Câu chuyện về những người dân nghèo “hiến đất” làm đường

Giao thông 24h 17/03/2015 16:31

Chủ đầu tư ngỡ ngàng khi 500 hộ dân Văn Quán giao ngay 25ha đất theo giá cũ vào thời điểm nhạy cảm.


Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm, tặng quà tri ân những người dân xã Văn Quán (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã nhường đất bàn giao mặt bằng sớm tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Bộ trưởng Đinh La Thăng thăm, tặng quà tri ân những người dân xã Văn Quán (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đã nhường đất bàn giao mặt bằng sớm tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Cả xã nhất loạt bàn giao sớm mặt bằng

Trong khi ở nhiều nơi, người dân chây ì, thậm chí dựng lều cản trở thi công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai để đòi tiền đền bù đất chênh lệch do chính sách thay đổi, gần 550 hộ dân xã Văn Quán (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) lại tự nguyện bàn giao toàn bộ mặt bằng mà không đòi hỏi điều kiện gì.

Chúng tôi tìm về xã Văn Quán thời điểm năm mới Ất Mùi qua chưa lâu. Quãng đường vài chục cây số từ Hà Nội về với xã thuần nông này nhanh đến bất ngờ, chỉ vài chục phút chạy xe băng băng trên đường cao tốc mới tinh tươm, dài và hiện đại nhất Việt Nam. Với chiều dài 245 km, cao tốc Nội Bài – Lào Cai giúp Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc thêm gần với Thủ đô, đồng thời mở ra cơ hội không thể tốt hơn để các tỉnh nghèo này đột phá phát triển kinh tế – xã hội.

Dù đã thông xe, đưa vào khai thác nhiều tháng nay, nhưng không ít người vẫn không quên, trong suốt quá trình hơn 5 năm triển khai, nhiều thời điểm dự án đã phải trải qua những giai đoạn hết sức khó khăn, nhất là trong công tác đền bù, GPMB.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Viết Văn, Chủ tịch UBND xã Văn Quán kể, những năm 2009, 2010, thời điểm cao tốc Nội Bài – Lào Cai mới khởi công, là giai đoạn đặc biệt khó khăn trong công tác GPMB. Ở rất nhiều nơi, người dân chây ì, dựng hàng rào, dựng lều cản trở thi công. Nhiều lúc công tác GPMB bế tắc, nhà thầu không thể triển khai thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ tuyến cao tốc. Thậm chí, ở một số nơi, chính quyền phải áp dụng giải pháp cưỡng chế, bảo vệ thi công.

“Lý do chính dẫn đến điều này do giữa thời điểm 2009 và 2010 cơ chế chính sách trong công tác GPMB có sự thay đổi lớn. Chênh lệch giá giữa hai cơ chế cũ và mới rất lớn, thậm chí gấp hai, ba lần nên người dân không dễ gì chấp nhận thực tế đó”, ông Văn nói.

Tuy nhiên, theo ông Văn, trong bối cảnh đó, gần 550 hộ dân của Văn Quán vẫn đồng lòng bàn giao toàn bộ hơn 25 ha đất, chiếm tới 40% đất nông nghiệp của xã cho chủ đầu tư để triển khai thi công. “Mức hỗ trợ chỉ áp theo quy định cũ với vỏn vẹn 30 triệu đồng một sào, bằng nửa so với mức giá 60 triệu đồng/sào theo quy định mới.

Ở những vùng giáp ranh, nhất là ở địa phận Hà Nội cách đó không bao xa, khi đó còn lên tới 200 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, người dân Văn Quán không so đo, tính toán thiệt hơn, bàn giao sớm ngày nào, tốt cho tuyến cao tốc ngày đó”, ông Văn tâm sự.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, một trong những hộ tiên phong di dời, bàn giao sớm tới gần 2 nghìn m2 đất chia sẻ, dù hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân bị bệnh phổi nhưng vì việc chung của địa phương, của đất nước, mỗi người cần phải hy sinh lợi ích cá nhân. Đường cao tốc sớm đưa vào khai thác ngày nào, đất nước có cơ hội phát triển ngày đó, đời sống người dân cũng từ đó được nâng lên.

“Cả gia đình hiện chỉ còn khoảng hai sào ruộng, cũng rất khó khăn. Nhưng khi được chính quyền xã vận động, vợ chồng tôi đồng ý ngay. Rất nhiều người trong xã cũng vậy, không ai bảo ai, đồng loạt giao đất cho chủ đầu tư mà không đòi hỏi gì”, ông Hoàng nói.

Hoàn cảnh còn khó khăn hơn, bà Nguyễn Thị Nhu, 75 tuổi, sống đơn thân. Khi được xã vận động, bà đã bàn giao ngay hơn 130m2 đất. Khi được hỏi lý do, bà chỉ trả lời, đó là việc nên làm, vì việc chung của tỉnh, của quốc gia. Mình mà không bàn giao sớm, công trình ách tắc đến bao giờ mới xong.

Tri ân

Nhớ lại những ngày đi vận động bà con bàn giao đất xây đường cao tốc, ông Văn kể: Văn Quán vốn là một xã Anh hùng, trong những năm kháng chiến đã có truyền thống nhường đất, nhường nhà phục vụ bộ đội đánh thắng kẻ thù.

Có một số hộ, chính quyền cũng phải vài lần đi vận động, thậm chí có nhà phải ngồi lì thuyết phục từ tối đến đêm, rồi từ sáng đến chiều. Vì là xã thuần nông, dựa cả vào mấy sào ruộng, chỉ có một số ít hộ gia đình có nghề thủ công đan lát hoặc chạy chợ, đời sống còn nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên, khi chính quyền xã khơi gợi lại truyền thống quê hương, cuối cùng những người khó nhất cũng đồng thuận”, ông Văn kể và cho biết, sau này tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Lập Thạch và cả chủ đầu tư cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con nên đời sống của người dân nơi đây bớt khó khăn hơn.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (chủ đầu tư dự án) chia sẻ, một trong những vướng mắc nan giải nhất của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai là công tác GPMB vướng mắc kéo dài. Điều này khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu và các địa phương rất đau đầu, dự án đối mặt với nguy cơ chậm tiến độ. Việc người dân xã Văn Quán đồng lòng bàn giao mặt bằng sớm là điển hình rất đáng ghi nhận.

“GPMB luôn được xem là phần việc khó khăn nhất khi triển khai các dự án, công trình giao thông. Nếu ở đâu người dân cũng sẻ chia và bàn giao mặt bằng sớm như Văn Quán, các dự án giao thông sẽ vợi bớt đi nhiều phần khó khăn và sẽ càng ít công trình bị chậm tiến độ hay phải kéo dài do vướng mắc trong GPMB. Đây là những nghĩa cử cao đẹp, góp phần làm nên thành công của tuyến cao tốc dài và đẹp nhất Việt Nam”, ông Tuấn Anh nói.

Ngay trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, trực tiếp Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã đến tận xã Văn Quán, vào thăm và tặng quà nhiều hộ dân để tri ân những người đã nhường đất, bàn giao sớm mặt bằng cho tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Tại đây, Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới lãnh đạo địa phương, người dân nơi đây, đồng thời cho rằng, đây là những nghĩa cử rất cao đẹp.

“Dù người dân đa phần còn rất khó khăn, nhưng vì việc chung của đất nước, của tỉnh, huyện và địa phương sẵn sàng nhường đất, hy sinh quyền lợi của cá nhân mình. Đây là những việc làm rất đáng trân trọng”, Bộ trưởng nói và đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cần xây dựng chiến lược cụ thể để tận dụng lợi thế của tuyến đường cao tốc thuộc loại dài và hiện đại nhất Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống người dân.

Ngày 25/4/2009, tại xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh khởi công Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Với chiều dài 245 km, đi qua 5 tỉnh, Nội Bài – Lào Cai là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay. Đây cũng là tuyến đường có  nhiều hộ dân phải di dời, bàn giao mặt bằng nhất. Toàn dự án có tới hơn 25 nghìn hộ dân thuộc diện ảnh hưởng, phải di dời, GPMB. Dự án phải xây dựng tới 99 khu tái định cư, áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17 nghìn hộ dân.

(Theo Báo Giao thông)

Ý kiến của bạn

Bình luận