Cầu Mống là nơi bộ hành yêu thích của người dân Sài Gòn, nhất là giới trẻ. |
Là một thành phố nằm ở khu đồng bằng Đông Nam Bộ với nhiều kênh rạch chằng chịt, mật độ xe cộ lại thuộc hàng cao nhất cả nước. Thế nên, những cây cầu kiên cố và hoành tráng đã ra đời phục vụ cho tiện ích chung của người dân thành phố. Tuy nhiên, có những cây cầu cũ kỹ, nhưng gắn liền với một thời đại lịch sử của dân tộc, và trải qua biết bao nhiêu năm tháng, qua nhiều đợt trùng tu cải tạo, những cây cầu này vẫn được chính quyền thành phố quan tâm duy trì để rồi nó trở thành một địa điểm đẹp trong lòng người dân địa phương.
Cầu Mống do Công ty vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp bỏ vốn xây dựng vào năm 1893-1894, dài 128 mét, rộng 5,2 mét, lề bộ hành rộng 0,5 mét, xây bằng thép kiên cố. Theo thiết kế ban đầu, cầu Mống được dùng cho cả người đi bộ và phương tiện cơ giới. Đầu cầu phía Quận 1 có hai đường dẫn, một để đi lên cầu sang Vĩnh Hội (quận 4) và một để từ phía Vĩnh Hội đi qua để xuống bến ChươngDương. Sau này, cầu chỉ còn dành cho người đi bộ. Xung quanh tên gọi cầu Mống có nhiều cách lý giải khác nhau. Đây có thể là tên gọi chệch từ cầu Móng, vì đây là một trong những chiếc cầu đầu tiên có trụ móng được xây ở Sài Gòn. Cũng có thể vì hình dáng của chiếc cầu giống như vòng mống nên dân Sài Gòn xưa gọi là cầu Mống.
Trong giai đoạn thi công Đại lộ Đông – Tây và Đường hầm sông Sài Gòn, cầu Mống đã được tháo dỡ hoàn toàn. Tuy nhiên do tính chất lịch sử của cây cầu nên sau khi hoàn tất việc làm hầm Thủ Thiêm thì cầu Mống đã được trả lại đúng nguyên trạng ban đầu và gia cố thêm phần trụ móng kèm trang bị chiếu sáng mỹ thuật. Riêng các đường dẫn được phá bỏ và thay thế bằng bậc cấp cho người đi bộ.
Nằm ở trung tâm Sài Gòn với khung cảnh rất lãng mạn, từ thời Pháp thuộc cầu Mống đã trở thành nơi hẹn hò tình tự của các cặp trai gái. Cho đến ngày nay, cây cầu này đã trở thành một nơi bộ hành yêu thích của người dân Sài Gòn, nhất là giới trẻ. Bởi khi đêm xuống đèn lên, hệ thống chiều sáng mỹ thuật dưới vòng mống chân cầu vô cùng đẹp mắt đã thu hút nhiều bạn trẻ đến với cây cầu đi bộ thoáng mát rộng rãi này. Phía dưới cầu là dòng kênh Tàu Hủ nay đã được xử lý sạch sẽ, lại thêm đại lộ Đông Tây hoàn thành, với nhiều công trình cây xanh khang trang hiện đại, đã trở thành một dấu ấn của Sài Gòn mà nhiều du khách cũng như người dân thành phố thường xuyên lui tới.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.