CEO Facebook - ông Mark Zuckerberg. Ảnh: Euronews |
Trong phiên điều trần mới nhất trước Quốc hội Mỹ, CEO Facebook, ông Mark Zuckerberg, không ngừng thể hiện sự hối tiếc về những gì đã xảy ra liên quan đến bê bối dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook tại Mỹ.
Trong lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên sau khi Facebook đối diện với hàng loạt bê bối, từ vấn đề quyền riêng tư dữ liệu cho đến việc người Nga phát tán thông tin sai lệch, CEO của Facebook đã đối diện với một loạt câu hỏi từ các thượng nghị sỹ Mỹ.
Các Thượng nghị sỹ yêu cầu CEO Facebook phải cung cấp thông tin chi tiết về việc Facebook đã thu thập và sử dụng thông tin của người dùng như thế nào, và cần đưa ra phương án cụ thể cho việc Facebook sẽ thay đổi chính sách để bảo vệ quyền riêng tư cho người dùng ra sao.
Rủi ro các nhà hoạch định chính sách thắt chặt chính sách quản lý không chỉ với riêng Facebook mà còn toàn bộ ngành công nghệ ám ảnh trong ngày điều trần đầu tiên.
“Nếu Facebook và nhiều công ty Internet khác không và không thể giải quyết vấn đề xâm phạm quyền cá nhân, chúng tôi sẽ hành động”, Thượng nghị sỹ Bill Nelson, chính trị gia của Đảng Dân chủ có vị trí cao nhất trong Ủy ban Thương mại Mỹ lên tiếng.
CEO Facebook thừa nhận sai sót: “Rõ ràng chúng tôi đã không làm đủ để ngăn những công cụ trên bị lạm dụng cho mục đích xấu. Chúng tôi cũng đã không làm đủ để ngăn chặn tin giả bị phát tán, người nước ngoài can thiệp vào bầu cử của chúng ta cũng như những phát ngôn thù hận được đưa ra, ngoài ra phải kể đến quyền riêng tư dữ liệu”.
Sau thời gian dài né tránh liên quan đến những vấn đề của chính quyền, ông Zuckerberg nhận trách nhiệm cho sai lầm của Facebook: “Chúng tôi đã không bao quát đủ trách nhiệm của chúng tôi, và đó là sai lầm lớn. Đó là lỗi của tôi, tôi xin lỗi. Tôi sáng lập ra Facebook, tôi điều hành nó và tôi chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra ở đây”.
Theo khẳng định của CEO Facebook, việc Facebook không thể phát hiện ra và ngăn chặn tin giả từ phía Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 là một trong những điều nuối tiếc lớn nhất của ông. Trong năm 2018, một trong những ưu tiên lớn nhất chính là thay đổi điều này.
Tuy vậy, các thượng nghị sỹ Mỹ không thực sự hài lòng với những lời xin lỗi, thừa nhận và cam kết từ phía ông Zuckerberg. Một số thượng nghị sỹ yêu cầu được biết chi tiết về việc bằng cách nào mà công ty tư nhân, bên thứ ba như Cambridge Analytica có thể tiếp cận được với thông tin cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook, trong đó có 71 triệu người Mỹ.
Có thể thấy ông Zuckerberg đã rất cố gắng để ngăn căng thẳng trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ bằng việc thể hiện sự ăn năn và cam kết sẽ thực thi thay đổi. Dù vậy, các nghị sỹ hai đảng vẫn đang yêu cầu cần có những động thái rõ ràng hơn để hạn chế việc các công ty công nghệ thu thập thông tin và sử dụng nó.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.