Cấp thiết thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư- Bài 1: Hơn 1.800 km đường cao tốc và khó khăn huy động vốn

Tác giả: Công Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 18/09/2023 11:31

Cả nước hiện đã có hơn 1.800 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong số đó, chỉ số ít dự án đầu tư bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách và đang thu phí hoàn vốn. Thực tế, vốn làm đường cao tốc đang là gánh nặng với ngân sách nếu không có nguồn bổ sung sẽ gây ra một số hệ lụy.


Hoàn thành nhanh hơn 1.800 km đường cao tốc và những khó khăn huy động vốn xã hội hóa đặt ra - Ảnh 1.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023

Bước phát triển nhảy vọt của mạng lưới đường cao tốc

Trở lại thời điểm cách đây hơn chục năm trước (năm 2011), cả nước mới chỉ có khoảng 139 km đường cao tốc được đưa vào sử dụng, gồm: TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (40 km), Liên Khương - Đà Lạt (19 km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50 km), Đại lộ Thăng Long (30 km). Hầu hết các dự án cao tốc lúc đó đều được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA.

Đến giai đoạn 2012 - 2017, cả nước mới có thêm 838 km đường cao tốc mới được đầu tư, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối liên vùng, tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương có dự án đi qua nói riêng. Điển hình là các cao tốc: Nội Bài - Lào Cai (264 km), Hà Nội - Thái Nguyên (62 km), Hà Nội - Hải Phòng (105 km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51 km)...

Từ giai đoạn 2018 đến nay đánh dấu một bước tiến mới trong xây dựng đường cao tốc khi Chính phủ và Bộ GTVT triển khai công tác đầu tư xây dựng các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020) gồm 11 dự án thành phần dài 654 km và cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) gồm 12 dự án thành phần dài 729 km. Cùng với đó là hàng loạt tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang khác trên khắp các vùng miền cả nước được triển khai đầu tư làm tăng vọt số km đường cao tốc trong cả nước được đưa vào khai thác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc và đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời, Bộ Chính trị khóa XIII cũng ra 6 Nghị quyết về phát triển vùng, xác định phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã có những chương trình hành động, đưa ra mục tiêu cả nước phấn đấu đạt trên 3.000 km đường cao tốc đến năm 2025. "Đây là nhiệm vụ hết sức to lớn, bởi đến năm 2020, sau gần 20 năm triển khai, cả nước mới có 1.163 km đường cao tốc được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Như vậy, trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 phải xây dựng hoàn thành thêm gần 2.000 km đường cao tốc", Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết.

Hoàn thành nhanh hơn 1.800 km đường cao tốc và những khó khăn huy động vốn xã hội hóa đặt ra - Ảnh 2.

Hầm Thung Thi trên cao tốc Mai Sơn - QL45

Về tình hình triển khai các dự án đang đầu tư, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (gồm 11 dự án thành phần), Bộ GTVT cho biết, đến nay đã đưa vào khai thác 8 dự án, cuối năm 2023 sẽ hoàn thành 1 dự án (cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 2 dự án (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2024. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 - 2025) gồm 12 dự án thành phần hiện đang rốt ráo triển khai thi công, dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Đặc biệt, trong vài tháng qua, Bộ GTVT và các địa phương tiếp tục khởi công đồng loạt nhiều dự án cao tốc quy mô lớn: Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP. Hà Nội, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tuyên Quang - Hà Giang...

Theo ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường bộ cao tốc, từ năm 2020 Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc. Thực tế cho thấy đến nay cả nước mới có khoảng hơn 1.800 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. "Do đó, để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, tức là trong 3 năm tới, chúng ta phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc. Đây là con số rất lớn đòi hỏi nỗ lực cực cao", ông Tiến chia sẻ.

Hoàn thành nhanh hơn 1.800 km đường cao tốc và những khó khăn huy động vốn xã hội hóa đặt ra - Ảnh 3.

Q45 - Nghi Sơn thông xe vào ngày 2/9/2023

Nhu cầu vốn đầu tư và bảo trì rất lớn, khó thu hút vốn tư nhân

Nhìn nhận thực tế triển khai hệ thống đường cao tốc trong hơn 20 năm, ông Tiến cho biết hiện còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết là một số quy định pháp luật còn bất cập; quy định về trình tự đầu tư còn kéo dài, một số thủ tục liên quan đến nhiều bộ, ngành; thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án kéo dài; một số hướng dẫn của các bộ, ngành còn chưa cụ thể, rõ ràng, dễ gây các cách hiểu khác nhau khi triển khai.

Tiếp đó, công tác GPMB, tái định cư hiện được giao cho các địa phương thực hiện thường chậm; còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được xử lý kịp thời. Trong khi đó, các dự án công trình đường bộ thường trải dài, đi qua nhiều địa phương, qua nhiều vùng địa lý với các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp.

Hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng lớn, trong khi các mỏ đang khai thác chỉ phục vụ cho nhu cầu thông thường tại địa phương. Khi các dự án giao thông triển khai đồng loạt sẽ gây khan hiếm về nguồn cung. Đồng thời, thủ tục cấp phép mỏ mới còn phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

"Đặc biệt, khả năng thu hút và huy động vốn đầu tư xã hội hóa nhất là vốn tư nhân tham gia đầu tư các dự án giao thông còn thấp, các ngân hàng còn thận trọng trong việc cho vay đầu tư vào lĩnh vực GTVT", ông Tiến nói.

Để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong văn bản gửi Chính phủ cuối tháng 8/2023, Bộ GTVT cho biết, theo ước tính ban đầu, nhu cầu các nguồn vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 813 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393 nghìn tỷ đồng để hoàn thành 2.043 km và khởi công 925 km.

Trong đó, khoảng 61 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đã bố trí thực hiện hoàn thành 916 km các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án cao tốc đang thi công; khoảng 211 nghìn tỷ đồng để khởi công và hoàn thành 1.127 km trong giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó, vốn ngân sách nhà nước ước tính khoảng 105,5 nghìn tỷ đồng); khoảng 121 nghìn tỷ đồng để khởi công 925 km giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030 (trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 73 nghìn tỷ đồng).

"Yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng mới đường cao tốc là rất lớn, do đó xây dựng cơ chế, chính sách để có nguồn ổn định dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết", lãnh đạo Bộ GTVT nêu rõ.

Mặt khác, khi các công trình đường cao tốc hoàn thành cần phải quản lý, khai thác và bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật của tuyến, bảo đảm phương tiện đi lại êm thuận và ATGT. Theo số liệu thống kê, những năm qua, đối với các tuyến đường bộ do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm, cơ bản mới đáp ứng được một phần yêu cầu về chi phí để thực hiện các công việc quản lý, vận hành, khai thác và một phần chi phí bảo trì công trình, nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác.

Theo Bộ GTVT, dự kiến đến năm 2025, trường hợp 1.624 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, nếu cân đối như hiện nay ước tính tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì đường cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 cũng ngốn nguồn kinh phí khổng lồ khoảng 9.067 tỷ đồng (bình quân 1.813 tỷ đồng/năm).