Cầu Vàm Cống hoàn thành: Nỗi niềm kẻ ở - người đi

Thị trường 28/11/2017 06:55

Mỗi ngày, trên công trường cầu Vàm Cống có khoảng 300 công nhân, cán bộ, kỹ sư làm việc miệt mài. Mỗi người đều có nỗi niềm riêng và đợi chờ ngày được nhìn ngắm dòng xe lăn bánh trên cầu.

 

hình 1
Những chuyến phà mang nhiều nỗi niềm của hành khách và người đưa đò qua sông

Những ngày cuối tháng 10, không khí làm việc tại công trường xây dựng cầu Vàm Cống càng rộn ràng và náo nhiệt. Các đơn vị thi công đều dốc toàn lực để hoàn thiện các hạng mục đảm nhiệm. Riêng phần cầu Vàm Cống đã hoàn thiện đến 98%, các hạng mục còn lại như trải thảm nhựa, lắp đặt hàng rào hộ lan, hệ thống chiếu sáng…

Ông Đặng Ngọc Nguyên - Giám đốc Dự án 3B (đường dẫn vào cầu Vàm Cống) cho biết, hiện tiến độ dự án vẫn dựa theo tiến độ chung của tổng dự án. Phần cầu dẫn nối hai phần đầu cầu vào địa bàn hai tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ. Tổng mức đầu tư toàn Dự án là hơn 500 tỷ đồng. Bờ Đồng Tháp với tuyến chính và hai tuyến nhánh nối vào QL54. Bờ Cần Thơ với tuyến chính dài 02km và tuyến nhánh dài 1,3km nối vào QL80.

Nhìn chung, quá trình giải phóng mặt bằng để thi công gặp thuận lợi chứ không khó khăn như những dự án khác. Công trình chủ yếu thi công trên vùng đất trống nên nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Hiện nay, phía Công ty cũng đang dốc toàn bộ lực lượng và tập trung nhân công, máy móc… để hoàn thiện phần gói thầu đúng với tiến độ của tổng thể dự án.

Theo ông Trần Văn Thi - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, công trình cầu Vàm Cống là một phần quan trọng trong Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long và toàn miền Nam. Bên cạnh đó, việc hoàn thành cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ hình thành trục dọc cao tốc thứ 2 nối từ TP. Hồ Chí Minh đến TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) là N2 - cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Như vậy, thời gian đi từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây sẽ được rút ngắn đáng kể, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc hiệu quả, toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2017.

Được biết, cầu Vàm Cống là cây cầu lớn nhất của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long và là cầu thứ hai sau cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu thuộc địa phận huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, cách bến phà Vàm Cống khoảng 1,5km về phía hạ lưu và cách cầu Cần Thơ khoảng 48km về phía thượng lưu.

Phà Vàm Cống, gần thế kỷ đưa khách qua sông

hình 3

Phà Vàm Cống sau gần một thế kỷ đưa khách qua dòng sông Hậu chuẩn bị kết thúc sứ mệnh nhường lại nhiệm vụ cho chiếc cầu dây văng hiện đại

 


Sau gần thế kỷ đưa khách qua dòng sông Hậu, phà Vàm Cống chuẩn bị kết thúc sứ mệnh, nhường lại nhiệm vụ cho cầu Vàm Cống sắp được đưa vào sử dụng cuối năm 2017.

Những ngày cuối tháng 10, có mặt tại bến phà Vàm Cống trên dòng sông Hậu nối tỉnh Đồng Tháp và An Giang, chúng tôi cảm nhận được nỗi niềm khó tả của hành khách và những người làm công việc đưa đò qua sông. Những hồi còi dài báo hiệu phà sắp rời bến vang lên, tiếng động cơ xập xình cùng tiếng sóng lao xao. Đâu đó lại có tiếng thở dài của những người bán hàng rong, vé số trên phà bởi khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng, những chuyến phà đông vui, nhộn nhịp sẽ không còn nữa, cuộc sống của họ không biết sẽ như thế nào”.

Nỗi niềm buồn vui lẫn lộn dường như cũng làm chiếc phà trọng tải 200 tấn trở nên nặng hơn thường ngày bởi chở đầy tâm tư của bao mảnh đời mưu sinh. Rồi đây sẽ không còn những chuyến phà qua sông bồng bềnh, không còn được nghe tiếng còi phà vang vọng trong đêm và những âm thanh quen thuộc khác.

Gắn liền với những chuyến phà, ngoài hành khách và CB, CNV bến phà là hàng trăm người mưu sinh với đủ thứ nghề khác nhau ở đôi bờ. Bà Huỳnh Thị Hồng (59 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang) có "thâm niên" bán nước 13 năm ở phà Vàm Cống tâm sự: “Nghe nói cuối năm nay cầu thông, cuộc sống gia đình tôi trước giờ chủ yếu dựa vào thu nhập bán hàng rong trên phà. Nếu phà ngừng hoạt động, cuộc sống gia đình sẽ vất vả và biến động về thu nhập, chắc tôi sẽ chuyển qua bán thịt bò. Có lẽ sẽ rất buồn nếu phải rời xa cảnh nhộn nhịp của bến phà nhưng tôi cũng vui vì quê mình có một cây cầu hiện đại, con cái sau này đi học sẽ thuận tiện và phát triển tốt hơn”.

Vừa lái xe lên phà, tài xế Trần Thanh Hùng (42 tuổi, quê ở Cần Thơ) vui vẻ nói: “Cây cầu là mơ ước từ lâu của cánh tài xế chúng tôi. Khi cầu đưa vào sử dụng, anh em tài xế sẽ không còn phải chịu cảnh xếp hàng chờ đợi hàng giờ chờ phà, vừa rút ngắn thời gian, vừa tiết kiệm chi phí”.

Nhìn lên cây cầu dây văng đang vươn mình trong nắng, thuyền trưởng Nguyễn Trương An (quê ở TP. Cần Thơ) với 18 năm gắn bó với nghề lái tàu chia sẻ: “Ngần ấy thời gian gắn bó với bến phà, mấy ai không khỏi chạnh lòng khi phải rời xa nó. Không biết thời gian tới tôi sẽ theo chiếc phà này về đâu. Mình yêu nghề nên khi phà Vàm Cống không còn hoạt động, nếu được phân công điều chuyển đến các bến phà khác tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ để được lênh đênh trên sóng nước đưa hành khách qua sông an toàn”.

Công tác 33 năm tại phà Vàm Cống, ông Lê Huy Khánh - Phó giám đốc Bến phà Vàm Cống cho biết: “CB, CNV ở phà Vàm Cống hiện có 150 người, càng đến gần ngày phà ngừng hoạt động anh em càng không giấu được sự tiếc nuối và lo lắng. Chúng tôi cũng đã có nhiều phương án khi phà dừng hoạt động. Theo đó, sẽ có khoảng 80 người được bố trí về các bến phà Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắc và Láng Sắt, 70 người còn lại có một số không muốn xa gia đình nên nguyện vọng xin nghỉ việc. Chúng tôi cũng đang làm việc với tỉnh An Giang, nếu địa phương tiếp tục quản lý duy trì hoạt động phà thì sẽ nhận CB, CNV này tiếp tục làm việc”.

Nhìn về bến và xa xăm, ông Khánh trầm tư nói: “Cuối năm nay cầu Vàm Cống sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, chắc có lẽ đến ngày ấy bến phà sẽ không còn nữa. Qua biết bao thăng trầm của lịch sử, qua rất nhiều thế hệ công nhân đã làm việc tại bến phà, có lẽ tất cả đã để lại những tình cảm chân thành cho khách qua phà. Việc đi lại của người dân vẫn tiếp diễn khi đi qua cây cầu mới, hiện đại, nhìn về phía thượng lưu sông Hậu sẽ không còn thấy bóng dáng những con phà qua lại. Rồi đây, những hình ảnh của một bến phà xa xưa có lẽ chỉ còn đọng lại trong ký ức của mỗi người

Ý kiến của bạn

Bình luận