Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị |
Sáng 10/12, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Đây là cuộc đối thoại lần thứ 2 kể từ cuộc đối thoại đầu tiên của Thủ tướng với nông dân tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.
Dành khoảng 3 tiếng rưỡi lắng nghe 19 đại biểu nông dân phát biểu với 53 câu hỏi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của nông dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu các nội dung của Hội nghị, các ý kiến của người nông dân và giao cho các bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp giải quyết.
Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải có những chuyển biến thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn; tăng cường hướng dẫn bà con sản xuất theo chuỗi trong ngành nông nghiệp. Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; tiếp tục theo dõi, xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành; tăng cường kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng cường liên kết vùng trong sản xuất…
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời về việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. |
Tại hội nghị, được sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã thông tin tới các đại biểu về việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐBSCL cần có một cảng biến lớn để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề của Sóc Trăng thành 1 trong 3 cảng biển lớn nhất của cả nước. Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến phản biện của các nhà khoa học, đến tháng 7/2020 trình lại Thủ tướng thông qua.
Về đường bộ, trong nhiệm kỳ tới Bộ GTVT dự kiến trình Chính phủ nâng cấp 1.000 km bằng thảm nhựa, đảm bảo vận chuyển lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn. Đặc biệt, ưu tiên hoàn thành tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, riêng đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ đã được Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong giai đoạn sắp tới.
Bộ cũng đang nghiên cứu đầu tư đường cao tốc từ Cần Thơ - Cà Mau và đường cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, cao tốc An Hữu - cầu Cao Lãnh, cao tốc Rạch Giá - Xà Xía (Kiên Giang). “Đây là những đường cao tốc trục dọc, ngang quan trọng để hình thành mạng lưới giao thông đường bộ tốt. Riêng QLN2 đi từ Củ Chi - Long An - Đồng Tháp - Kiên Giang, trong nhiệm kỳ tới Bộ GTVT sẽ lập chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng cần phát huy hệ thống giao thông vận tải thuỷ bằng các cơ chế chính sách cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh, khai thác có hiệu quả hệ thống giao thông thuỷ. Riêng đường sắt, đã đề xuất hình thành đường sắt TP HCM - Cần Thơ để kết nối giữa TP HCM và ĐBSCL nhanh chóng, an toàn.
Về hàng không, Bộ GTVT đang phối hợp với 13 tỉnh, thành trong vùng xúc tiến, làm sao phát triển sân bay Cần Thơ có nhiều chuyến bay quốc tế và trong nước...
Về thực trạng giao thông ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận- Cần Thơ là những công trình rất lớn được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo Thủ tướng, năm 2020 phải thông xe tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và năm 2021 sẽ chính thức khánh thành tuyến cao tốc này. Thủ tướng yêu cầu trong nhiệm kỳ tới tiếp tục nghiên cứu cấp bách tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) tại khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.