Việc xe đăng ký kinh doanh tại tỉnh thành khác vào Hà Nội hoạt động làm tăng tình trạng ùn tắc của Thủ đô. |
Sở dĩ Bộ GTVT có yêu cầu này do nhận được Văn bản số 11/HATAS-KN ngày 1/4/2019 của Hiệp hội Taxi Hà Nội về việc các hãng taxi được cấp phù hiệu ngoại tỉnh kinh doanh tại nội thành Hà Nội.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Công ty TNHH Grab thực hiện thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (xe GrabCar) trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1755/VPCP-CN ngày 23/2/2018 của Văn phòng Chính phủ và quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 của Bộ GTVT.
UBND TP. Hà Nội và UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành các vi phạm (nếu có) đối với lái xe, đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm đối với hoạt động vận tải có Ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn địa phương mình.
Đối với Công ty TNHH Grab, Bộ GTVT yêu cầu doanh nghiệp này nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành, quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/01/2016 của Bộ GTVT và quy định của UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, Grab không được triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng (Hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.
Grab không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT: Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc (bao gồm cả xe taxi).
Liên quan đến việc xe ngoại tỉnh “tràn” vào Thủ đô Hà Nội, mới đây trong Dự thảo Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải ô tô, Bộ GTVT đã bổ sung quy định tại các Điều 6,7,8 đối với xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch nêu rõ: “Có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong 1 tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe”.
Việc bổ sung quy định này được Bộ GTVT lý giải trong Tờ trình gửi lên Văn phòng Chính phủ là nhằm bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, tránh đăng ký loại hình xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe tuyến cố định, đăng ký kinh doanh tại địa phương này sau đó đưa phương tiện sang địa phương khác để hoạt động, dẫn đến mất trật tự vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với tuyến cố định và xe taxi trên địa bàn, gây khó khăn cho công tác quản lý vận tải, tổ chức giao thông và quản lý thuế.
Đồng thời, theo Bộ GTVT, quy định này cũng tạo sự minh bạch của các đơn vị kinh doanh vận tải khi hoạt động thường xuyên trên địa bàn nào thì phải có sự quản lý và thực hiện nghĩa vụ đối với địa bàn đó.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.