Chậm nhất quý II mở tuyến BRT Kim Mã – Khu CNC Láng Hòa Lạc

Giao thông 24h 22/02/2017 05:02

“Hiện Sở GTVT và Tổng Cty Vận tải Hà Nội đề xuất thêm một tuyến BRT nữa từ Kim Mã đi Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành khảo sát, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong quý I và chậm nhất đầu quý II năm 2017".

 

Sắp có thêm tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Khu công
Sắp có thêm tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã – Khu công

Theo ông Ngô Mạnh Tuấn thì trong tháng 1/2017 đã vận hành 9.394 lượt xe buýt nhanh BRT (đạt 99,99% kế hoạch), vận chuyển được 375.692 lượt hành khách (bình quân 40 hành khách/lượt). Ngày cao nhất vận chuyển 16.685 hành khách. Bình quân mỗi nhà chờ phục vụ 527 hành khách/ngày, trong đó điểm đầu Kim Mã mỗi ngày bình quân đón 1.988 hành khách. Tại các nhà chờ Yên Nghĩa, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thuý, Vũ Ngọc Phan, Giảng Võ bình quân mỗi ngày đón khoảng gần 1000 lượt khách.

Theo nhận định, tuyến buýt nhanh BRT đã vận hành theo đúng phương án, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn, thu hút được hành khách đi xe buýt và bước đầu đã có những kết quả rõ rệt, được hành khách đánh giá tích cực, thiện cảm hơn với các phương tiện công cộng. Ý thức người tham gia giao thông trên tuyến được cải thiện. Đa số các phương tiện đã chủ động không đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt BRT. Chất lượng dịch vụ cao và có sự khác biệt rõ rệt với xe buýt thường, thân thiện với người sử dụng, do vậy đã thu hút được đa dạng đối tượng hành khách. Cụ thể: lượt xe xuất bến đúng giờ đạt 97,9% do được hoạt động trên làn đường dành riêng nên ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc giao thông. Phương tiện, nhà chờ hiện đại, luôn được bảo đảm vệ sinh, an ninh trật tự, thuận tiện cho hành khách lên xuống xe.

“Tuyến BRT đi vào hoạt động đã thực hiện điều chỉnh 5 tuyến buýt (09, 18, 19, 22, 50) để tăng cường kết nối với tuyến BRT với các khu đô thị, khu dân cư bước đầu đã phát huy hiệu quả. Thực hiện điều chỉnh hoạt động của các tuyến buýt 22 thành 3 tuyến buýt gom kết nối nên sản lượng tuyến BRT tăng rõ rệt tại điểm đầu Kim Mã, tăng hơn 20% so với trước khi điều chỉnh tuyến”- ông Tuấn nêu.

Vẫn theo báo cáo của Sở GTVT thì việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến buýt nhanh BRT được đảm bảo. Đã lắp đặt thí điểm dải phân cách để phân tách BRT với làn giao thông chung tại 3 nhà chờ: Giảng Võ, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy; các lực lượng chức năng duy trì điều tiết, hướng dẫn giao thông dọc lộ trình tuyến BRT và việc lắp đặt hệ thống loa thông báo, tuyên truyền tại một số điểm nóng trên trực BRT và việc lắp đặt hệ thống loa thông báo, tuyên truyền tại một số điểm nóng trên trục BRT vận hành đã giảm tình trạng các phương tiện giao thông khác lấn làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT.

Phó Giám đốc Sở GTVT cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại sau 1 tháng vận hành tuyến buýt nhanh BRT như: lượng hành khách đi xe buýt nhanh BRT từ ngoài vành đài 3 trở ra đến Ba La vẫn còn thấp. Một số sự cố kỹ thuật đã xảy ra tại nhà chờ. Tình trạng một số phương tiện giao thông đi vào làn đường dành riêng, cản trở hoạt động của xe BRT và có trường hợp đã va chạm với xe BRT; một số cây xanh trên đường Giảng Võ bị nghiêng ra đường làm ảnh hưởng đến việc vận hành xe trên tuyến.

PGĐ Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cũng cho biết thêm, sau thời gian thử nghiệm qua các phương tiện thông tin đại chúng nhận được sự đồng tình của người dân nên Sở cho rằng cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.

“Hiện Sở GTVT và Tổng Cty Vận tải Hà Nội đề xuất thêm một tuyến BRT nữa từ Kim Mã đi Khu công nghệ cao Láng Hòa Láng. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành khảo sát, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong quý I chậm nhất quý II”- ông Ngô Mạnh Tuấn nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận