“Cái lý cái tình” trong việc giải cứu vỉa hè ở TP. Hồ Chí Minh
Với mong muốn biến TP. Hồ Chí Minh thành một Singapore thu nhỏ, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 đã trực tiếp xuống đường chỉ đạo chiến dịch dẹp vỉa hè từ ngày 16/1 tại quận 1, sau đó chiến dịch đã lan rộng ra nhiều quận, huyện và các địa phương khác trong cả nước. Trong chiến dịch “giải cứu” vỉa hè ông Hải đã từng khẳng định không có chuyện xử lý việc lấn chiếm lòng lề đường theo cách “bắt cóc bỏ đĩa” và tuyên bố rằng nếu không làm được sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo kiểu phong trào đánh trống bỏ dùi để nổi tiếng.
Kết quả được khẳng định bằng việc chỉ hơn một tháng ra quân quận 1 đã xử phạt gần 1.000 trường hợp vi phạm, cẩu nhiều ô tô về trụ sở, nhiều công trình lấn chiếm bị đập bỏ. Với những kết quả khả quan trên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những hoạt động của UBND quận 1 và yêu cầu các quận, huyện khác phải “học” cách làm quyết liệt của quận 1 chứ “không ngồi bàn giấy chỉ đạo”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền, các quận, huyện khác tại TP. Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân xử lý việc lấn chiếm vỉa hè và sau đó chiếc dịch lan rộng toàn Thành phố và các tỉnh thành trong cả nước.
Trong chiến dịch giải cứu vỉa hè vừa qua, quận 1 được người dân và các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá quyết liệt như một “Cơn lốc”, “chiến dịch”. Tuy nhiên, khi chiến dịch giải cứu vỉa hè đang là điểm nóng, được đánh giá có phần quyết liệt, thì đâu đó vẫn còn “cái tình” đầy chất chứa. Đơn cử như khi giải cứu vỉa hè trên tuyến đường Trần Hưng Đạo gặp một cầu thang được xây mặt tiền nhưng lấn chiếm vỉa hè dù ông Hải đã ra lệnh cho tháo dỡ nhưng rồi lại chưa “nỡ” thực hiện. Bởi người dân giải thích với ông rằng đó là một căn nhà hiện đang gặp tranh chấp và trên tầng có một bà cụ hơn 80 tuổi đang bị bệnh. Xét thấy trường hợp đặc biệt ông đã giữ lại cầu thang và lập biên bản tình trạng lấn chiếm.
Do có sự lan tỏa từ quận 1, chiến dịch giải cứu vỉa hè tại quận 10 và quận Bình Tân diễn ra có phần “êm đẹp” và nhận được sự đồng thuận của người dân. Phó Chủ tịch quận Bình Tân - Nguyễn Gia Thái Bình cho biết, đối với quận Bình Tân sẽ lập kế hoạch chi tiết cho từng tuyến đường phân cấp cho từng cá nhân chịu trách nhiệm giám sát quản lý, phường nào để xảy ra tình trạng bát nháo thì chủ tịch phường sẽ bị xử lý. Khi dẹp vỉa hè ông Bình luôn nghĩ đến người nghèo trước tiên và chỉ xử phạt nặng những người biết mà cố tình vi phạm.
Để giải cứu vỉa hè một cách lâu dài, bài bản, hợp lòng dân UBND TP. Hồ Chí Minh đã lên phương án cho người bán hàng rong bằng cách đưa các khu chợ phiên, phố ẩm thực hàng rong tại đường Nguyễn Văn Chiêm, Công viên Bách Tùng Diệp, Công viên Bạch Đằng… vào hoạt động để người dân kinh doanh.
Thiết nghĩ về lâu về dài TP. Hồ Chí Minh cần những chính sách phù hợp và tiếp tục duy trì, mở rộng các khu vực bán hàng tập trung, chợ phiên, chuyển đổi ngành nghề… để những người bán hàng rong có điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.
Hà Nội đã làm nhưng chưa cải thiện được nhiều
Tiếp sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đồng loạt ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Khởi phát từ trung tâm - quận Hoàn Kiếm đi đầu trong việc tìm lại vỉa hè phố cổ cho người đi bộ và du khách. Những hàng ăn, cơ sở kinh doanh, biển quảng cáo chiếm vỉa hè, xe cộ dừng đỗ dưới lòng đường đều bị cưỡng chế dọn dẹp, tịch thu, xử phạt. Sau Hoàn Kiếm, sáng 10/3, hơn 10 quận, huyện như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân… đồng loạt ra quân lập lại trật tự.
Hàng chục máy xúc, máy khoan, máy đục được huy động đập bỏ bậc tam cấp xây lấn đất công. Bậc thềm hàng trăm ngôi nhà, trong đó có cả trụ sở cơ quan như UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) lấn vỉa hè cả mét đều bị cưỡng chế đục bỏ. Mái vẩy, biển quảng cáo... chiếm không gian chung bị tháo dỡ, người bán hàng rong không được hoạt động.
Thực tế cho thấy, sau gần 2 tháng ra quân, vỉa hè của nhiều tuyến phố thuộc các quận huyện ở Hà Nội đã thông thoáng hơn và đa số người dân đã chấp hành quy định làm sạch vỉa hè của chính quyền Thủ đô, trong đó có nhiều người dân nghèo sống nhờ vào vỉa hè. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm không gian chung này đang có dấu hiệu tái diễn ở một tuyến phố trung tâm và nhiều điểm kinh doanh lớn.
Hàng Bạc, Hàng Mắm, Đinh Liệt, Tạ Hiện, Tôn Đản... vỉa hè lại bị lấn chiếm để kinh doanh. Điển hình, một bãi giữ xe tự phát rất biết cách sắp xếp xe để tận dụng vỉa hè một cách tối đa. Điều đáng nói, những điểm lấn chiếm lại chỉ cách trụ sở công an phường vài chục mét.
Hà Nội sau 60 ngày ra quân xử lý lấn chiếm vỉa hè, vẫn còn nhiều tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm chưa cải thiện được nhiều. Không chỉ là vỉa hè, mà ngay cả lòng đường, người đi bộ cũng khó khăn khi đi qua những tuyến phố này. Hầu hết những điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè và lòng đường đều là những hộ có diện tích nhà hàng khá rộng. Đây là điều không công bằng, bởi trong khi nhiều người dân nghèo sống nhờ vào vỉa hè thực hiện rất nghiêm túc thì những điểm kinh doanh có mặt bằng ổn định lại thoải mái chiếm dụng vỉa hè.
Nhiều ý kiến cho rằng, một số tuyến phố đi bộ có thể linh động cho kinh doanh rộng ra vỉa hè một chút để giữ không khí cho du khách. Tuy nhiên, để việc lấn chiếm tràn ra cả lòng đường là khó có thể chấp nhận.
Với quyết tâm lập lại trật tự đô thị, lãnh đạo TP. Hà Nội đã chỉ đạo gắn trách nhiệm trực tiếp trong việc xử lý lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, với thực tế tái diễn lấn chiếm vỉa hè ở một số tuyến phố hiện nay cho thấy, Hà Nội còn phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý người có trách nhiệm thì việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ mới có thể duy trì được lâu dài
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.