, nguyên nhân gây ra ngập cục bộ mặt đường cao tốc phạm vi Km25+419 là do nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống Km25+419, kết hợp nước từ thượng lưu không thoát được qua cổng, chảy tràn lên mặt đường.

Tư vấn thiết kế mới kiểm tra thực tế và số liệu khảo sát sơ bộ, các nhận định từ dữ liệu khảo sát còn mang tính định tính, chưa so sánh với các số liệu đầu vào khi tính toán thiết kế để tìm ra sự sai khác để có đánh giá nguyên nhân thực sự.

Do đó, giải pháp của tư vấn thiết kế, trước mắt thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở,...) phạm vi từ hạ lưu cống Km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan (Km 24+384), qua vị trí cầu khoảng 150m chưa đảm bảo độ tin cậy, không dự báo được hiệu quả của phương án.

Việc thanh thải về lý thuyết cũng có một tác dụng nhất định trong việc tăng tốc độ lưu thông của dòng chảy trên đoạn thanh thải, tuy nhiên chưa xét đến tác động khi mà cả dòng sông chỉ khơi thông một đoạn ngắn như vậy.

Để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, cũng như để tìm ra nguyên nhân chính xác của việc ngập nước từ đó có giải pháp xử lý triệt để, Ban QLDA Thăng Long sẽ tiếp tục cùng các bên liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán làm cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Ban QLDA Thăng Long cũng yêu cầu tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp (thời gian yêu cầu tư vấn xong trước 20/8/2023)

Đối với giải pháp thanh thải lòng sông, tư vấn thiết kế cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ phương án xử lý, tiếp thu ý kiến nhận xét đánh giá của các bên liên quan để Ban QLDA Thăng Long có cơ sở làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương để triển khai (xong trước 15/8/2023).

Sau khi có kết quả của phương án xử lý triệt để, Ban QLDA Thăng Long sẽ tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan để từ đó có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo không làm phát sinh chi phí của dự án và tuân thủ quy định hiện hành. 

Theo Ban QLDA Thăng Long, về hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt và công tác triển khai thi công, dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 2229 ngày 17/10/2018, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 1470 ngày 31/7/2020; hồ sơ thiết kế kỹ thuật của Gói thầu số 2-XL được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 1489 ngày 4/8/2020.
Quá trình triển khai thi công, nhà thầu đã lập bản vẽ thi công tuân thủ thiết kế kỹ thuật và được Ban QLDA Thăng Long phê duyệt, làm cơ sở triển khai thi công, công tác triển khai thi công tuyến chính đã hoàn thành và được tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và Ban QLDA Thăng Long nghiệm thu theo quy định.
Đơn vị tư vấn cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT - CTCP (TEDI), đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật là Liên danh Công ty CP Tư vấn Trường Sơn - Công ty CP Tư vấn xây dựng 533 - Công ty CP xây dựng VNC (trong đó Tư vấn Trường Sơn là đơn vị đứng đầu liên danh, Tư vấn 533 là đơn vị trực tiếp thiết kế đoạn tuyến khu vực ngập cục bộ).
Đơn vị tư vấn thẩm tra bước cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi là Liên danh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng & Thương mại Thống Nhất và Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, đơn vị tư vấn thẩm tra bước thiết kế kỹ thuật là Liên danh Công ty TNHH Tư vấn và xây dựng Đại học GTVT - Công ty TNHH GTVT.
Về địa hình, thủy văn, Ban QLDA Thăng Long cho biết, khu vực tuyến đi qua và thực tế ngập ủng cục bộ, Ban QLDA Thăng Long cho biết, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật được duyệt, tuyến cao tốc cắt qua sông Phan tại Km24+384 và đi vào khu vực các đối núi thấp dạng bát úp; tuyến (phạm vi bị ngập) đi cách sông Phan khoảng 200m. Thượng lưu sông Phan, cách tuyến cao tốc khoảng 9km (theo chiều dài sông) có công trình đập Sông Phan.
Đường đỏ thiết kế đoạn tuyến Km24-900 - Km25+900 và thiết kế cổng ngang đường tại Km25+419 trên cơ sở kết quả tính toán thủy văn theo quy trình hiện hành với tần suất thiết kế P =1% theo yêu cầu của dự án.
Theo đó, đoạn từ Km24+909 - Km25+437 thiết kế độ dốc dọc -0,8%, đoạn từ Km25+437 - Km25+865 thiết kế độ dốc dọc 2,18%; cao độ đường đỏ tại vị trí cống là 44,47m.
Tại Km25+419 (điểm tụ thủy) bố trí cống hộp có khẩu độ (2,5×2,5)m để thoát nước lưu vực từ trái tuyến qua phía phải tuyến và đổ về dòng chảy tự nhiên dẫn ra sông Phan.