Khát vọng "đánh thức" tiềm năng một vùng đất
Những ai từng đặt chân đến Sa Pa đều có chung nhận định: Sa Pa đẹp, nhưng những gì du lịch Sa Pa đạt được chưa xứng với tầm vóc vốn có. Một phần lý do là bởi thị trấn xinh đẹp này thiếu những điều mới mẻ, những khu du lịch đẳng cấp thế giới để có thể thu hút và giữ chân du khách lâu hơn.
Với khao khát “đánh thức” một vùng đất giàu tiềm năng, tháng 11/2013, Tập đoàn Sun Group khởi công xây dựng tuyến cáp treo Fansipan, một trong các hạng mục của Dự án Fansipan Legend với các công trình du lịch, vui chơi giải trí, khách sạn. Cáp treo Fansipan được đối tác Doppelmayr từ Cộng hòa Áo - hãng cáp treo nổi tiếng với hàng nghìn tuyến cáp treo được xây dựng khắp thế giới như tuyến cáp treo lên dãy Alps (Pháp) xác nhận là “Dự án cáp treo phức tạp nhất thế giới”.
Những “phức tạp” ấy là thách thức, nhưng thử thách cao hơn nữa chính là những khắc nghiệt từ địa hình, điều kiện thời tiết Fansipan. Song, bằng ý chí, sức mạnh vượt qua chính mình, những con người Sun Group đã biến điều “phức tạp” thành thành công rực rỡ, xác lập nên những kỷ lục mới mà chính những chuyên gia Áo cũng phải khâm phục.
Máu, mồ hôi và nước mắt trên đỉnh trời
Ngày khánh thành cáp treo Fansipan - Sa Pa, chuyên gia Reto Sigrist thuộc Tập đoàn Doppelmayr Garaventa đã nói với chúng tôi: “Cáp treo Fansipan là công trình khổng lồ, quá khó khăn vất vả. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi sau khi hoàn thành kéo cáp đã phải thốt lên rằng, họ sẽ không nhận thêm những công trình như vậy nữa”. Khó khăn vất vả ấy, chỉ những người tham gia dự án mới có thể cảm nhận được hết.
Hai năm bốn tháng thi công cáp treo, nhiệt độ ngoài trời luôn từ -2 độ đến -7 độ, băng giá, sương mù bao phủ, không khí loãng, thiếu ô-xy để thở, thiếu cả thức ăn, nước uống để tồn tại. Theo anh Trần Công Mỹ - một trong 5 người đầu tiên của Sun Group có mặt trên đỉnh Fansipan, chỉ có niềm tin mới khiến anh và các đồng nghiệp vượt qua thời tiết khắc nghiệt, vượt qua bệnh tật và các rủi ro thường trực để trụ lại nơi đây cho tới ngày khánh thành cáp treo.
Bảy tháng đào đất tạo mặt bằng và thi công bê tông cốt thép là giai đoạn “kinh hoàng” nhất. Trong cái lạnh khiến người ta gần như “đông cứng cả về thể xác lẫn tâm hồn”, anh em Fansipan “gói mình” trong tầng lớp những áo len áo khoác mà vẫn không đủ ấm.
Thiếu nước, họ phải dùng thứ “dung dịch” nước trộn bùn đất khi trời mưa, phải gõ đường ống để nước chảy về bồn chứa khi trời rét, phải đi bộ tới 02km đường rừng để địu nước lên vào mùa khô. Ở Fansipan khi đó, tắm là một khái niệm xa xỉ, bởi lấy nước đâu ra mà tắm. Trong cái rét âm độ trường kỳ ấy, có lấy hết dũng khí cũng chẳng ai dám nghĩ đến việc dội lên người thứ nước lạnh như băng đá kia.
Thiếu nước khổ một, thiếu ăn khổ mười. Anh Mỹ hồi tưởng: “Chưa có khi nào chúng tôi được ăn một bữa cơm chín đúng nghĩa. Áp suất thấp, nước không thể sôi, cơm không thể chín, thức ăn vừa đem ra đã nguội.”
Thiếu điện, anh em công nhân đánh răng bằng nước đá mỗi sáng dậy, lâu dần cũng quen. Không có Internet, điện thoại cũng chẳng có sóng, nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con khiến những người đàn ông cứng rắn nhất cũng rơi nước mắt mỗi lúc chạy xa cách lán trại 01km để hứng sóng điện thoại nghe con gọi “ba ơi!”. Đêm xuống, những tưởng có thể đặt lưng xuống ngủ ngon lành thì gió lớn giật tung những tấm bạt, mưa đá dội xuống ướt mèm những lớp chăn. Anh em hì hục dậy căng lại bạt, tiếp tục ngủ trong chăn ướt, giá lạnh, trên những chiếc giường trúc khô khiến lưng đau ê ẩm, chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn để… được làm việc.
Mọi việc trở nên dễ thở hơn khi có cáp treo công vụ, rút ngắn thời gian 5 - 6 tiếng đi bộ đường rừng xuống 45 phút đi làm. Nhưng cáp công vụ cũng không giúp gì nhiều cho công việc của những người “lát đá lên đỉnh trời.” Để có thể lát 639 bậc đá với 4.425 viên đá bậc cấp nguyên khối từ khu Nhà ga Fansipan lên nóc nhà Đông Dương, mồ hôi đã trộn lẫn với máu. Mỗi trụ đá nặng 300kg, 20 người khiêng vác, không có máy móc trợ giúp, trong điều kiện không khí thiếu ô-xy, đường sá trơn dốc, chịu sao cho thấu. Đã có lúc cả trăm công nhân bỏ về vì không thể chịu nổi vất vả. Vẫn còn những người ở lại, động viên nhau tiếp tục bám trụ đến cùng, bởi như anh Trần Công Mỹ nói: “Mỗi lần ngắm hoa đỗ quyên trên đỉnh Fansipan, chúng tôi cảm thấy mình cũng như loài hoa kiên cường kia, trong những hoàn cảnh và điều kiện khắc nghiệt vẫn vươn lên đón đầu những con gió, đơm hoa rồi trổ bông rực rỡ!”.
Ngày rực rỡ vinh quang
Rồi cũng đến ngày cáp treo Fansipan khánh thành, với 2 kỷ lục Guiness ngay lập tức được trao, đó là: “Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410m”và“Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.292,5m”. Giờ đây, Fansipan Legend là một huyền thoại thực sự, huyền thoại về bản lĩnh và trí tuệ của người Việt. Ngoài tuyến cáp chính, các hạng mục kiến trúc như nhà ga đi, nhà ga đến, nhà hàng, quầy lưu niệm… đều được thiết kế kỳ công như những tuyệt tác nghệ thuật giữa ngàn mây.
Ngắm cáp treo lao đi, mang theo những nụ cười trẻ thơ, ánh mắt bừng sáng của những người già, tiếng reo hò phấn khích của người trẻ, mỗi “người lính trên mặt trận cáp treo Fansipan” không khỏi xúc động và tự hào. Anh Phạm Đức Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Cáp treo Fansipan - Sa Pa, một trong những người đầu tiên tham gia đoàn quân kiến tạo nên cáp treo nói: “Thời điểm ban đầu khi đặt bước chân đầu tiên lên mảnh đất này, chúng tôi chỉ mang theo một thứ - đó là niềm tin và ý chí. Cứ đi qua mỗi trụ của Cáp treo, tôi lại hồi tưởng lại hình ảnh các CBNV lặng lẽ làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ để đi đến một cái đích chung là ngày hôm nay. Mồ hôi, công sức đã đổ nhiều nhưng thật xứng đáng để cống hiến cho xã hội, cho Sun Group, cho sự kiêu hãnh của chính bản thân mình.”
Như lời ông Đặng Minh Trường - Phó Chủ tịch Tập đoàn Sun Group:“Với tất cả những thử thách đã trải qua để có được ngày khai trương hôm nay, Cáp treo Fansipan Sa Pa đã trở thành công trình tự hào, là sự vượt lên chính mình của Sun Group”. Nói đúng hơn, cái tên Fansipan Sa Pa đã ghi thêm một kỳ tích trí tuệ và lòng quả cảm của những người Sun Group, trên con đường làm nên những công trình mang dấu ấn thế kỷ mang tầm quốc tế, đưa Việt Nam vươn ra thế giới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.