Cậu học trò đến trường bằng đôi tay

11/12/2015 10:11

Đôi chân teo tóp không còn đi lại được, Mậu vẫn quyết tâm tới trường bằng đôi tay gầy guộc và hiện đã là học sinh lớp 11.

Tan trường, Lương Văn Mậu nhanh tay đeo cặp vào cổ rồi chống hai tay xuống nền nhà, dồn sức để di chuyển về phía chiếc xe lăn đang dựng cuối góc lớp. Được bạn bế lên xe rồi đẩy về phòng trọ, nước mắt cậu học trò lớp 11C trường THPT Tương Dương 1 (Nghệ An) bỗng rơi vì cảm động. 

Mậu kể, từ ngày lên lớp 10, con đường đến trường đỡ vất vả hơn khi được một nhà hảo tâm tặng cho chiếc xe lăn. Đôi bàn tay đỡ bị chai sạn khi không còn phải bò đến trường mỗi ngày như trước. Nhà trường cũng bố trí cho cậu được học ngay ở tầng một suốt hai năm qua.

luong-van-mau1
Cậu học trò nghị lực Lương Văn Mậu. Ảnh: Phan Ngọc

Sinh ra và lớn lên ở xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, từ nhỏ Mậu đã bị teo tóp đôi chân. Ở vùng đất được xem là điểm nóng về ma túy, ngày Mậu lên 6, anh trai hơn 2 tuổi thì cũng là lúc bố dính vào vòng lao lý, không lâu sau mẹ đi tù vì heroin.

Bố cậu thi hành án 16 năm, mẹ nhẹ tội hơn. Hai anh em Mậu thi thoảng gồng gánh nhau vào tù thăm bố mẹ. Mãn hạn tù, trở về quê, người mẹ "ngựa quen đường cũ" và cách đây gần nửa năm tái phạm tội liên quan tới ma túy. "Lần này chẳng biết lúc nào mẹ mới về", Mậu nói, mắt đỏ hoe. 

Bố mẹ vào tù, bà ngoại phải đón hai anh em cậu về chăm sóc và cho đi học. Những ngày tháng đầu làm quen với con chữ rất cực nhọc với cậu học trò yếu ớt như Mậu. Ai cũng chỉ mong em tới trường để biết thêm con chữ và gặp bạn bè cho vui chứ không dám ước mơ gì nhiều.

"Nhưng rồi thấy bố mẹ lần lượt vào tù, nguyên nhân từ cái nghèo và thiếu hiểu biết pháp luật nên em quyết tâm đi học để thay đổi số phận mình”, Mậu chia sẻ. Bạn Lô Lương Chôm đã tình nguyện cõng Mậu tới trường suốt 5 năm học cấp 1. Học đến cấp 2, người bạn đồng hành phải nghỉ học để đi làm rẫy, Mậu tự bò đến trường mỗi ngày bằng đôi tay và đầu gối.

Hơn 10 năm qua, cậu học trò nghèo miệt mài tới trường theo đuổi con chữ mà chưa nghỉ một buổi học nào dù nắng hay mưa. Là học sinh khuyết tật được miễn thi nhưng Mậu vẫn tham gia kỳ thi chuyển cấp và đậu vào Trường THPT Tương Dương 1. 

Hiện bà ngoại đã gần 70 tuổi, không còn đủ sức để lo hai anh em Mậu. Người anh trai Lương Văn Tý thương em nên đã nghỉ học, từ biệt bà ngoại vào Nam làm thêm kiếm tiền gửi về cho em trai tiếp tục đến trường.

Với số tiền ít ỏi 600.000 đồng/tháng được anh trai gửi cho, Mậu phải tự phân chia sao để đủ tiền thuê phòng trọ, ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Trường cách nhà quá xa nên cậu phải gói gém đồ đạc lên thị trấn thuê phòng trọ gần trường sống tự lập.

luong-van-mau-2
Rời xe lăn, Mậu chỉ còn cách dùng đôi tay để di chuyển. Ảnh: Phan Ngọc

Vừa phụ bạn nhặt rau chuẩn bị cho giờ cơm trưa, Mậu vừa chia sẻ: “So với những tấm gương khác em có là gì đâu, thành tích học tập vẫn còn kém lắm, mới ở mức trung bình. Nhiều người bị cụt cả hai cánh tay, khó khăn hơn em nhiều mà họ vẫn trở thành được người tài năng, có thể tự nuôi sống được bản thân”. 

Mậu ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để có thể tự lập và nuôi sống bản thân. Ngoài những giờ tin học ở trường và ít cuốn sách cũ về tin học thầy cô và bạn bè cho, Mậu thường tranh thủ giờ rảnh để ra quán Internet ngồi làm quen với máy tính và tìm tài liệu về học.

Cô Lương Thị Công, giáo viên chủ nhiệm lớp 11C, trường THPT Tương Dương 1, cho biết tuy sức khỏe yếu, hoàn cảnh khó khăn, nhưng Mậu luôn ý thức và chăm chỉ học tập nên được các bạn bè quý mến. Nhà trường đã cố gắng tạo điều kiện nhất để em học tập. 

Ý kiến của bạn

Bình luận