Bất chấp biển cấm, xe quá tải vẫn vô tư lưu thông tại huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai |
Đường bị “băm nát” do xe quá tải trọng
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong mấy tháng trở lại đây, nhiều loại xe hạng nặng chở vật liệu, đất, cát, đá, cây gỗ rừng... qua lại ngày đêm - đây được xem là nguyên nhân trực tiếp làm cho một số tuyến từ đường tỉnh cho đến quốc lộ đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Trời nắng thì bụi bặm mù mịt, mưa thì đọng nước, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Điển hình như tuyến Tỉnh lộ 664 rẽ vào tuyến tránh TP. Pleiku đi xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Khoảng vài tháng trở lại đây, dự án điện gió Ia Pech (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) của Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng Điện Xanh GL đi vào khởi công xây dựng thì cũng là thời điểm người dân nơi đây nơm lớp lo sợ về độ mất ATGT khi hàng loạt phương tiện vận tải hạng nặng quần thảo ngày đêm. Nhiều người dân treo bảng phản đối dự án, đồng thời lập chốt ngăn cản các xe siêu trường siêu trọng chở vật tư đi vào.
Thực tế cho thấy, một xe chở vượt tải trọng gấp 2 lần cho phép, sức phá hoại đường của nó tương đương 16 xe chở đúng tải trọng; còn nếu chở gấp 3 lần, sức phá hoại tương đương 81 xe. Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP. Hồ Chí Minh cho biết, tác hại của xe quá tải lên các công trình giao thông là rất lớn. Theo tính toán, đáng lẽ đường mới làm phải sử dụng tốt trong 10 năm đầu, nhưng do xe chở quá tải nên chưa đến 1 năm đưa vào sử dụng đã phải đại tu. Như vậy có thể khẳng định, xe quá tải là một trong những nguyên nhân khiến nhiều con đường trở nên mất an toàn do xuống cấp.
Ngoài mất ATGT, thiệt hại về kinh tế do xe quá tải cũng là vô cùng lớn, khi chi phí đại tu cho chỉ 1 km đường ô tô có 2 làn xe hiện nay vào khoảng trên dưới 10 tỷ đồng, đó là chưa kể có những con đường bị phá nát hoàn toàn, mức đầu tư còn lớn hơn nhiều.
Còn về góc độ an toàn, theo các chuyên gia, xe chở quá tải ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thao tác kỹ thuật của lái xe như căn đường và xử lý tình huống không chuẩn xác. Chở quá tải còn là nguyên nhân gây ra các hư hỏng đột ngột như nổ lốp, giảm hoặc mất hiệu lực của hệ thống phanh, lật xe khi vào cua... dẫn đến những vụ TNGT nghiêm trọng.
Xe quá tải “phá giá” - doanh nghiệp nguy cơ... phá sảnTheo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng chưa phối hợp đồng bộ để xử lý nghiêm tình trạng quá tải, sang hàng, tạo môi trường kinh doanh vận tải cạnh tranh không lành mạnh.
Theo đó, tình trạng xe chở quá tải, sang tải trên địa bàn thành phố đã gây nên cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hoạt động hơn chục năm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, lãnh đạo Công ty TNHH Giao nhận vận tải Minh Thành bức xúc, từ khi siết chặt quản lý vận tải, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm túc, đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua xe mới nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp ngang nhiên sang hàng, chở quá tải khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang phải đối mặt với việc cạnh tranh không lành mạnh và đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là do cạnh tranh không lành mạnh, khi thực tế một số doanh nghiệp hạ giá cước vận tải và bù đắp lại bằng cách cho xe chở hàng quá tải và các khoản chi phí khác. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là quy định của pháp luật về kiểm tra và xử phạt chưa phù hợp, chưa mang lại hiệu quả cao. Do vậy, để xe chở hàng đúng tải đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc kiểm tra xe quá tải một cách đồng bộ, lâu dài và trên phạm vi cả nước, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh về giá cước vận tải.
Cần xử lý nghiêm vi phạm
Ông Hà Ngọc Trường kiến nghị cần tăng chế tài xử phạt vi phạm tải trọng xe bởi hành vi này đang có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua. Chở quá tải trọng là hành vi trực tiếp phá hoại đường, đồng nghĩa với hành vi phá hoại tài sản quốc gia. Các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện và cả tài xế khi cho xe ra đường đương nhiên biết rõ tải trọng xe của mình bao nhiêu, điều đó có nghĩa họ biết rõ nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đây là tình tiết tăng nặng nên chúng ta cần có biện pháp mạnh để xử lý và ngăn chặn việc hủy hoại các công trình giao thông này.
Tuyến đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 667,5 km, điểm đầu ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), điểm cuối là TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỉ đồng bằng nguồn trái phiếu chính phủ. Tuyến đường này đoạn qua xã Chơ Glong bị hư hỏng nghiêm trọng một phần là do lượng xe thi công các dự án điện gió dày đặc.
Ông Hà Anh Thái - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT tỉnh Gia Lai) cho biết, trên địa bàn có 3 dự án điện gió đang thi công, lượng xe chở vật liệu và thiết bị trọng tải rất lớn, trong khi tuyến đường chỉ thiết kế lớp thảm nhựa dày 7 cm. Trước tình trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị các công ty điện gió bố trí kinh phí để làm lại tuyến đường Trường Sơn Đông do xe chở vật liệu thi công dự án làm hư hỏng.
Ông Trần Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.4 cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp vận tải lợi dụng tình hình để chở hàng quá tải. Ngoài nhiệm vụ tham gia phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chi cục đã phối hợp khảo sát, thu thập thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động vận tải của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe, chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án trên địa bàn, từ đó kiến nghị, phối hợp với các cơ quan chức năng (Thanh tra Sở GTVT, Cảnh sát trật tự) lập kế hoạch tăng cường kiểm soát tải trọng xe, xử lý những trường hợp vi phạm trật tự ATGT đối với xe tải ben tự đổ chở quá tải trọng, làm rơi vãi mất ATGT, hư hỏng kết cấu đường sá, xe ô tô đậu đỗ không đúng nơi quy định.
Trong thời gian từ ngày 15/9 đến hết ngày 28/9/2021, Chi cục đã phối hợp cùng Tổ liên ngành Gia Lai xử lý xe quá khổ, quá tải trên QL19, kết quả đã xử lý 13 trường hợp vi phạm quá tải vượt 10 - 30%; 5 trường hợp vi phạm quá tải vượt 30 - 50%; 6 trường hợp vi phạm tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, 5 trường hợp xếp hàng lệch xe.
Ngoài ra, từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục Quản lý đường bộ III.4 đã triển khai độc lập về kiểm tra tải trọng xe và kích thước thành thùng xe, kết quả đã xử lý 37 trường hợp với số tiền phạt 197 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết, ngay từ đầu năm 2021, Cục đã chủ động ban hành các kế hoạch tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện và xử lý vi phạm về vận tải đường bộ trên các tuyến quốc lộ, đường cao tốc. Cục đã tổ chức 5 đợt với 14 lượt kiểm soát tải trọng xe và xử lý các hành vi vi phạm về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước thành thùng của xe ô tô tải. Kết quả, Cục đã kiểm tra, xử lý 35 xe vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 1 tỷ 259,8 triệu đồng; tước có thời hạn 19 giấy phép lái xe và 2 giấy chứng nhận kiểm định. Tổng số tiền chấp hành nộp phạt trong 9 tháng đầu năm 2021 là 1 tỷ 788 triệu đồng.
Ngoài ra, Cục tiếp tục chỉ đạo các chi cục tổ chức các cuộc khảo sát lưu lượng xe ô tô tải có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng quy định, cơi nới kích thước thùng xe lưu thông trên một số tuyến quốc lộ, đường cao tốc theo thông tin phản ánh qua đường dây nóng và gửi văn bản đến các cơ quan chức năng của địa phương đề nghị kiểm tra xử lý. Đồng thời, Cục chỉ đạo các chi cục ký kế hoạch phối hợp liên ngành với Thanh tra Sở GTVT các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, TP. Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng... về kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến quốc lộ thuộc phạm vi quản lý. Kết quả, các lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm tra, xử lý 39 xe vi phạm với số tiền xử phạt 478,3 triệu đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.