Cậu ấm cô chiêu Trung Quốc vung tiền ở Vancouver

Xã hội 14/04/2016 09:58

Andy Guo, 18 tuổi, tới từ Trung Quốc thích lái chiếc Lamborghini Huracan màu đỏ.

 

20160413164532-b1
Từ trái sang: Loretta Lai, Chelsea Jiang và Diana Wang tham dự một buổi kết nạp thành viên mới tại một đại lý Lamborghini hồi tháng trước ở Vancouver, British Columbia

 Cậu không thích phải dùng chung chiếc xe với cậu em trai sinh đôi Anky.

“Có nhiều mâu thuẫn” – Guo nói khi đám đông người hâm mộ đang bị hút mắt vào chiếc xe và biển số phù phiếm đề “CTGRY 5” – chữ viết tắt của cơn bão thảm khốc nhất.

Chiếc xe trị giá 360.000 đô la này là món quà của bố cậu từ năm ngoái. Ông vẫn đi qua đi lại giữa Vancouver và Sơn Tây, Trung Quốc thường xuyên và ông kiếm tiền trong ngành dầu mỏ - Guo, sinh viên chuyên ngành kinh tế của ĐH British Columbia cho biết.

Chiếc xe nghiêng về thời trang hơn là tiện dụng. “Tôi có một chiếc ba lô, sách giáo khoa và quần áo cần giặt ủi, nhưng tôi không thể nhét tất cả mọi thứ vào bên trọng” – cậu than thở. Nhưng đó cũng chưa phải điều tồi tệ nhất. “Một lần cảnh sát tuýt còi tôi để nhìn ngó chiếc xe”.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc đã biến nhiều nông dân thành tỷ phú. Với chính sách nhập cư khá cởi mở, Canada đang trở thành điểm đến hàng đầu cho tỷ lệ 1% người giàu Trung Quốc. Theo số liệu từ Chính phủ, từ năm 2005 tới năm 2012, ít nhất 37.000 triệu phú Trung Quốc đã lợi dụng chương trình đầu tư nhập cư (mà hiện tại đã được xóa bỏ) để trở thành công dân định cư lâu dài ở British Columbia.

Khu vực thành thị với 2,3 triệu dân này ngày càng xuất hiện nhiều dân nhập cư Trung Quốc – chiếm hơn 18% dân số vào năm 2011 – tăng gần 7% vào năm 1981 – theo số liệu từ Chính phủ.

Nhiều người dân bản địa nói rằng cơn lũ dân nhập cư Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhà ở. Vancouver đang là thành phố đắt đỏ nhất Canada nếu muốn mua nhà – theo một khảo sát năm 2016 bởi công ty tư vấn Demographia. Trung bình, giá một ngôi nhà ở Vancouver tăng gấp đôi trong khoảng từ năm 2005 tới năm 2015 (khoảng 1,2 triệu đô la Mỹ).

Dân bản địa tỏ ra tức giận về tỷ lệ người nước ngoài mua bất động sản, đặc biệt là những người giàu tới từ Trung Quốc. Họ bắt đầu tổ chức những cuộc biểu tình trên mạng xã hội, trong đó có chiến dịch Không có 1 triệu đô trên Twitter.

Tuy nhiên, sự tức giận này có ảnh hưởng rất ít tới cuộc sống xa hoa của những người Trung Quốc giàu có. Thực sự, với những người mới đến mà tiền không là vấn đề thì thứ mà họ mua tiếp theo thường là xe hơi,

Nhiều đại lý xe hơi sang trọng thuê nhân viên là người Trung Quốc. Năm 2015, có 2.500 xe hơi trị giá hơn 150.000 đô được đăng ký ở Vancouver – tăng từ 1.300 chiếc vào năm 2009 – theo Công ty Bảo hiểm British Columbia.

Nhiều người trẻ sở hữu siêu xe ở Vancouver còn được gọi là “fuerdai” (phú nhị đại) – nghĩa là những đứa trẻ thừa kế giàu có. Ở Trung Quốc – nơi mà giới siêu giàu thường bị cho là kiếm tiền nhờ tham nhũng thì cụm từ này xen lẫn cả sự khinh miệt lẫn ghen tị.

Các phú nhị đại mang đam mê xa xỉ của họ tới Vancouver. Những chiếc Lamborghini trắng được nhiều cô gái Trung Quốc yêu thích, trong khi đàn ông thường chọn siêu xe.

Hàng trăm người nhập cư trẻ tuổi tới từ Trung Quốc cùng với một số ít được sinh ra ở Canada đã thành lập các câu lạc bộ siêu xe – nơi mà họ cùng nhau tụ tập để lái xe, chỉnh sửa và chụp ảnh “xế” của mình để thu hút những ánh mắt ghen tị của những người đang theo dõi họ trên mạng xã hội.

Câu lạc bộ Vancouver Dynamic Auto có 440 thành viên, 90% trong số đó tới từ Trung Quốc – David Dai, người thành lập câu lạc bộ 27 tuổi cho hay. Để tham gia câu lạc bộ này, điều kiện là bạn phải sở hữu một chiếc xe trị giá 100.000 đô la Canada trở lên – tương đương khoảng 77.000 đô la Mỹ. “Họ không làm việc” – Dai nói về những phú nhị đại của Vancouver. “Họ chỉ tiêu tiền của bố mẹ”.

Thỉnh thoảng, họ lại có sở thích đua xe. Năm 2011, cảnh sát đã bắt giữ một phi đội gồm 13 chiếc Lamborghini, Maseratis và những chiếc xe hơi sang trọng khác trị giá 2 triệu đô la vì tội đua xe trên đường cao tốc Vancouver với tốc độ 125 dặm/ giờ. Lái xe đều là thành viên của một câu lạc bộ siêu xe Trung Quốc, và không ai quá 21 tuổi – theo các bài báo vào thời điểm đó.

Trong một buổi tối ra mắt chiếc xe Rolls-Royce Dawn trị giá khoảng 402.000 đô la, Jin Qiao, 20 tuổi, sinh viên chuyên ngành nghệ thuật có khuôn mặt “baby” cũng tham gia. Cậu chuyển từ Bắc Kinh tới Vancouver cách đây 6 năm. Jin lái một trong hai chiếc Mercedes-Benz S.U.V mà cậu nói là phù hợp hơn với sự khắc nghiệt của cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, tài sản quý giá nhất của cậu là một chiếc Lamborghini Aventador Roadster Galaxy trị giá 600.000 đô la mà vỏ xe được trang trí giống như không gian ngoài vũ trụ - Jin, sinh viên chuyên ngành thiết kế, người thích mặc đồ của hãng Fendi, đi giày sneaker vàng, ca ngợi chiếc xe kỳ quái của mình và gạt bỏ những ý kiến cho rằng chiếc xe được trang trí một cách phô trương. “Có quá nhiều người giàu ở Vancouver, thì khoe mẽ để làm gì?” – cậu nói.

Khi hỏi bố mẹ cậu làm gì, Jin nói bố cậu là một doanh nhân thành đạt ở Trung Quốc nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết. “Tôi không thể nói được” – cậu lắp bắp với sự khó chịu ra mặt.

Do thuế nhập khẩu ở Trung Quốc cho hàng xa xỉ rất cao nên mua xe ở Canada thường rẻ hơn 50% so với mua ở Trung Quốc. Và ở Canada, họ ít bị nhòm ngó về cách tiêu tiền của mình.

“Ở Vancouver có nhiều đứa trẻ là con của những quan chức tham nhũng ở Trung Quốc. Ở đây, họ có thể khoe khoang tiền bạc” – Shi Yi, 27 tuổi, chủ sở hữu một đại lý xe hơi chuyên phục vụ giới nhà giàu Trung Quốc cho hay.

Trong khi đó, một số dân nhập cư Trung Quốc cho rằng siêu xe là một sự đầu tư không khôn ngoan vì giá trị của nó giảm dần theo thời gian. “Tốt hơn là chi nửa triệu đô la vào 2 chiếc đồng hồ đắt đỏ hoặc một số kim cương” – Diana Wang, 23 tuổi, sinh viên ĐH British Columbia, người sở hữu hơn 30 chiếc túi Chanel và một chiếc đồng hồ Richard Mille nạm kim cương 200.000 đô la chia sẻ.

Wang – ngôi sao trong chương trình thực tế “Những cô gái châu Á siêu giàu của Vancouver” – thường lái chiếc Ferrari hoặc chiếc Mercedes-Maybach của bố mẹ cô khi cô về thăm họ ở Thượng Hải. Nhưng ở Canada, bố mẹ cô chỉ cho con gái 115.000 đô la Mỹ tiêu xài, nên cô lái chiếc Audi RS5 kém sang hơn.

“Tôi có thể gặp nguy hiểm nếu người ta nhìn thấy tôi trong siêu xe” – Wang nói trong khi đeo chiếc đồng hồ Breguet còn giá trị hơn cả một chiếc BMW.

Cách đây 4 năm, để hiểu giá trị của đồng tiền sau khi bị bạn bè chỉ trích về thói tiêu xài hoang phí, Wang đã sống 3 ngày trên đường phố Vancouver như một người vô gia cư. Wang kể, cô rời khỏi biệt thự trong khi không mang theo điện thoại, chứng minh thư hay ví, mặc bộ đồ ngủ của Victoria’s Secret và đi đôi giày Chanel 1.000 đô.

Wang xếp hàng để nhận đồ ăn miễn phí và cảm thấy sự sỉ nhục sau khi bị đá ra khỏi nhà hàng đồ ăn nhanh Tim Horton vì ngủ gật trên bàn. Cô nói, trải nghiệm này khiến cô đánh giá lại sự hỗ trợ tài chính của bố mẹ.

“Trước đó, tôi chưa bao giờ nhìn giá khi mua sắm. Bây giờ thì tôi đã nhìn” – Wang nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận