Chắp cánh bay cao trên bầu trời công nghệ hàng không

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 27/05/2018 06:31

Là một trong những ngành có tính kết nối cao đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, Hàng không luôn đi đầu trong ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Bước vào kỷ nguyên của công nghệ số, các lĩnh vực của ngành Hàng không Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực, sẵn sàng tiếp cận và chinh phục bầu trời công nghệ rộng lớn.

 

Anh-4_1
 

Tối ưu hoạt động bay bằng ứng dụng công nghệ số

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, cùng những tồn tại và yêu cầu mới tác động đến sự phát triển của ngành Hàng không Việt Nam thời gian tới, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không theo Quyết định 21 là cần thiết. Đặc biệt, để đảm bảo cho ngành Hàng không phát triển bền vững, quy hoạch đã bổ sung về nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền công nghệ 4.0. Song song với đó, xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành bậc cao có năng lực nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật hướng tới nền công nghiệp 4.0.

Dưới góc độ nghiên cứu, ông Tô Đình Dũng - Trưởng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) chia sẻ, lĩnh vực hàng không sẽ chịu nhiều thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Dũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động nhiều đến lĩnh vực này từ các mô hình dịch vụ và kinh doanh, sự an toàn của tàu bay, thiết bị mặt đất hay như chuỗi giá trị (hãng hàng không, cảng hàng không, quản lý không lưu…). 

Tại một sự kiện tại Hà Nội về chủ đề tương lai và thách thức của ngành Hàng không trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của công nghệ và chuyển đổi kỹ thuật số trong việc giải quyết các thách thức, ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết sẵn sàng ứng dụng nền tảng dữ liệu mở Skywise của Airbus dành cho hàng không để nâng cao hiệu quả của hãng bay. Ông Thành chia sẻ việc chậm chuyến bay mang đến nhiều khó chịu cho các hành khách và là một trong những vấn đề lớn nhất mà các hãng phải đối mặt. Bằng cách ứng dụng công nghệ AOG (Aircraft On Ground) mà Skywise mang đến, ông hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết, đảm bảo thông suốt và liên tục cho các chuyến bay trong tương lai.

Ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng giám đốc Vietjet Air chia sẻ, Vietjet đã tập trung đầu tư và ứng dụng công nghệ mới vào trong mọi hoạt động từ thương mại, dịch vụ, an toàn khai thác, quản lý điều hành bay, quản lý kỹ thuật... Hãng chủ trương đầu tư đội bay hiện đại với xu hướng công nghệ mới nhất nhằm đem đến trải nghiệm bay thoải mái và thú vị cho hành khách. Hiện nay, Vietjet đã hợp tác với Google để phát triển ứng dụng thương mại điện tử, hợp tác với Amazon Website Services để lưu trữ dữ liệu của hãng nhằm nâng cao chất lượng quản lý, vận hành và dịch vụ.

 Ứng dụng công nghệ trong quản lý điều hành bay

Trong xu thế phát triển tất yếu, việc làm chủ khoa học công nghệ hiện đại là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Xác định rõ nhiệm vụ đó, những năm qua Tổng công ty luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và hiện đại hóa các trang thiết bị theo hướng “đi tắt đón đầu”. Đến nay, hàng loạt hệ thống tự động với các trang thiết bị sử dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến đã được lắp đặt và đưa vào phục vụ công tác quản lý, điều hành bay, điển hình như: Lắp đặt hàng chục trạm thông tin (VHF) và các trạm liên lạc vệ tinh VSAT; nâng cấp, xây mới 22 Đài dẫn đường VOR/DME, DVOR/DME; đầu tư mới hệ thống xử lý dữ liệu ra-đa và xử lý dữ liệu bay cho ACC/HCM; hoàn thành dự án mạng giám sát Vùng thông báo bay Hà Nội. Cùng với đó, tại các cảng hàng không sân bay trên toàn quốc, Tổng công ty đã đầu tư xây dựng đồng bộ 21 đài kiểm soát tại sân, trong đó nhiều dự án là những công trình phức tạp, quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật công nghệ cao như: Đài kiểm soát không lưu Đà Nẵng, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, Tổng công ty còn đầu tư lắp đặt 9 trạm ra-đa giám sát, 12 trạm ADS-B trong lộ trình đầu tư mạng giám sát tự động phụ thuộc nhằm nâng cao năng lực giám sát, tăng cường đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến, hiện đại; tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, đồng thời phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin. Trong chương trình phát triển công nghiệp hàng không, Tổng công ty đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành như: Giàn phản xạ DVOR/DME, phòng đặt thiết bị (Shelter), chế tạo thành công hệ thống đèn phụ trợ dẫn đường sân bay, sản xuất phần mềm đầu cuối mạng viễn thông cố định hàng không, phần mềm đồng hồ thời gian chuẩn, phần mềm AMHS…; tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không.

Tổng công ty đã triển khai hàng loạt giải pháp chiến lược với ứng dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến, áp dụng các phương thức bay hiện đại theo khuyến cáo của ICAO. Cụ thể trong năm 2016 và 2017, VATM đã đưa vào khai thác trục đường bay song song một chiều Bắc - Nam áp dụng dẫn đường theo tính năng tiêu chuẩn (RNAV5), đưa vào áp dụng các phương thức cất hạ cánh với công nghệ tiên tiến (RNAV1), phân chia lại vùng trời tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, vừa tối ưu hóa quỹ đạo bay của tàu bay, vừa giảm yêu cầu xử lý xung đột, giảm tải công việc cho kiểm soát viên không lưu, giảm phát thải ra môi trường, giảm thiểu thời gian bay, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hãng hàng không. Cùng với đó, để giảm thiểu tối đa sự tắc nghẽn tại một số sân bay trọng yếu, nhằm tổ chức hiệu quả vùng trời, Tổng công ty đã tích cực triển khai chương trình quản lý luồng không lưu (ATFM), sẵn sàng đối mặt với các thách thức đang và sẽ diễn ra trong tương lai. Để bắt kịp xu thế chung trong tiến trình hội nhập, VATM cũng không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, các tổ chức, hiệp hội trong khu vực và trên thế giới.

Thời gian tới, Tổng công ty đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động; áp dụng công nghệ mới trong quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến (quản lý luồng không lưu) để tạo sự thay đổi cơ bản về năng lực của hệ thống; đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường bay, phương thức dựa trên phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN); ưu tiên nắn thẳng các đường bay trục, các đường bay có mật độ bay cao; nghiên cứu, xây dựng phương thức điều hành để giảm phân cách dọc nhằm tăng năng lực thông qua trong các phân khu đường dài. Bên cạnh đó, VATM chủ động và sẵn sàng chuyển đổi sang các hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đường, giám sát mới theo lộ trình nâng cấp các khối thiết bị hàng không của ICAO; hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn (SMS), đưa vào vận hành hiệu quả hệ thống quản lý an toàn ở tất cả các cấp, đơn vị trước năm 2020; thực hiện quyết liệt lộ trình chuyển đổi từ thông báo tin tức hàng không (AIS) sang quản lý tin tức hàng không (AIM)... Tất cả những nhiệm vụ nêu trên không nằm ngoài mục tiêu phấn đấu trở thành nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực 

Ý kiến của bạn

Bình luận