Cấp bách giải “bài toán” thiếu nhân lực hàng không

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Bạn đọc 05/05/2020 08:19

Hàng không là ngành kinh tế - kỹ thuật có sự gắn kết chặt chẽ với khoa học công nghệ hiện đại và hội nhập quốc tế cao. Do đó, công tác đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là thách thức lớn, nhất là đối với các hãng hàng không Việt Nam (HKVN) khi thị trường tăng trưởng "nóng" trong vài năm trở lại đây.

 

unnamed (1)

Các sinh viên của Học viện HKVN trong buổi học thực hành

Nhân lực hàng không: Cung không đủ cầu

Hiện nay, nhân lực hàng không ở Việt Nam chủ yếu mới được đào tạo ở các bậc đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, bồi dưỡng ngắn hạn và huấn luyện thực hành. Đào tạo bậc sau đại học các chuyên ngành hàng không thì ở Việt Nam chưa có, mà phải đào tạo ở nước ngoài. Ngoài Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh có tham gia đào tạo kỹ sư hàng không mang tính hàn lâm thì Học viện HKVN là cơ sở đào tạo nhân lực chuyên ngành hàng không duy nhất từ các bậc đại học, trung cấp nghề và bồi dưỡng ngắn hạn.

Về công tác huấn luyện, để đáp ứng nhiệm vụ, Tổng công ty HKVN, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và một số doanh nghiệp khác trong ngành đều tổ chức các trung tâm huấn luyện. Hiện tại có hai mô hình mà các doanh nghiệp trong ngành đang tuyển dụng rồi đào tạo và huấn luyện. Mô hình 1: Các doanh nghiệp thường tuyển người lao động đã được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chung rồi đào tạo bổ túc kiến thức tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không và sau đó huấn luyện theo nghề nghiệp và công việc mà họ đảm nhận. Mô hình 2: Các doanh nghiệp tuyển người lao động đã được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không rồi huấn luyện theo nghề và công việc mà họ đảm nhận.

Các chuyên gia hàng không nhận định, một số hãng hàng không của Việt Nam thời gian qua có biểu hiện phát triển “nóng” trong khi chưa chuẩn bị các nguồn lực dẫn đến khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật tàu bay... Công tác đào tạo không theo kịp sự phát triển nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay... Hiện cả nước chỉ có duy nhất Trường Phi công Bay Việt (Viet Flight Training) được thành lập năm 2008 nhưng mỗi năm chỉ đào tạo được từ 80 - 100 phi công nên không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, chỉ riêng Vietnam Airlines hiện có gần 1.200 phi công, song nhu cầu của hãng được tính toán trên cơ sở sản lượng bay, số lượng máy bay khai thác đến năm 2020 là 1.340 người... 

Nhu cầu phi công của hãng tiếp tục tăng mạnh và cần đến 1.570 phi công vào năm 2025. Về tổng quan nhân lực ngành HKVN hiện khoảng 44.000 nhân lực, với mức tăng trưởng từ 4 - 5%, dự báo trong giai đoạn 2020 - 2025 ngành sẽ cần trên 58.000 người.

Theo các chuyên gia hàng không, để đào tạo 01 phi công lái chính Airbus A320, A321, hãng hàng không cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản. Với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, việc đào tạo kéo dài tới 7 - 8 năm. Tuy vậy, từ khi thị trường hàng không có sự cạnh tranh mạnh hơn với sự tham gia của nhiều hãng hàng không dẫn đến hiện tượng chèo kéo nguồn nhân lực hàng không bằng chế độ lương thưởng cao, đặc biệt đối với lực lượng phi công tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cạnh tranh gữa các hãng hàng không trong nước.

Tăng tư nhân hóa đào tạo nhân lực hàng không

Bà Nguyễn Thị Hải Hằng - Giám đốc Học viện HKVN cho biết, năm học 2018 - 2019, Học viện đào tạo 2.295 sinh viên hệ đại học, trong đó khối ngành III (Quản trị kinh doanh hàng không) có đến 1.654 sinh viên, khối ngành V (Kỹ thuật hàng không - Công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông) là 443 sinh viên, số còn lại thuộc khối ngành VII (Quản lý hoạt động bay). Học viện cũng ưu tiên đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, như  đào tạo kiểm soát viên không lưu cho các Đài Kiểm soát không lưu Vinh, Đồng Hới, Cát Bi, Thọ Xuân, Chu Lai, Pleiku, Phú Bài, Tuy Hòa, Rạch Giá, Cần Thơ... Tuy nhiên, năng lực đào tạo trong nước so với nhu cầu, nhất là nhân lực chất lượng cao hiện nay chỉ như muối bỏ bể. 

Trước cơn “khát” nhân lực hàng không, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã nắm bắt được nhu cầu cấp thiết, từ đó mạnh dạn “nhảy” vào đầu tư lĩnh vực mới này. Theo đó, mới đây Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy - Canada thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không và Trung tâm Huấn luyện bay Vinpearl Air tại Việt Nam, với mục tiêu mỗi năm sẽ cung cấp 400 phi công và kỹ thuật viên tàu bay; đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phối bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác…

FLC Group cũng vừa khởi công xây dựng Viện Đào tạo Hàng không Bamboo Airways tại Quy Nhơn với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển.Dự kiến, sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung chuyên môn nghiệp vụ ngành như: phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…

Như vậy, bên cạnh các cơ sở đào tạo nhân lực hàng không thuộc quản lý nhà nước, khối tư nhân cũng đã bắt đầu tham gia sâu vào lĩnh vực này. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề thiếu hụt nhân lực, đồng thời mở ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm mới trong ngành Hàng không vốn là ước mơ của nhiều sinh viên, thanh niên hiện nay.

Cần bước đi chiến lược, đồng bộ

Theo ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục HKVN, hiện nay lực lượng thanh sát viên bay thuộc biên chế của Cục mới chiếm khoảng 30%, còn lại 70% thanh sát viên bay đang phải đi thuê. Như vậy, Cục đang rất thiếu giám sát viên bay, nguyên nhân xuất phát từ thu nhập quá chênh lệch giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Giám sát viên bay phải đạt tiêu chuẩn giáo viên bay, tức trình độ cao hơn cả phi công song chỉ nhận lương công chức hơn 10 triệu đồng trong khi hiện các hãng trả cho phi công khoảng 300 triệu đồng/tháng. Mặt khác, việc đào tạo đội ngũ này rất tốn kém, trung bình mỗi người chi phí hơn 5 tỷ đồng. Cục đã trình kế hoạch đến năm 2025 bảo đảm có đủ lực lượng giám sát bay. Tuy nhiên, để làm được điều này rất cần sự đầu tư hơn nữa của Nhà nước.

Hàng không là ngành đặc thù nên cũng phải có cơ chế quản lý nhân lực đặc thù. Sự ổn định nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng phi công phải được đặt lên hàng đầu. Bản thân các hãng hàng không cũng phải có hành lang pháp lý để quản lý đội ngũ nhân sự của mình.

Để giải bài toán thiếu hụt nhân sự hàng không, TS. Trần Quang Châu - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ HKVN cho rằng, Nhà nước cần có kế hoạch, cơ chế đào tạo phi công phù hợp với phát triển đội bay. Nhà nước có thể đầu tư vốn ban đầu cho một đơn vị đào tạo phi công và có quy định để các hãng hàng không góp vốn đào tạo. Phương thức xã hội hóa sẽ hiệu quả hơn để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho từng hãng, tránh việc lôi kéo phi công của nhau.

Trước nguy cơ giành giật phi công, đại diện lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị, cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành các quy định về kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng đội tàu bay của các hãng hàng không phù hợp, đồng bộ với quy hoạch, tốc độ phát triển hạ tầng, kỹ thuật của đất nước.

Tiếp đó, cần gắn kết giữa đào tạo với huấn luyện và thực hành, đồng thời tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo nhân lực hàng không với các doanh nghiệp hàng không nhằm đưa đào tạo sát với nhu cầu xã hội, gắn lý thuyết với thực tế và tận dụng thế mạnh của nhau trong việc đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không. 

Bên cạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong ngành, các cơ sở đào tạo cũng cần tăng cường hợp tác với nước ngoài trong công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không nhằm đào tạo nhân lực hàng không theo chương trình chất lượng cao, đồng thời tiếp thu những chương trình tiên tiến, chuyển giao công nghệ và cơ sở thực hành, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên.

Báo cáo mới đây của Bộ GTVT trình Chính phủ cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành Hàng không tiếp tục củng cố các cơ sở đào tạo, huấn luyện đã được Cục HKVN cấp giấy chứng nhận, bảo đảm duy trì và nâng cao năng lực đào tạo, huấn luyện chuyên ngành hẹp, chuyên sâu phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, phát triển nhân lực ngành Hàng không, áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình quốc tế để đánh giá năng lực, chất lượng của các trung tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hàng không..

Ý kiến của bạn

Bình luận