Cấp thiết khắc chế xe quá tải- bài 4: Đối diện “giặc quá tải”

Tác giả: Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/10/2021 06:55

Lợi dụng bối cảnh dịch bệnh, xe quá tải đã tái diễn và trở thành một trong những thách thức hàng đầu đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT nói riêng và pháp luật nói chung. Trong bối cảnh mới, tình hình mới, các cơ quan chức năng đang tích cực củng cố “nội lực” với quyết tâm cao trong việc diệt “giặc quá tải”.

 

DSC00309

Lực lượng CSGT TP. Hà Nội kiểm tra phương tiện có dấu hiệu vượt quá tải trọng trên tuyến đê sông Hồng

Không né tránh

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn với đất nước nói chung và công tác đảm bảo trật tự ATGT nói riêng bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 gây nên vô vàn thách thức. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, một trong những vấn đề nổi cộm, phát sinh đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 là tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ bùng phát tại nhiều địa phương, nhất là nơi có mỏ vật liệu, khoáng sản, công trình xây dựng, nhà máy xi măng, cảng và tái diễn xe quá tải đường dài; tái diễn tình trạng cơi nới thành thùng xe để chở hàng quá tải... dẫn đến tình trạng đường bộ ở nhiều nơi bị tàn phá xuống cấp nghiêm trọng.

Đặc biệt, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh về tình trạng các tuyến đường cấp tỉnh, cấp huyện, có địa phương mặt đường trên những tuyến đê xung yếu bị hư hỏng do xe quá tải hoạt động. Nổi bật nhất có thể kể đến như: tỉnh Thừa Thiên - Huế tại đoạn từ QL1 xuống Tỉnh lộ 11B trên địa bàn huyện Phong Điền; tỉnh Đồng Nai tại đoạn gần nút giao Nam Cao - QL51; TP. Đà Nẵng tại tuyến đường DH8 nối từ QL14B lên Hồ Đồng Xanh Đồng Nghệ thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang; các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định...

DSC00317
 

Bà Trịnh Thu Hà - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm: “Tình trạng cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị cũng được phản ánh thường xuyên”. Cũng theo bà Hà, một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ. Mặt khác, ở góc độ tổng thể, các lực lượng chức năng hiện đang dồn sức ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên cũng làm ảnh hưởng phần nào đến nguồn lực dành cho công tác bảo đảm trật tự ATGT nói chung.

Để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện (KSTTPT), Bộ GTVT đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về KSTTPT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 và Chỉ thị số 03/CT-BGTVT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe (KSTTX).

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ KSTTPT trong thời kỳ mới, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, thực hiện sửa đổi các quy định của pháp luật về công tác KSTTX, như: Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 10/2012/TT-BGTVT ngày 12/4/2012 quy định về tổ chức và hoạt động của trạm KSTTX trên đường bộ; Quy chuẩn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về trạm KSTTX (QCVN 66:2013/BGTVT); Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2017/TT-BGTVT ngày 28/02/2017 quy định về quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án KSTTX tự động trên phạm vi toàn quốc.

Tính đến ngày 15/9, các trạm KTTTX lưu động, cố định, Thanh tra các sở GTVT và Công chức Thanh tra các cục quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 58.250 xe, trong đó có 7.071 xe vi phạm, tước 2.250 giấy phép lái xe, xử phạt 65,58 tỷ đồng.

Củng cố “nội lực”

DSC08616

Lực lượng liên ngành tỉnh Vĩnh Phúc kiểm soát tải trọng đối với phương tiện ra, vào mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh

Nhìn nhận về những tháng vừa chống dịch, vừa đảm bảo trật tự ATGT vừa qua, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến, mà một trong những hành vi nổi cộm trong đó là xe chở quá tải trọng.

Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL và các đề án về ATGT, trong đó chú trọng vào một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; xây dựng Nghị định Hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng nâng cao hiệu lực và tính răn đe đối với các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, gây hậu quả lớn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông; tăng chế tài xử lý đối với đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm xếp hàng lên xe ô tô (người trực tiếp xếp hàng và đại diện pháp luật của doanh nghiệp mỏ vật liệu, kho bãi, hàng hóa...)..., đặc biệt là xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án KSTTX tự động trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng sẽ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về KSTTX theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác KSTTPT giao thông, đặc biệt đánh giá kết quả chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các quy định về tải trọng xe, kết quả của các biện pháp kiểm soát việc xếp dỡ hàng hóa tại các cảng, bến bãi, kho hàng trong ngành GTVT; khẩn trương lắp đặt các trạm cân xe tự động trên toàn quốc, nhất là trên các quốc lộ trọng điểm, các tuyến kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, mỏ vật liệu xây dựng. Sử dụng thông tin từ các trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm quá tải để xem xét, xác định và xử lý trách nhiệm với các tổ chức và cá nhân tại các đầu mối hàng hóa (cảng, bến bãi...) để xảy ra các vi phạm về quá tải đã bị phát hiện và xử lý.

Về phía lực lượng công an, Bộ Công an sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT do Bộ đã ban hành, trong đó đặc biệt chú trọng tới chuyên đề xử lý vi phạm quy định về tải trọng. Đối với các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu tham khảo về việc ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, thành phố; kinh nghiệm áp dụng các giải pháp về KSTTX theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác KSTTPT và quyết liệt triển khai hiệu quả trên địa bàn.

Ý kiến của bạn

Bình luận