Quốc hội yêu cầu thu hồi vốn đường cao tốc do Nhà nước đầu tư
Thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn chế, Quốc hội đã có yêu cầu Chính phủ nghiên cứu báo cáo Quốc hội việc thu hồi nguồn vốn tại các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Cụ thể, tại Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 nêu rõ: "Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công".
Ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 44 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cũng nhấn mạnh nội dung: "Xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án để hoàn trả vào ngân sách Trung ương".
Tiếp đó là các Nghị quyết 57/2022, Nghị quyết 58/2022, Nghị quyết 59/2022, Nghị quyết 60/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các dự án: Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Quốc hội cũng nêu rõ: "Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án".
Đồng thời, Nghị quyết 62 ngày 16/6/2022 của Quốc hội cũng yêu cầu: "Hoàn thiện pháp luật về thu phí đối với các tuyến đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước". Rõ ràng, trong các Nghị quyết nêu trên, Quốc hội định hướng rất rõ cần xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư và gần đây nhất là hoàn thiện pháp luật về thu phí.
Chủ phương tiện lợi lớn khi đi cao tốc
Theo Bộ GTVT, khi các tuyến đường cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng đã mang lại lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế...
Đối với người sử dụng sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành phương tiện. Theo ước tính, việc di chuyển trên đường cao tốc sẽ giúp giảm thời gian vận chuyển lên tới 60% và giảm chi phí khai thác so với lưu thông trên quốc lộ. Theo tính toán trên 3 tuyến đường cao tốc đang vận hành là Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện cho thấy, so với lưu thông tuyến trên quốc lộ song hành, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân ước tính khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân ước tính khoảng 12.348 đồng/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn với lợi ích bình quân ước tính khoảng 1.974 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị ước tính khoảng 2.868 đồng/PCU/km. Với lợi ích đó, một số tuyến đường cao tốc do doanh nghiệp đầu tư đang thu tiền dịch vụ theo cơ chế giá được dư luận và người dân đồng tình.
Đề cập đến tác động trong trường hợp không thu phí sử dụng đường cao tốc, theo Bộ GTVT, đường cao tốc có chất lượng cao hơn quốc lộ thông thường. Trường hợp không tổ chức thu tiền sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông và giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.
Việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí là một trong các công cụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý. Ngoài việc cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên quốc lộ song hành, khi thu phí sẽ có nguồn lực, điều kiện để thực thi các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ, xe không được phép lưu hành trên đường cao tốc..., từ đó giúp tăng cường hiệu quả khai thác của đường cao tốc, tăng cường các lợi ích do đường cao tốc đem lại.
Đồng thời, các phương tiện giao thông chuyển sang di chuyển trên đường cao tốc sẽ dẫn đến phân lưu làm ảnh hưởng đến phương án tài chính của một số dự án BOT hiện có (có thể làm giảm doanh thu của dự án). Khi đó, việc thu phí từ hệ thống đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo ra nguồn lực để thực hiện các giải pháp chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Thu phí để tạo công bằng xã hội, lợi ích kinh tế
Trao đổi với Tạp chí GTVT, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, đường cao tốc là một loại công trình cấp đặc biệt với những tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù. Tất cả đều phục vụ mục tiêu cao nhất là đảm bảo cho người tham gia giao thông an toàn trên cả hành trình dài với tốc độ cao liên tục.
"Rõ ràng, việc đảm bảo đường cao tốc duy trì được tiêu chuẩn kỹ thuật là rất quan trọng. Trước hết là đảm bảo điều kiện an toàn ở mức cao nhất cho toàn bộ phương tiện giao thông trên tuyến, tức là chất lượng công trình luôn phải được đảm bảo tốt. Để làm được điều này, công tác bảo dưỡng, bảo trì cần phải được thực hiện liên tục, nghiêm túc. Đây là công việc hết sức khó khăn, ngoài tính thường xuyên còn phải đảm bảo trình độ, tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao... như một nghề nghiệp dịch vụ cao cấp, chuyên biệt", ông Chủng phân tích.
Cũng theo ông Chủng, đường cao tốc hiện nay được quản lý bằng hệ thống giao thông thông minh (ITS) - một phương pháp quản lý hiện đại cung cấp những tiện ích, lợi ích rất lớn cho người tham gia giao thông. Điều này cũng đòi hỏi người làm phải có trình độ cao, thường trực 24/24h để đảm bảo. "Vì vậy, việc thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất cần thiết để có nguồn tài chính duy trì hiệu quả các công việc quan trọng này. Các nước trên thế giới cũng làm theo mô hình như vậy. Nếu không thu phí thì Nhà nước lại phải bỏ tiền ra để đảm bảo công năng kỹ thuật của đường cao tốc", ông Chủng nhấn mạnh.
"Có ý kiến cho rằng, thu phí cao tốc tạo ra tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí. Quan điểm của tôi là không có chuyện này. Ngược lại, thu phí đường cao tốc chính là tạo ra công bằng xã hội, công bằng lợi ích kinh tế", ông Chủng nói và phân tích, người dân cả nước ai cũng đóng thuế, người có xe ô tô đều phải đóng phí đường bộ, nhưng không phải ai cũng đi đường cao tốc. "Cùng là đóng thuế, phí nhưng người thì đi suốt ngày, người thì cả đời không đi cao tốc bao giờ hoặc rất hiếm khi. Vậy nên, cần tách bạch, người nào sử dụng đường cao tốc thì phải trả khoản tiền cho loại dịch vụ có chất lượng cao này", ông Chủng chia sẻ.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang hướng tới nhiều mục tiêu to lớn về phát triển đường cao tốc, sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc được xây dựng và đưa vào khai thác trong những năm tới, đòi hỏi một lượng tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước chi ra để thực hiện.
Việc thu phí các tuyến cao tốc đang khai thác sẽ giúp huy động thêm được một nguồn tài chính đáng kể, vừa để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc duy trì hiệu quả khai thác đường cao tốc, vừa có thể đóng góp một khoản kinh phí để đầu tư thêm các tuyến mới.
"Trước nhu cầu kinh phí lớn cần dành cho hệ thống cao tốc, trên cơ sở lợi ích của đường cao tốc mang lại cho người sử dụng, trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện hành, việc xây dựng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ đường cao tốc trên các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư để trình Quốc hội xem xét thông qua là hết sức cần thiết", Bộ GTVT nêu rõ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.