Chăm lo đời sống lao động nữ ngành Giao thông vận tải

Giao thông 24h 15/03/2015 07:53

Kế thừa và phát huy truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu cùng tinh thần Quốc tế Phụ nữ 8/3 bất diệt, trong suốt chiều dài lịch sử, hình ảnh phụ nữ Việt Nam được biết đến như biểu trưng cho tinh thần đấu tranh quật khởi của dân tộc.


Ngày nay, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước đã đoàn kết, phấn đấu, năng động, sáng tạo, tự tin, phát huy sức mạnh nội lực, tiếp thu những tinh hoa từ phong trào phụ nữ thế giới, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của ngành GTVT nói chung và đất nước nói riêng.

cienco-1ncn

Thời gian qua, phong trào nữ công luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Công đoàn GTVT Việt Nam đã chủ động trong công tác kiện toàn Ban Nữ công để tiếp tục củng cố, nâng cao vị trí và hoạt động của công tác nữ. Hàng năm, Ban Nữ công Công đoàn các cấp đều có sự phối hợp tốt với Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của các đơn vị chỉ đạo hoạt động của phong trào nữ CNVCLĐ, có chương trình cụ thể từng năm và từng giai đoạn.

Ban Nữ công Công đoàn GTVT Việt Nam, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ GTVT đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đưa vào chương trình công tác của năm và từng giai đoạn để triển khai thực hiện đối với tất cả các đơn vị trong Ngành; phát động trong nữ CNVCLĐ các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2010 – 2020; công tác tuyên truyền về thực hiện Pháp lệnh Dân số – KHHGĐ, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

Năm 2014, Công đoàn GTVT Việt Nam đã tổ chức tập huấn về kinh nghiệm và một số kỹ năng hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác nữ công, kỹ năng cân bằng công việc và gia đình, hiểu con để chăm sóc và giáo dục đúng cách.

Trong quá trình triển khai thường xuyên có sự đổi mới về nội dung, biện pháp vận động nữ CNVCLĐ với nhiều hình thức lồng ghép đa dạng, phong phú thông qua Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động vì trẻ em, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10… thông qua các hội thi tìm hiểu, hội thảo, hội diễn, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề… Qua đó, giúp chị em nâng cao kiến thức xã hội, hiểu được thời cơ, thách thức và sức cạnh tranh đối với nữ CNVCLĐ trong thời kỳ hội nhập, để chị em khắc phục khó khăn của bản thân và gia đình, tích cực nghiên cứu nắm bắt kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong lao động công tác, nữ CNVCLĐ luôn có ý thức giữ gìn tốt kỷ luật lao động, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua trong lao động, sản xuất lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của ngành, thực hiện mục tiêu thi đua chung của toàn ngành GTVT. Một số phong trào tiêu biểu như: Phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp, thi đua thực hiện “4 xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và “4 luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ, đặc biệt đối với các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề kinh doanh dịch vụ; phong trào: “Thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt” áp dụng phương pháp nghiên cứu, các sáng kiến mới, cải tiến phương pháp giảng dạy của khối trường học; thi đua thực hiện “Tất cả vì bệnh nhân thân yêu” của khối Y tế; “Giữ đường thông suốt, an toàn, êm thuận”, “Thi đua sửa chữa, quản lý đường bộ kiểu mẫu” được gắn với nội dung thi đua bảo đảm trật tự ATGT của khối đường bộ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của khối cơ quan Bộ; chị em khối sản xuất cơ khí nêu cao vai trò của mình trong việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; phong trào “Tri thức, thanh lịch, đảm đang” của phụ nữ Hàng không…

Hàng năm, Công đoàn GTVT Việt Nam phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ GTVT tổ chức kiểm tra nắm tình hình tại các đơn vị về việc thực hiện các chế độ, chính sách, việc làm, đời sống, công tác đào tạo cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe của phụ nữ, công tác dân số – KHHGĐ, thực hiện các phong trào thi đua, công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên… để đánh giá tình hình hoạt động trong nữ CNVCLĐ và có hướng chỉ đạo thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật về lao động nữ, bình đẳng giới, công tác dân số – KHHGĐ và các hoạt động xã hội trong nữ CNVCLĐ luôn được đẩy mạnh.

Năm 2014, về cơ bản 98% nữ CNVCLĐ đủ việc làm và được bố trí công việc phù hợp với khả năng, tạo điều kiện cho chị em yên tâm công tác, có thu nhập ổn định, thu nhập bình quân 5.500.000 đ/người/tháng. Điều kiện làm việc của nữ CNLĐ tại các phân xưởng sản xuất đã được lãnh đạo đơn vị và công đoàn quan tâm cải thiện bằng việc trang bị, thiết kế lắp đặt thiết bị giảm thiểu bụi, chống ồn, chống nóng, trang bị cấp phát đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và sức khỏe cho nữ CNLĐ, không bố trí sắp xếp lao động nữ vào những nơi làm việc có môi trường độc hại, nặng nhọc.

Cơ bản các đơn vị thực hiện đầy đủ chính sách đối với lao động nữ theo quy định của pháp luật. Nữ cán bộ, CNVCLĐ được thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS với nhiều hình thức phong phú, lồng ghép trong các hội thi, hội thao, sinh hoạt chuyên đề hoặc mời báo cáo viên nói chuyện; quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện, phòng khám và các trạm y tế trong Ngành, 90% số đơn vị, doanh nghiệp có phòng y tế (các đơn vị có số CNVCLĐ đông và các đơn vị y tế). Hàng năm, trên 95% nữ CNVCLĐ được khám sức khỏe định kỳ, nhiều đơn vị tổ chức khám thêm một lần chuyên khoa cho nữ, 100% phụ nữ có thai được đi khám thai đủ 5 lần, sau khi sinh con, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo đúng quy định của pháp luật về BHXH.

Thời gian qua, Công đoàn đã vận động nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới của Ngành và đất nước. Nhiều cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện cho chị em về thời gian đi học và được hưởng nguyên lương, cán bộ nữ được cử đi đào tạo nghiên cứu sinh ngoài việc tạo điều kiện về thời gian, còn được trả 100% lương và hỗ trợ kinh phí khi hoàn thành chương trình, có đơn vị thưởng từ 15 đến 30 triệu đồng sau khi hoàn thành chương trình Thạc sỹ, Tiến sỹ. Trình độ nữ CNVCLĐ ngành GTVT hiện nay đã có sự cải thiện: Nữ có trình độ trên đại học là 1.150 người, đại học là 8.653 người, cao đẳng là 2.015 người, trung cấp 3.740 người, thợ 4.511 người. Tại một số cơ quan, đơn vị, nữ có trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao trên tổng số nữ như: Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, Viện Chiến lược phát triển GTVT (93%), cơ quan Bộ GTVT (90,1%), Cục Đăng kiểm Việt Nam (65%), Cục Hàng hải Việt Nam (70%), Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy (80%), Tổng Công ty XDCT Giao thông 5 (63%), Tổng Công ty XDCT GT 8 (73%), Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (79%), Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (60%), Trường Đại học Công nghệ GTVT (97%), Trường Cán bộ quản lý GTVT (83,3%), Trường Cao đẳng nghề GTVT TW II (82,3%), Trường Cao đẳng GTVT miền Trung (85%)… .

Hoàng Châu

Ý kiến của bạn

Bình luận